Cư dân Dải Gaza chứng kiến sự kinh hoàng khi trở về
Hãng Reuters cho biết nhiều cư dân Dải Gaza quá mệt mỏi vì xung đột đã bắt đầu về lại nơi mình sinh sống vào ngày thứ 3 của thỏa thuận ngừng bắn. Nhưng quang cảnh trước mắt khiến họ bị sốc.
Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 19.1. Giờ đây trọng tâm chuyển sang tái thiết vùng lãnh thổ mà quân đội Israel san phẳng bằng không kích cùng chiến dịch quân sự trên bộ suốt hơn 1 năm qua. Một số người thậm chí không thể nhận ra nơi mình sống nên quyết định quay lại khu lều mà họ tị nạn thời gian qua. Nhiều người khác bắt tay vào dọn dẹp đống đổ nát.
“Chúng tôi đang dọn dẹp để có thể trở về nhà. Chỉ còn chăn, gối chứ chẳng còn gì trong nhà nữa”, một phụ nữ Palestine tên Walaa El-Err chỉ vào số đồ đạc bị phá hủy. Bà cho biết cảm giác khi về lại khu Nuseirat miền Trung Gaza là “không thể diễn tả được”.
El-Err thức trắng cả đêm 18.1 chờ thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. Nhưng sự lạc quan sớm phai nhạt: “Lúc về đến Nuseirat tôi đã rơi nước mắt, nơi chúng tôi sống vốn không phải như vậy. Đây từng là nơi tốt nhất. Khi chúng tôi rời đi nhà cửa vẫn nguyên vẹn và chẳng có người hàng xóm nào thiệt mạng cả”.
Tại thành phố Gaza phía bắc, bà Abla người mẹ của 3 đứa con chờ vài giờ sau thời điểm thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực mới về lại vùng ngoại ô Tel Al-Hawa. Bà thấy kinh hoàng với cảnh tượng trước mắt, tòa chung cư 7 tầng nơi bà sống bị san phẳng “như một cái bánh quy”.
“Tôi nghe nói khu vực này bị tấn công dữ dội và ngôi nhà có thể đã biến mất, nhưng tôi vừa nghi ngờ vừa hy vọng nhà của mình được cứu. Những gì tôi tìm thấy không chỉ là một ngôi nhà, mà là ký ức nơi tôi có con, tôi tổ chức tiệc sinh nhật cho chúng, nấu ăn cho chúng cũng như dạy chúng từ ngữ lẫn hành động đầu đời”, Abla chia sẻ.
Có người dựng lều ngay cạnh ngôi nhà bị phá hủy. Vài người khác không ngần ngại dọn vào ở bên trong nhà đổ dù chưa biết lúc nào công tác tái thiết mới bắt đầu.
Theo đánh giá thiệt hại của Liên Hợp Quốc vừa công bố tháng qua, việc dọn dẹp hơn 50 triệu tấn đống đổ nát tại Gaza ước tính mất đến 21 năm và tiêu tốn 1,2 tỉ USD. Tệ hơn nữa là trong đống đổ nát có lẫn amiang gây ung thư do chúng được dùng làm vật liệu xây dựng.
Giới chức y tế Gaza xác định giao tranh hơn 1 năm qua khiến ít nhất 47.000 người thiệt mạng. Vì vậy nhiều khả năng bên dưới đống đổ nát còn không ít thi thể.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết quá trình phát triển Dải Gaza bị chiến tranh làm chậm lại 7 thập niên. Theo phát ngôn viên Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc Jens Laerke: “Cư dân Gaza được trở về nhà. Nhưng tôi cho rằng có phần hơi cường điệu khi gọi đó là nhà, vì họ chỉ tìm thấy đống đổ nát đặc biệt là ở phía bắc. Họ cần được giúp đỡ”.
Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm dưới đống đổ nát, từ lúc thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực họ phát hiện ít nhất 150 thi thể. Hình ảnh thi thể phân hủy lan truyền khắp mạng xã hội.
Ở nghĩa trang Shejaia nơi bị xe tăng cùng xe ủi đất của Israel san phẳng vài tháng trước, một số người đàn ông đào bới tìm kiếm người thân, trong đó có Atef Jundiya. Ông nói với Reuters: “Tôi tìm mộ của cha tôi, anh trai cùng vợ anh ấy nhưng chẳng thấy gì cả”.