Cừ cáy, cừ pộc: Trò chơi truyền thống của người Tày Bình Liêu dịp đầu Xuân
'Cừ cáy' và 'cừ pộc' là những trò chơi được đồng bào Tày ở huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) ưa thích trong những ngày hội Xuân.
Từ những ngày cuối năm, bà con người Tày ở Bình Liêu (Quảng Ninh) đã rủ nhau vào rừng lấy củi và tìm kiếm những bụi dứa dại, hái những lá to và đẹp mang về đan "cừ cáy"; tìm đến bụi toong choọng và không quên hái thêm lá cây nhả đắng để làm "cừ pộc" dành chơi trong ngày Hội xuân.
"Cừ cáy" và "cừ pộc" là những trò chơi được đồng bào Tày ở huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) ưa thích trong những ngày hội Xuân. "Cừ pộc" là khối cầu hình tròn, được khéo léo kết từ lá cây toong choọng (một loại cây có lá dai, bền), bên trong được nhồi bằng lá nhả đắng (loại lá nhẹ, xốp như bông).
"Cừ pộc" được làm cầu kỳ, đòi hỏi người đan phải thật sự khéo léo, bởi một chiếc "cừ pộc" đẹp phải tròn đều, mắt đan kết thật khít, cầm chắc tay, không bị lún, mềm mà nhẹ.
"Cừ pộc" thường được nam nữ thanh niên yêu thích và từ trước Tết, các chàng trai, cô gái đều hết sức tỉ mỉ để đan cho mình một chiếc "cừ pộc" thật tròn, thật đẹp để đem đi mời bạn chơi.
Bà Hoàng Thị Viên (67 tuổi, ở Khu Nà Làng, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) vẫn nhớ như in những buổi chơi "cừ pộc", "cừ cáy" trong những ngày hội Xuân của bản.
Bà Hoàng Thị Viên nhớ lại, trước đây chơi "cừ pộc", "cừ cáy" từ ngày mùng 1, mùng 2 Tết. Sau khi từ nhà ngoại về, bà cùng bạn bè rủ nhau ra những khoảng đất trống hoặc ra ruộng chơi. "Cừ pộc" được chơi cả tháng vẫn không hỏng, "cừ cáy" thì được làm từ lông gà đan làm sao cho đủ nặng để đá vừa chân.
Đã thành thông lệ, từ ngày mùng 1 Tết, bà con thường tập trung ở khoảng đất rộng giữa bản, thậm chí ngay tại sân nhà nếu đủ rộng rồi tự tìm cặp hoặc chia đội để chơi "cừ pộc", "cừ cáy"... Những người không tham gia sẽ quây thành vòng tròn xung quanh để cổ vũ.
Hai bên chuyền tay nhau quả cừ, bên nào làm rơi là bên đó bị thua. Cách chơi cặp đôi khó hơn và cũng thú vị hơn, bởi người chuyền quả cừ cho đối phương phải luân phiên, không được lặp lại lần hai cho một người trong một lượt chuyền....
Tiếng hò reo cổ vũ của những người xung quanh càng làm cho cuộc chơi thêm hấp dẫn và thường sẽ có nhiều tốp nam, nữ từ bản khác đến nhập cuộc. Khi đó, trò chơi không chỉ còn bó hẹp ở phạm vi các thành viên cùng bản; cũng không hạn chế ở lứa tuổi, mà mọi người sẽ tìm đối tượng hợp với mình để tiếp tục cuộc chơi.
Anh Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, là người dành nhiều công sức để sưu tầm và tìm hiểu về trò chơi dân gian "cừ pộc", "cừ cáy" của người Tày Bình Liêu. Theo anh Hiệu, trò chơi này được bà con người Tày ở Bình Liêu chơi trong những ngày Tết Nguyên đán. "Cừ pộc" được làm khá công phu so với "cừ cáy", người nào đan giỏi mới làm được quả cừ đẹp, đan làm sao cho nó không quá lỏng mà cũng không quá cứng. "Cừ pộc" thường được thanh niên chơi với nhau nhiều hơn, sắp đến Tết họ thường nhờ những người thợ đan giỏi làm cho một quả cừ để đến Tết chơi cùng bạn bè.
Trò chơi "cừ pộc", "cừ cáy" trong ngày Xuân là một cách rèn luyện thân thể dẻo dai, phản xạ nhanh nhạy. Quan trọng hơn, đó là một hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh góp phần tạo sự gắn kết bền chặt giữa các thành viên trong cộng đồng.
"Cừ pộc", "cừ cáy" là trò chơi giản dị. Sau mỗi cuộc chơi, chiếc "cừ pộc", "cừ cáy" cũng sẽ là vật kỷ niệm chứa đầy tình cảm khi đôi trai gái có tình ý. Cừ trao làm kỷ niệm cũng là lời hẹn ước hẹn mùa xuân sau gặp lại. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng sau cuộc chơi này./.