Cụ già U70 tuổi bị hạt lạc kẹt trong phế quản 3 tuần
Hy hữu, một cụ bà gần 70 tuổi ở thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) liên tục sốt cao, khó thở, kèm theo cơn đau ngực dữ dội trong thời gian dài do hạt lạc mắc kẹt trong phế quản.
Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Quảng Ninh vừa thực hiện phẫu thuật nội soi ca bệnh hy hữu gần 70 tuổi ở Quảng Ninh bị hạt lạc mắc kẹt trong phế quản.
Khoảng 3 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân liên tục xuất hiện các triệu chứng đau tức ngực phải, ho khạc đờm mủ tăng dần … và đi điều trị nhiều nơi nhưng không giảm.
Tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, sau khi được thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc viêm phổi, có tràn dịch màng phổi phải. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, chọc hút dịch màng phổi, giảm đau và các biện pháp điều trị triệu chứng.
Do bệnh nhân đáp ứng chậm với phác đồ điều trị viêm phổi có tràn dịch màng phổi phải nên ngày 21/5/2024, các bác sĩ quyết định nội soi phế quản bằng ống soi mềm để thám sát (nội soi để thám thính xét), chẩn đoán và lấy bệnh phẩm xét nghiệm tìm nguyên nhân bệnh.
Kết quả nội soi phế quản cho thấy, có dị vật dạng thức ăn mềm, bề mặt nhẵn tại nhánh phế quản thế hệ thứ 4-5, phế quản phân thùy 8 phải. Dị vật này gây bít tắc hoàn toàn khẩu kính, niêm mạc tăng sinh mạc máu kèm nhiều giả mạc mủ.
Xác định được nguyên nhân gây bệnh kíp thủ thuật tiến hành lấy dị vật cho bệnh nhân. Do đặc điểm trơn nhẵn, dễ mủn của dị vật, nằm sâu trong lòng phế quản nhỏ, cộng thêm thời gian tồn tại lâu khiến tổ chức phế quản phát triển bám chặt, việc gắp dị vật gặp nhiều khó khăn.
Sau 2 giờ nỗ lực cùng sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, kíp thủ thuật do Bác sĩ Nguyễn Chí Viễn và điều dưỡng Đoàn Văn Vinh, Nguyễn Khắc Sang đã thực hiện đã thành công gắp dị vật là hạt lạc (còn nguyên vẹn 1 bên) ra khỏi người bệnh.
Sau 3 giờ theo dõi sau thủ thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, phổi thông khí tốt và sức khỏe đang dần hồi phục.
Theo bác sĩ Nguyễn Chí Viễn - người trực tiếp thực hiện ca nội soi này, trường hợp bệnh nhân lớn tuổi bị hạt lạc mắc kẹt trong phế quản là ca bệnh khá hy hữu bởi hạt lạc có kích thước nhỏ, không cản quang nên rất khó phát hiện trên phim chụp hoặc CT.
Trong trường hợp không phát hiện và không kịp thời lấy dị vật ra khỏi phế quản người bệnh sẽ khiến những tổn thương quanh vùng dị vật sẽ phát triển nghiêm trọng hơn, phần phổi dưới dị vật có thể bị xẹp, mất chức năng hoặc hoại tử, gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.