Cú 'đổ đèo' của báo in

Từng có thời kỳ, những tờ nhật báo hàng đầu Việt Nam phát hành được hơn nửa triệu bản/số. Còn ở hiện tại, phát hành được vài chục nghìn bản/số đã là 'thành công'.

Thời hoàng kim của báo in

Trong tiến trình phát triển của báo chí Việt Nam, báo in đã từng có thời kỳ đỉnh cao khi chiếm vị thế độc tôn trong việc đưa thông tin đến với độc giả. Giai đoạn 2000 - 2010, trên những con phố trung tâm Thủ đô như Hàng Trống, Đinh Lễ, Phan Đình Phùng, Phan Huy Chú... người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng trăm người làm nghề phát hành báo ngồi la liệt, cặm cụi phân loại từng tờ báo in.

Theo số liệu thống kê của Hội Phát hành Báo chí Việt Nam năm 2009, riêng địa bàn Hà Nội có đến hơn 60 đại lý và khoảng 700 sạp báo lớn nhỏ. Vào thời hoàng kim, mỗi ngày một sạp báo có thể bán được hàng trăm cho tới hàng nghìn tờ cho mỗi đầu báo. Một tờ báo nổi tiếng khi đó là Công an TP. HCM có lúc phát hành tới 600.000 bản trong một kỳ nếu xảy ra một sự việc chấn động. Hay như tờ An ninh Thủ đô lúc đó đã phát hành được 180.000 bản chỉ trong một kỳ.

Ngoài ra, các tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… cũng là những tờ có nhiều tin tức sốt dẻo hằng ngày thường bán chạy nhất. Báo Thể thao và Văn hóa cũng thành hiện tượng của làng báo khi bạn đọc luôn đón chờ ngày phát hành. Ngày đó, số trang quảng cáo phải dày gấp đôi số trang nội dung.

Huy hoàng là thế, song nay số lượng báo bán ra tại các sạp giảm đến 70-80%, lượng người tìm mua báo in ít hẳn, chủ yếu là những người lớn tuổi và mỗi ngày mỗi sạp chỉ bán được mấy chục tờ. Điều dễ dàng nhận thấy là văn hóa đọc báo đã thay đổi, tại các quán cà phê, quán nước, thay vì đọc báo giấy thì hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin từ báo điện tử, mạng xã hội…

Đại tá Nguyễn Hòa Văn - nguyên Tổng biên tập Báo Biên phòng, nguyên Giám đốc Cổng thông tin Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ khi chưa có báo điện tử, báo in là phương tiện đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Báo in là dòng thông tin huyết mạch phục vụ cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập và các nhu cầu khác của nhân dân. Thế nhưng khi có báo chí điện tử, sản lượng báo chí in ngày càng giảm.

Gánh nặng của các tòa soạn

Những năm trở lại đây, việc phát hành báo in “tụt dốc không phanh” khi nhiều tờ báo gần như biến mất trên thị trường. Cùng với đó, hầu hết các sạp báo giải thể do không bán được. Từ lâu, phố phường Hà Nội cũng không còn xuất hiện hình ảnh “người bán báo rong”. Theo số liệu thống kê của Hội Phát hành Báo chí Việt Nam, đến năm 2017, cả Thủ đô chỉ còn khoảng 60 sạp báo, tập trung chủ yếu ở các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân. Con số này tiếp tục giảm nhanh sau hai năm đại dịch Covid-19.

Ngay cả những tờ báo tên tuổi trước đây xuất bản hàng ngày thì nay lùi xuống xuất bản hàng tuần, báo tuần lùi xuống báo tháng. Hầu hết các báo địa phương và báo ngành chỉ phát hành đủ số lượng phân phát theo kế hoạch ngân sách. Hơn nữa, khi đại dịch Covid-19 giáng thêm một đòn nặng vào báo in, nhiều tờ báo và tạp chí phải tạm dừng bản in và cho đến nay vẫn còn loay hoay về bài toán xuất bản lại và giảm kỳ.

Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng cho biết tổng doanh thu khối báo năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020; tổng doanh thu khối tạp chí năm 2021 giảm 44,6% so với năm 2020, chủ yếu là do doanh thu phát hành báo in và quảng cáo đều đang có xu hướng giảm.

Những năm hậu đại dịch, Viện trưởng IPS đánh giá xu hướng có ổn định hơn nhưng mức phục hồi, tăng trưởng chậm. Cụ thể, 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ 10-30%; 16,9% cơ quan báo chí vẫn ghi nhận doanh thu giảm; 71,1% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo in giữ ổn định hoặc giảm.

Có thể thấy những tên tuổi trên thị trường một thời như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật TP. HCM, Lao Động, Tiền Phong… cũng đang bị đẩy vào thế cầm cự. Thậm chí có “đặc quyền” riêng như các tạp chí hàng không cũng phải xoay xở làm mới để níu chân các độc giả.

Chia sẻ trong phiên thảo luận tại Hội báo toàn quốc 2024, ông Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho biết thời gian gần đây, thói quen người đọc thay đổi, làm cho cơ cấu nguồn thu của báo thay đổi, nguồn thu từ quảng cáo báo in sụt giảm mạnh. Trước đây, 75% là nguồn thu từ bán báo và quảng cáo trên báo in. Bây giờ, tình thế đảo lại khi 75% nguồn thu đến từ các nền tảng số. Tuy nhiên, nguồn thu từ điện tử vẫn chưa thể bù đắp được mức giảm của báo in. Tương tự, ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, cho hay hầu hết các cơ quan báo chí đều phải đối mặt thực tế là khó khăn chồng lên khó khăn từ việc sụt giảm nguồn thu báo in.

Tổng biên tập Báo Nhân dân, ông Lê Quốc Minh, cũng nhấn mạnh kinh tế báo chí đang là vấn đề đau đầu của báo chí Việt Nam nói chung. Doanh thu từ phát hành báo in giảm “khủng khiếp”, doanh thu từ quảng cáo cũng vậy. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chính trị chủ lực, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải thực hiện nhiệm vụ báo chí, vừa phải chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Liệu còn lối đi?

Trong cuốn sách “Báo chí - Truyền thông”, TS Lê Thị Nhã, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nêu rằng chỉ một thời gian ngắn sau khi có sự xuất hiện của báo mạng điện tử, người ta đã quen với khá nhiều từ ngữ mạnh và sốc dành cho báo in như: sụt giảm, đình bản, sa lầy, khai tử... Một số tác giả khi bình luận về sự suy thoái của báo in đã dùng những câu từ ví von hoa mỹ, xót xa: “bên bờ vực thẳm”, “cái chết của báo in”, “thời vàng son đã xa”, “gã hành khất về thời vang bóng”…

Với lịch sử phát triển lâu đời của mình, liệu báo in có thể tiếp tục “sống sót”, đó là câu hỏi mà TS Lê Thu Hà, Phó viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết đã có nhiều tranh luận. Theo TS Hà, vẫn có nhiều chuyên gia báo chí - truyền thông tin tưởng vào giá trị cốt lõi và bền vững của báo in. Họ cho rằng môi trường truyền thông xã hội càng ồn ào, phức tạp, càng nhiều tin giả và suy giảm uy tín thì càng có lợi cho báo in, giúp loại hình báo chí này khẳng định được giá trị về sự chính xác, độ tin cậy. Báo in được xem là “thuốc giải độc trước màn hình”.

Tại Việt Nam, TS Lê Thu Hà nhìn nhận tương lai của báo in gắn với sự dịch chuyển và thay đổi cách thức hoạt động, phương thức thể hiện của báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số. Bối cảnh này đặt ra bài toán cho các cơ quan báo in phải có chiến lược phù hợp, đổi mới tư duy về phát triển nội dung thông tin, về mô hình tòa soạn cũng như mô hình kinh doanh, phát hành, hướng tiếp cận công chúng và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động báo chí...

Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, cho rằng sự xuống dốc của báo in và các cơ quan báo chí đã gần xuống đáy và theo quy luật thì sẽ có sự trở lại. Không có giải pháp nào chung cho tất cả các cơ quan báo chí nói chung. Mỗi cơ quan báo chí với thế mạnh của mình sẽ tìm ra những hướng đi phù hợp.

Trong khi đó, nguyên Giám đốc Cổng thông tin Hội Nhà báo Việt Nam nêu góc nhìn: “Mặc dù báo in của nhiều cơ quan báo chí vẫn in ra theo chế độ ấn hành, cũng như theo một số nhu cầu của thị trường ‘ngách’, nhưng nhìn tổng thể thì vai trò của báo in trong đời sống không còn quan trọng nữa. Tất nhiên, có một số tạp chí in, thông tin sâu chuyên đề, chuyên ngành, sản xuất theo đơn đặt hàng, hoặc theo nhu cầu thị hiếu của một số đối tượng cụ thể thì vẫn còn đất sống”.

Lệ Chi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/cu-do-deo-cua-bao-in-d112190.html