CSGDĐH mong Nhà nước hỗ trợ, đẩy mạnh hợp tác công-tư về cơ sở vật chất
Giải pháp giúp các trường đáp ứng chuẩn CSGDĐH là hợp tác, liên kết với đối tác trong và ngoài nước, kêu gọi đầu tư qua hình thức đầu tư công-tư.
.t1 { text-align: justify; }
Theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học: Tiêu chí 3.1. Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2. Tiêu chí 3.2: Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8m2; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.
Trong đó, hệ số vị trí của khuôn viên đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương được tính bằng 2,5 lần và các vị trí còn lại được tính bằng 1 lần.
Quy chuẩn về diện tích đang trở thành một trong những khó khăn lớn đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt với các trường trong nội đô tại các thành phố lớn.
Khó khăn chung đối với rất nhiều cơ sở giáo dục đại học
Theo thông tin từ báo cáo công khai năm 2024, diện tích đất/người học của Học viện Quản lý giáo dục năm 2024 là 9,478m2/người; năm 2023 là 10,434m2/người.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho biết: “Hiện nay, các tiêu chí: diện tích đất, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo có lẽ là khó khăn chung của rất nhiều trường đại học/học viện đặc biệt ở khu vực nội đô.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tiêu chí diện tích đất và diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo của Học viện Quản lý giáo dục đảm bảo đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT”.
Cụ thể, cuối năm 2024, Học viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thêm cho Học viện 2.310m2 đất liền kề với khu đất Giảng đường của Học viện tại địa chỉ 62 Phan Đình Giót, Thanh Xuân, Hà Nội, nâng tổng diện tích đất của Học viện lên xấp xỉ đạt 20.000m2. Trong năm 2025, Học viện nghiệm thu đưa công trình Nhà Giảng đường sinh viên 9 tầng vào khai thác sử dụng, bổ sung thêm tổng diện tích sàn 8.211m2 (gồm 09 tầng) đưa vào khai thác sử dụng phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: NVCC.
Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cũng thông tin thêm: “Học viện đang tiến hành điều chỉnh chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2035 theo lộ trình tự chủ, theo đó, Học viện sẽ tính toán số lượng sinh viên, giảng viên hiện tại và trong tương lai để dự báo diện tích đất và diện tích sàn xây dựng cần thiết, đảm bảo điều kiện phát triển trong từng giai đoạn.
Học viện Quản lý giáo dục đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích đất, sàn xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở vật chất cụ thể như sau:
Một là, mở rộng diện tích sử dụng và diện tích sàn xây dựng: Trên diện tích đất 2.310m2, Học viện mới tiếp nhận và sử dụng, đồng thời cũng đang đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng Tòa nhà đa năng phục vụ công tác đào tạo và bồi dưỡng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 15.000m2 (đề xuất kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030), các công trình phụ trợ như căng-tin, khu thể thao; khu học tập, sinh hoạt chung cho sinh viên và giảng viên…
Hai là, cải tạo và tối ưu hóa không gian hiện có: Học viện đã và đang khảo sát, đánh giá hiện trạng, có kế hoạch cải tạo sửa chữa, nâng cấp đồng bộ một số khu giảng đường, ký túc xá để tăng thêm diện tích sàn đáp ứng nhu cầu không gian hiện đại, thân thiện và hữu dụng.
Đồng thời, rà soát và sắp xếp lại không gian làm việc cho giảng viên: Cơ sở vật chất hiện có, Học viện đã bố trí các phòng làm việc, không gian hội thảo, seminar,… cho giảng viên.
Tuy nhiên, để chuẩn hóa các tiêu chuẩn ở mức ngày nâng cao, Học viện vẫn đang tiếp tục rà soát sắp xếp bố trí lại các khu nhà làm việc, coi đó là nhiệm vụ ưu tiên và quan trọng nhằm tạo dựng không gian làm việc cho giảng viên ngày càng cải thiện đáp ứng tiêu chuẩn xanh-sạch-đẹp-thân thiện, thúc đẩy sự say mê, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu, nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần, với quy mô tuyển sinh hiện tại, theo kế hoạch và lộ trình tăng diện tích đất, diện tích sàn như trên, đến năm 2030, Học viện vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn này.
Mặc dù vậy, để mở rộng quy mô đào tạo, khó khăn lớn nhất mà Học viện Quản lý giáo dục có thể gặp phải khi đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất theo Thông tư số 01 (về diện tích đất và diện tích sàn xây dựng trên người học) chính là nguồn lực tài chính.
“Với bối cảnh tự chủ hiện nay, cũng giống như đại đa số các trường đại học/học viên, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính, nên rất mong nhận được các nguồn lực đầu tư đặc biệt các nguồn đầu tư trọng điểm để phát triển đồng bộ cơ sở vật chất.
Phía Học viện cũng đã nỗ lực và chủ động các nguồn lực tài chính để sửa chữa, đầu tư và trang bị cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Song, với mong muốn xây dựng và phát triển hệ thống đồng bộ thì ngoài quỹ đất phù hợp còn phải đảm bảo có hệ sinh thái đủ mạnh (bao gồm các dịch vụ tiện ích hỗ trợ học tập, giải trí, rèn luyện thể chất, phục vụ kết nối trong các cơ sở giáo dục đại học và các đơn vị sử dụng lao động,...). Đây đều là những bài toán rất khó đặt ra khi đầu tư, quản lý việc sử dụng và khai thác cơ sở vật chất mà các cơ sở giáo dục đại học phải tính toán kỹ lưỡng.
Đó là vấn đề cơ bản và phức tạp, đặc biệt đối với trụ sở chính của Học viện nằm trên quận Thanh Xuân - là quận nội đô trung tâm, “cửa ngõ” ở khu vực có tốc độ đô thị lớn, nơi đất đai có giá trị cao và rất thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao phó. Tuy nhiên, cơ chế khai thác sử dụng tài sản công, chính sách liên kết, hợp tác và các nguồn lực tài chính đầu tư trọng điểm cho Học viện còn thiếu và gặp nhiều khó khăn” - vị Giám đốc Học viện bày tỏ.

Một phòng học tại Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: NTCC.
Thầy Thuần nêu các khó khăn chính và các giải pháp khắc phục được Học viện triển khai:
Thứ nhất, những khó khăn về nguồn tài chính để trang trải chi phí xây dựng, bảo trì cơ sở vật chất và đồng bộ hóa cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số: Các công trình hiện có đều được xây dựng rất lâu nên nhu cầu kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng là lớn. Việc xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất sao cho đồng bộ với nhu cầu giảng dạy và hoạt động học tập của trường đòi hỏi một chiến lược quy hoạch hợp lý. Khắc phục điều đó, Học viện đã xây dựng một lộ trình cụ thể và thực hiện các bước mở rộng cơ sở vật chất trong thời gian ngắn, để có thể áp dụng công nghệ giảng dạy trực tuyến kết hợp các phương thức học truyền thống, giảm tải nhu cầu về diện tích sàn bằng cách kết hợp các phương thức học truyền thống và trực tuyến.
Đồng thời, có thể tận dụng tối đa không gian với các phòng học đa chức năng, sử dụng thiết bị linh hoạt cho nhiều hoạt động khác nhau. Chi phí xây dựng và bảo trì có thể rất lớn, đặc biệt khi các công trình phải đạt chuẩn và có chất lượng cao. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với Học viện
Thứ hai, những khó khăn về cơ chế và chính sách khai thác hiệu quả cơ sở vật chất: Học viện cũng đang nghiên cứu cơ chế và xây dựng các đề án để có thể hợp tác và liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để kêu gọi đầu tư khai thác cơ sở vật chất và thiết bị hiện có qua các hình thức đầu tư công-tư (PPP), tuy nhiên thực tế triển khai vô cùng khó khăn trong các thủ tục, hiện chưa có cơ sở giáo dục đại học công lập nào thực hiện thành công có tính tiên phong mở đường để Học viện có thể quyết liệt thực hiện.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tối ưu không gian
Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng đã và đang tích cực đầu tư, nâng cấp hạ tầng nhằm đáp ứng các tiêu chí mới về diện tích sử dụng, công năng phục vụ đào tạo, tính ứng dụng công nghệ và khả năng thích ứng linh hoạt với hình thức đào tạo kết hợp (blended learning).
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết: “Tại khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội), cơ sở chính của Học viện trải rộng hơn 5ha, gồm 4 khối nhà A, B, C, D với tổng diện tích sử dụng hơn 50.000m². Hệ thống phòng học được thiết kế theo hướng đa năng, hiện đại, có khả năng phục vụ linh hoạt cho cả hình thức đào tạo trực tiếp tại lớp và đào tạo trực tuyến từ xa...
Một số phòng học trọng điểm tại tòa giảng đường chính đã được nâng cấp thành các phòng học thông minh, được trang bị bảng tương tác cảm ứng, hệ thống kết nối đa chiều giữa giảng viên - sinh viên - tài liệu số hóa, tích hợp camera, micro, máy chiếu, âm thanh, nền tảng quản lý học tập (LMS) và hệ thống hội nghị trực tuyến. Đây là giải pháp công nghệ giúp mở rộng không gian giảng dạy, hỗ trợ học tập linh hoạt, nâng cao khả năng tiếp cận tri thức trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục hiện nay”.

Học viện Chính sách và Phát triển tại khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Học viện Chính sách và Phát triển còn sở hữu 2 hội trường lớn với sức chứa lần lượt là 886 và 442 chỗ, cùng nhiều phòng học quy mô từ 50 đến 150 chỗ ngồi, phục vụ hiệu quả các hoạt động học thuật, hội thảo chuyên đề, báo cáo nghiên cứu, sinh hoạt học thuật, các sự kiện quy mô lớn của sinh viên.
Mô hình thư viện truyền thống của Học viện vẫn được duy trì với hơn 26.000 bản sách, 48 đầu tạp chí chuyên ngành, cùng khu đọc sách có sức chứa 400 chỗ ngồi, đảm bảo phục vụ đồng thời nhu cầu học tập, nghiên cứu và tự học. Học viện cũng đầu tư hệ thống thư viện số với gần 1,2 triệu đầu tài liệu điện tử, được cập nhật liên tục và liên kết với hơn 40 thư viện đại học trên cả nước.
Song hành với đó, Học viện triển khai nền tảng LMS mã nguồn mở, cho phép xây dựng các khóa học trực tuyến, cung cấp tài liệu, bài giảng điện tử, bài kiểm tra và là kênh tương tác giữa giảng viên - sinh viên.
“Với những điều kiện trên, hiện tại, các hạng mục cơ sở vật chất của Học viện đáp ứng yêu cầu theo quy định của chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư số 01.
Tính đến thời điểm hiện tại, Học viện đang đào tạo gần 7.000 người học ở các trình độ khác nhau. Diện tích sàn xây dựng đang sử dụng đạt 63.081m², tương ứng 7,04 m²/người học - vượt mức yêu cầu tối thiểu 2,8 m²/người học theo quy định. Đồng thời, Học viện cũng đảm bảo tốt các điều kiện làm việc cho đội ngũ giảng viên. Tỉ lệ giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt đạt 89,2% (vượt chuẩn tối thiểu 70% theo quy định của Bộ)...” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Nguyên nhấn mạnh.
Về phía Học viện Quản lý giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần đề cập đến một số giải pháp tháo gỡ khó khăn: Đầu tư vào cải tạo các khu đất hiện tại, tận dụng tối đa không gian có sẵn bằng cách nâng cao công năng sử dụng, ví dụ như xây dựng các tòa nhà cao tầng thay vì mở rộng diện tích mặt đất.
Quy hoạch và đồng bộ hóa cơ sở vật chất: Học viện sẽ quy hoạch, xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất sao cho đồng bộ với nhu cầu giảng dạy và hoạt động học tập của trường. Cơ sở vật chất cần phải phục vụ cho nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm giảng dạy, nghiên cứu, thể thao, hoạt động ngoại khóa…
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục tạo ra một môi trường học tập hiện đại, linh hoạt và công bằng, cung cấp linh hoạt về thời gian và không gian học tập, các hoạt động giáo dục và quy trình liên quan từ hình thức truyền thống sang hình thức trực tuyến dựa trên công nghệ số, tương tác và hợp tác trực tuyến.
Tăng cường khai thác cơ sở vật chất thông qua các hoạt động liên danh, liên kết theo quy định của pháp luật, cho thuê theo các đề án được cơ quan quản lý phê duyệt,… nhằm tập trung các nguồn lực hợp pháp để chủ động nguồn lực tài chính tái đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, còn có một số giải pháp hỗ trợ từ bên ngoài: Lộ trình từ nay đến năm 2030, Học viện sẽ cần những sự chỉ đạo, hỗ trợ quyết liệt từ cơ quan chủ quản và các cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện các phương án khả thi mở rộng diện tích sàn xây dựng thông qua các dự án đầu tư công hoặc nguồn thu hợp pháp của Học viện cho việc xây dựng mới hoặc cải tạo cơ sở vật chất hiện có.
Mở rộng diện tích đất bằng cách đề xuất với các cơ quan chủ quản để tìm kiếm các khu đất công hoặc đất chưa sử dụng (giao quản lý sử dụng hoặc thuê đất dài hạn).
Học viện cũng có thể hợp tác với các nhà đầu tư tư nhân để mở rộng khuôn viên qua các hình thức đầu tư công-tư (PPP), đề xuất các dự án hợp tác với các tổ chức Chính phủ hoặc các quỹ hỗ trợ giáo dục để có thêm nguồn tài chính cho việc cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất. Việc tìm nguồn đầu tư, thuê đất lâu năm, phát triển nguồn cơ sở vật chất trên cơ sở các dự án hợp tác với các tổ chức Chính phủ hoặc các quỹ hỗ trợ giáo dục để có thêm nguồn tài chính, thu hút vốn đầu tư cho các công trình xây dựng cũng là những giải pháp căn cơ trong điều kiện tự chủ hiện nay.
Hợp tác với các trường đại học khác: chia sẻ, trao đổi, thuê cơ sở vật chất và tận dụng hiệu quả các không gian dùng chung giữa các trường đại học để tiết kiệm chi phí, tăng cường trao đổi học thuật, giao lưu sinh viên và học viên.
Cần có các giải pháp cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ
Triển khai Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT trong thực tế đặt ra không ít thách thức cho các trường, đặc biệt là những đơn vị đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tự chủ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Nguyên, trong bối cảnh giáo dục đại học ngày càng chú trọng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực, đề xuất sử dụng cơ sở vật chất dùng chung giữa các trường đại học có thể được xem là một hướng đi khả thi và đáng khuyến khích.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển. Ảnh: NVCC.
“Việc chia sẻ không gian học tập, thư viện, phòng thí nghiệm hay hội trường giữa các trường trong cùng khu vực có thể giúp tối ưu hóa đầu tư công, giảm trùng lặp, đồng thời tạo điều kiện để người học tiếp cận đa dạng tài nguyên học thuật.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các mô hình liên kết theo cụm ngành, cụm địa lý trong việc sử dụng chung cơ sở vật chất; đồng thời tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn thực hiện từ phía cơ quan quản lý để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Việc đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng nên được tiếp cận linh hoạt và đa chiều, không chỉ dừng ở số lượng hay diện tích, mà cần tính đến tính hiệu quả sử dụng, mức độ tích hợp công nghệ và khả năng phục vụ mục tiêu đào tạo toàn diện.
Mô hình này có thể phát huy hiệu quả nếu được thiết kế với cơ chế phối hợp rõ ràng, hành lang pháp lý minh bạch và có sự đồng thuận giữa các bên liên quan. Đây không chỉ là giải pháp tiết kiệm, mà còn mở ra cơ hội liên kết - chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục trong thời đại số” - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển bày tỏ.
Về giải pháp sử dụng cơ sở vật chất dùng chung, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần đánh giá, mặc dù có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc tối ưu hóa nguồn lực hiện có của các trường, tăng cường hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất và giảm thiểu chi phí; song, việc thực hiện đề xuất này cần phải xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo những hành lang pháp lý để thu hút những đầu tư trọng điểm vào những nội dung quan trọng và thiết thực hơn.
“Hiện nay, đa phần các trường đặc biệt khối kỹ thuật, y tế… rất cần những đầu tư trọng điểm, kỹ thuật cao mà nhiều cơ sở giáo dục đại học khác đều mong muốn, nên nếu chia sẻ được những cơ sở vật chất và hệ thống thiết bị này, sẽ tăng hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí cho các đơn vị sử dụng và tạo cơ hội hợp tác, trao đổi chuyên môn.
Vì vậy, việc tính đến hệ thống cơ sở vật chất dùng chung giữa các trường đại học là một giải pháp chiến lược nhằm tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục. Giải pháp này mang lại nhiều lợi ích, bao gồm tối ưu hóa việc sử dụng các cơ sở vật chất đắt tiền, thúc đẩy hợp tác và trao đổi giữa các trường, giảm chi phí đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và vận hành.
Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống này cũng đặt ra nhiều thách thức, như vấn đề phối hợp quản lý, tài chính và pháp lý. Để đảm bảo tính khả thi và bền vững, cần xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả, đảm bảo tính công bằng và minh bạch, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều phối” - thầy Thuần phân tích thêm.
Ngoài ra, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cũng bày tỏ: “Để các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn và tạo thuận lợi cho việc phát triển, theo tôi, cần có các giải pháp cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ như sau:
Hỗ trợ các nguồn lực tài chính và chính sách ưu đãi: Chính phủ hỗ trợ các nguồn lực tài chính, cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc chương trình tài trợ để xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất.
Khuyến khích hợp tác công tư (PPP): Tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học huy động thêm nguồn lực thông qua hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.
Chính phủ rà soát, bổ sung các văn bản hướng dẫn hoặc mô hình cụ thể về việc hợp tác công-tư (PPP) đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện đầu tư, kêu gọi đầu tư, khai thác tối đa hóa cơ sở vật chất hiện có”.