Cứ 5 năm, số vụ kiện phòng vệ với hàng Việt lại tăng gấp đôi

Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại nhắm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam ngày một tăng, cứ 5 năm số lượng vụ việc tăng gấp đôi, hiện đã có 224 vụ kiện với hàng Việt.

Tính đến tháng 10/2022, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của 224 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường nước ngoài. Riêng 11 tháng đầu năm 2022, đã có 16 vụ hàng hóa của Việt Nam bị điều tra tại các thị trường xuất khẩu.

Số vụ kiện phòng vệ với hàng hóa Việt vẫn đang tăng mạnh trong những năm gần đây, tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế . Tính đến 15/12, quy mô xuất nhập khẩu cả nước đã vượt 700 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 357 tỷ USD, với 8 nhóm hàng xuất khẩu kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên.

Giai đoạn 2005-2010 là 25 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng Việt , thì đến giai đoạn 2011-2015 tăng lên 52 vụ và giai đoạn 2016-2021 là 109 vụ. Đến tháng 10/2022, có tổng 224 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam

Nếu trước đây, chỉ có những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mới bị dính kiện nhiều, thì nay, cả những nhóm hàng xuất khẩu với kim ngạch không đáng kể cũng dễ dàng bị kiện. Ngoài Mỹ, EU, Australia…sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhiều thì hiện đã lan sang cả những nước mới có FTA với Việt Nam, trao đổi thương mại còn khiêm tốn như Mexico, Canada.

Số liệu năm 2021, Mỹ là quốc gia có số vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam với 41 vụ, Ấn Độ là 28 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 24 vụ, Canada 18 vụ, Indonesia 11 vụ, Malaysia 10 vụ, Thái Lan 8 vụ…

Theo ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương), với xu hướng các quốc gia tăng cường các biện pháp bảo hộ ngành sản xuất nội địa, thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục vào tầm ngắm bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường.

Nhưng, không chỉ gói gọn ở 3 hình thức phòng vệ chính, gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, gần đây, hàng Việt bị tăng khởi kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

"Hiện nay, trong 16 vụ việc mà Việt Nam đang phải xử lý trong 11 tháng qua cũng có một số vụ việc liên quan đến việc điều tra lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại", ông Trung cho hay.

Nguyễn Thị Phương Thảo, Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN lý giải: "Điều tra chống lẩn tránh về bản chất là biện pháp phòng vệ thương mại đã được 1 nước nào đó áp dụng, chẳng hạn với 1 mặt hàng của Trung Quốc nhưng sau đó, các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, từ đó dẫn tới loại hàng hóa này xuất khẩu đi từ Việt Nam gia tăng đột biến hoặc xuất khẩu với giá thấp, làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất tại quốc gia nhập khẩu, sẽ bị điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại".

Dẫn chứng cho vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ, bà Thảo nêu: "Việt Nam đang phải chịu điều tra của Mỹ đối với sản phẩm về ván ép gỗ cứng, mà sản phẩm này Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc với mức thuế gần 200%. Và khi Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng hóa Việt, đồng nghĩa sẽ có nguy cơ bị áp dụng với mức thuế tương đương, nếu doanh nghiệp không chứng minh được bằng dữ liệu mặt hàng ván ép không có hành vi lẩn tránh thuế".

Với 15 FTA đang thực thi đã tạo điều kiện để hàng hóa gia tăng xuất khẩu, được ưu đãi thuế nhưng khi một mặt hàng có sự gia tăng xuất khẩu quá mạnh tại một thị trường, cũng gia tăng bị khởi kiện.

Nhìn ở góc độ tích cực, ông Chu Thắng Trung cho rằng, việc tăng phòng vệ từ các quốc gia nhập khẩu cho thấy dấu hiệu rất đáng mừng là hàng hóa Việt Nam ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn tại các thị trường nước ngoài và tạo ra một sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa của nước nhập khẩu. Đó là nguyên do khiến nhóm doanh nghiệp nước sở tại đệ đơn tới nhà quản lý đề nghị điều tra đối với hàng nhập khẩu.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, trong đó xuất khẩu là một trong 3 động lực tăng trưởng chính, để tránh hoàn toàn các vụ kiện phòng vệ thương mại là không thể, vì biện pháp này luôn đi kèm với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Để giảm thiểu các vụ việc này, các chuyên gia thương mại lưu ý doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một thị trường, theo dõi cảnh báo sớm về các mặt hàng có nguy cơ bị khởi kiện để có sự điều chỉnh phù hợp.

Giải pháp quan trọng nữa là cần chủ động lưu trữ hồ sơ, dữ liệu cho các lô hàng xuất khẩu đi từng thị trường; đối với từng vụ việc, nên hợp tác với cơ quan điều tra để chứng minh rằng mình không bán phá giá, không nhận trợ cấp, thuê các công ty luật có uy tín soạn thảo hồ sơ để giải trình với cơ quan điều tra của nước khởi kiện..

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cu-5-nam-so-vu-kien-phong-ve-voi-hang-viet-lai-tang-gap-doi-d180775.html