Cứ để phụ huynh chọn giáo viên cho con, tại sao cứ cấm cản?
Cho phụ huynh quyền chọn giáo viên cho con, cũng là cách để giáo dục đồng nghiệp, một phương thức dùng 'xã hội đánh giá', khách quan, công bằng.
Cứ mỗi đầu năm học, phụ huynh lớp 1 nói riêng và phụ huynh nói chung lại muốn chọn thầy cô, chọn lớp cho con cái mình.
Vậy tại sao phụ huynh lại chọn giáo viên?
Không thể dùng biện pháp hành chính hay bốc thăm, để ngăn chặn tình trạng này, cần nhìn vào thực tế khách quan, tìm ra giải pháp căn cơ, đó mới là điều quan trọng.
Anh Thanh, một Chủ tịch hội cha mẹ học sinh phát biểu trong buổi tọa đàm cuối năm ở trường tôi:
“Tui nói thật, các thầy cô dạy thế nào, có thể giấu được đồng nghiệp, giấu được cấp trên, không giấu được phụ huynh mô.
Con trẻ đi học về, bi bô với nhau, với cha mẹ, phụ huynh biết hết.
Thầy hiệu trưởng cứ cho giáo viên dự kiến dạy lớp 1, chiêu sinh, cho phụ huynh chọn giáo viên đăng ký, là biết giáo viên nào được học sinh, phụ huynh tin tưởng”.
Thầy hiệu trưởng M. làm theo đề xuất của “chủ tịch”, thông báo chiêu sinh lớp 1, nói rõ trong thông báo trên loa của xã, mỗi lớp 30 em, phụ huynh thích chọn giáo viên nào, đăng ký cho con học tại bàn giáo viên đó.
Ưu tiên theo thứ tự đăng ký. Trường xếp bảy bàn, bảng tên bảy giáo viên vào lúc 7 giờ; 7 giờ 30 phút bắt đầu nhận hồ sơ.
Không bất ngờ, phụ huynh đều chọn giáo viên yêu thương, tận tâm với con trẻ; có giáo viên chỉ 5 phút là tuyển đủ hồ sơ; cũng có giáo viên, chỉ “cùng bàn đạ” phụ huynh mới nộp hồ sơ vào.
Qua đợt tuyển sinh ấy, giáo viên “tự xấu hổ” với chính mình, đã có nhiều sửa đổi; những năm sau, cảnh “chen lấn giành nhau” chọn giáo viên cho con giảm hẳn.
Điều đó đã phản ánh, chất lượng đội ngũ giáo viên khối 1 của trường đã tương đồng, có nhiều giáo viên tốt, đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh.
Như vậy, cho phụ huynh quyền chọn giáo viên cho con, cũng là cách để giáo dục đồng nghiệp, một phương thức dùng “xã hội đánh giá”, khách quan, công bằng.
Khách quan mà nói, mong con được học giáo viên tốt nhất là mong muốn chính đáng.
Nếu không có biện pháp khách quan để phụ huynh thực hiện, tất yếu có nạn chạy chọt, xin, cho, tiêu cực.
Vậy bắt thăm giáo viên chủ nhiệm, liệu có công bằng cho học sinh?
Với khối lớp 2,3,4,5; không thể áp dụng hình thức chọn giáo viên như lớp 1; cuối năm thầy M. phát phiếu thăm dò chọn giáo viên cho phụ huynh.
Sau khi nhận phiếu, đích thân thầy tổng hợp số phụ huynh chọn mỗi giáo viên.
Số liệu này chỉ có thầy nắm; thầy trao đổi “bí mật” với các giáo viên có “lượng đăng ký thấp”, tìm ra giải pháp sửa đổi cho họ; tuyệt đối không làm những giáo viên này “bẽ mặt” trước đồng nghiệp.
Chỉ thời gian ngắn, chất lượng đội ngũ của trường đã nâng lên rõ rệt, nhiều giáo viên đã thay đổi, trưởng thành; tỷ lệ phụ huynh đăng ký không còn chênh lệch lớn như năm đầu.
Vậy, cứ để phụ huynh chọn thầy cho con. Đó cũng là biện pháp xóa bỏ tiêu cực, xin, cho, chạy chọt; không có lý do gì để cấm cản nguyện vọng chính đáng của họ.
Nếu coi số lượng phụ huynh chọn giáo viên là “chỉ số hài lòng”, rõ ràng để phụ huynh chọn giáo viên là đúng, công bằng cho học sinh, giáo dục đội ngũ hiệu quả; vấn đề là hiệu trưởng có chịu làm, hay cố tình để mình có quyền … cho!
Nếu bắt thăm giáo viên chủ nhiệm, không công bằng với học sinh, ban giám hiệu chọn việc dễ cho mình, đẩy hậu quả cho học trò!
Ai đang đọc bài này, đều đã là học trò; đều muốn có “người mẹ thứ hai” ở trường học; là giáo viên, đừng làm những việc học trò ghét, mình ngày xưa ghét; chia sẻ yêu thương, san sẻ hạnh phúc cho những đứa trẻ, cách tốt nhất đi đến trái tim của chúng; đến được trái tim, đường vào tri thức không còn khó khăn, gian lao như lúc đầu.