Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tận tâm, tận tụy, làm trọn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân đến giờ phút cuối cùng
Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh năm 1889, tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, từ nhỏ, cụ đã theo con đường khoa cử, sớm đỗ đạt.
Năm 17 tuổi, cụ đỗ cử nhân khoa thi năm 1906, sau đó đỗ thủ khoa Trường Hậu bổ, là cơ sở đào tạo viên chức hành chính bằng tiếng Pháp lúc bấy giờ. Từ năm 1911, cụ lần lượt được bổ làm Tri huyện, Tri phủ ở tỉnh Nam Định; Án sát ở tỉnh Bắc Ninh rồi Tuần phủ ở các tỉnh: Cao Bằng, Ninh Bình. Năm 1933, cụ được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ Hình, đồng thời tham gia Viện Cơ mật của triều đình Huế.
Trong thời gian làm quan ở các địa phương, cụ nổi tiếng là một vị quan thanh liêm chính trực, yêu thương dân chúng, chăm lo đời sống của nhân dân. Làm quan ở địa phương nào, cụ cũng luôn luôn đề cao tinh thần dân tộc, thương nước nhà đang còn dưới ách nô lệ, thương dân chúng còn đói khổ lầm than. Bởi lẽ đó, cụ luôn thực hiện chủ trương mở mang đạo học để khai trí, giáo dục đạo lý làm người, mở mang nghề nông, mang lại cơm no áo ấm cho dân, được nhân dân các địa phương ghi nhớ công đức.
Làm quan trong triều đình nhà Nguyễn dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn luôn thể hiện tinh thần yêu nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ sự công bằng, bảo vệ các phong trào yêu nước. Năm 1925, khi được cử làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án cụ Phan Bội Châu, cụ Bùi Bằng Đoàn đã thể hiện rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu để rồi sau đó tòa án không khép được cụ Phan vào án chung thân. Năm 1928, khi được chính quyền Pháp bảo hộ mời tham gia đoàn thanh tra các đồn điền cao su của các chủ người Pháp ở miền Nam, cụ đã làm một bản báo cáo bằng tiếng Pháp để tố cáo tội ác và cách đối xử tàn nhẫn của các chủ đồn điền và tay sai, buộc chính phủ Pháp phải thay đổi những chính sách hà khắc đối với hàng vạn công nhân đồn điền cao su tại Việt Nam. Năm 1931, khi làm Án sát Bắc Ninh, khâm phục tinh thần cách mạng bất khuất, kiên cường của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, cụ đã tìm mọi cách để giảm tội cho đồng chí tại phiên tòa của thực dân Pháp.
Đặc biệt, trong thời gian nắm giữ vị trí Thượng thư Bộ Hình, với những kiến thức sâu sắc về pháp luật dân chủ tư sản, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có nhiều đóng góp để cải cách pháp luật, cải cách tư pháp theo hướng tiến bộ. Trong 12 năm làm việc dưới triều vua Bảo Đại, cụ đã có công lớn sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời, biên soạn và ban hành một số luật mới, cải tiến tổ chức các tòa án, đào tạo các thẩm phán và đội ngũ nhân viên tư pháp. Đây chính là nền tảng vững vàng để cụ phát huy khi được giao trọng trách Trưởng ban Thường trực Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này.
Những tư tưởng và hành động thiết thực của cụ thực sự tạo ra tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, khẳng định tinh thần yêu nước bất khuất, tư tưởng tân tiến và sự hy sinh cao cả của một vị quan trong triều đại phong kiến. Cũng xuất phát từ tấm lòng yêu nước, thương dân đó, cụ đã tin tưởng và đi theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra cho dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ làm cố vấn để giúp thêm ý kiến “trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà”. Với tinh thần của một nhân sĩ yêu nước, khi tham gia cách mạng, trải qua nhiều vị trí, nhưng cụ luôn dốc hết tâm và tài phục vụ cho cách mạng.
Tháng 1-1946, cụ được bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh Hà Đông. Tháng 11 năm đó, cụ được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Kỳ họp thứ hai tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Trong thời gian giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội (từ tháng 11-1946 đến tháng 4-1955), ở giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân, cụ đã được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Đây là môi trường để những kiến thức, kinh nghiệm của cụ-như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết là “học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú”-phát huy giá trị, giúp ích cho công tác của Quốc hội, phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của cách mạng.
Trên cương vị đứng đầu Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, qua đó khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc đại diện cho ý chí của toàn dân, cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Vào thời điểm đó, cụ và Ban Thường trực Quốc hội đã nhận thức rõ nhiệm vụ của Quốc hội là tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến. Dù không thể tổ chức các cuộc họp thường xuyên, nhưng ĐBQH chính là cơ sở kết nối với quần chúng, động viên quần chúng đấu tranh với nhiều hình thức và khả năng sẵn có. Cụ đã có những hành động cụ thể để phát huy tinh thần đoàn kết của dân tộc, huy động lực lượng, sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Trong thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, cụ viết: “Hai mươi nhăm triệu đồng bào ta cùng chung Tổ quốc, cùng chung giang san, cùng chung vận mệnh, cuộc kháng chiến này là cốt bảo toàn vận mệnh của chúng ta, chúng ta có giữ được chủ quyền, có bảo vệ được hoàn toàn lãnh thổ của nước ta thì mới giữ được vận mệnh của dân tộc ta”.
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, do cử tri cả nước bầu nên, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Bằng kiến thức uyên bác và bản lĩnh chính trị vững vàng, cụ khẳng định: “Quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11 năm 1946”. Lời tuyên bố đanh thép của cụ là đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ của chính quyền thực dân và mưu toan lập chính quyền bù nhìn thân Pháp hòng làm giảm uy tín của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Trong những ngày ở Chiến khu Việt Bắc, trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến. Thời gian ấy, Bác Hồ và cụ Đoàn như hai người bạn tri kỷ.
Từ tháng 8-1948, do lâm bệnh nặng nên cụ Bùi Bằng Đoàn không còn trực tiếp điều hành các hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội. Tuy nghỉ dưỡng bệnh nhưng cụ vẫn theo dõi tình hình trong nước, quốc tế và thường xuyên gửi thư thăm hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội và đóng góp nhiều ý kiến mưu lợi ích cho nhân dân.
Đặc biệt, nhân dịp khai mạc Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa I vào tháng 3-1955, kỳ họp đầu tiên trong thời gian hòa bình lập lại ở miền Bắc, cụ đã gửi thư đến Quốc hội và toàn thể quốc dân đồng bào, qua đó thể hiện tư tưởng xuyên suốt là cần phải phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước. Bức thư có đoạn viết: “Tôi thiết tha kêu gọi các vị ĐBQH, các vị nhân sĩ trí thức, toàn thể quân đội và đồng bào đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, kiên quyết đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”.
Do tuổi cao, sức yếu, bệnh tình ngày càng trầm trọng, mặc dù đã được tận tình cứu chữa, nhưng cụ đã từ trần vào ngày 13-4-1955. Trong diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa I, tỏ lòng thương tiếc cụ, Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng đã nói: “Tất cả chúng ta hết sức tiếc nhớ cụ Bùi Bằng Đoàn, đại biểu tỉnh Hà Đông và Trưởng ban Thường trực Quốc hội đã tạ thế ngày 13-4-1955. Trong mấy năm đau bệnh nặng, cụ vẫn luôn cố gắng góp phần vào công việc của Quốc hội, vào công cuộc kháng chiến của toàn dân để giành độc lập và thống nhất cho nước nhà. Cụ đã làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân cho tới phút cuối cùng...”.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa I là nhiệm kỳ Quốc hội đi cùng với công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Với trọng trách là một trong những người đứng đầu Quốc hội trong giai đoạn này, cụ Bùi Bằng Đoàn đã cống hiến trọn vẹn tài năng và kinh nghiệm của mình để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của cụ Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến và đóng góp lớn lao của cụ, từ một vị quan liêm khiết, yêu nước, thương dân trong triều Nguyễn cho đến một vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tận tâm, tận tụy, làm trọn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân...