'Cú hích' để doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững
Trả lời phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) khẳng định, trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì việc gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế và tiền thuê đất năm 2025 sẽ là 'cú hích' để các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh có thể phát triển một cách ổn định, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh
PV: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2025 để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế. Ước tính tổng số thuế được gia hạn theo các chính sách tại dự thảo Nghị định là gần 102.000 tỷ đồng. Ông có bình luận gì về động thái này của Bộ Tài chính cũng như Chính phủ?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Tôi hoàn toàn ủng hộ động thái này của Chính phủ và Bộ Tài chính. Theo Tổng cục Thống kê, cuối năm 2024 và trong tháng 1/2025, có hơn 53.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, lớn hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Qua thực tế khảo cứu các báo cũng như nhiều chuyên gia kinh tế thì sự khởi sắc của khu vực dịch vụ nói chung và hoạt động của các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh cũng chưa thực sự đồng đều. Rất nhiều nơi, các trung tâm đô thị, các hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh trả lại mặt bằng và cũng không dễ dàng trong việc duy trì hoạt động thường xuyên. Tất cả những điều đó cho thấy, sức khỏe của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ kinh doanh chưa được cao, chưa đủ sức bật.
Giúp doanh nghiệp tái tạo đầu tư vào sản xuất kinh doanh
Việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước sẽ giúp cho doanh nghiệp giữ lại khoản tiền đó để đầu tư, tái đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Qua đó, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8%.
Các các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cần có sự trợ giúp nào đó để vượt qua và bứt phá lên. Nghị định được ban hành sẽ góp phần tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, cá nhân tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì đó cũng là "cú hích" để các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh có thể phát triển một cách ổn định và bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, Quốc hội vừa thay đổi mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 lên mức khá cao 8% trở lên so với mục tiêu 6,5-7% trước đó. Muốn đạt được mục tiêu này thì điều quan trọng là phải phát huy những động lực tăng trưởng đến từ doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Trong bối cảnh thế giới còn rất nhiều những khó khăn và với những diễn biến khó lường của các cuộc chiến tranh thương mại đang cận kề thì những động lực truyền thống như là xuất khẩu hay kể cả đầu tư công trong bối cảnh hiện nay cũng khó phát huy được hết hoặc là ngay lập tức mà chúng ta phải dựa vào nội lực, dựa vào số doanh nghiệp và hộ kinh doanh hiện có của Việt Nam. Việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước sẽ giúp cho doanh nghiệp giữ lại khoản tiền đó để đầu tư, tái đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Qua đó, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8%.
PV: Từ thực tế những lần triển khai chính sách trước đó, theo ông cần lưu ý điều gì trong lần triển khai sắp tới này?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Tôi nghĩ rằng, đầu tiên là phải công bố chính sách kịp thời để các khoản thuế hoặc là các loại phí mà dự kiến phải nộp, tùy theo từng loại sắc thuế, doanh nghiệp sẽ có phương án triển khai ngay khoản tiền tạm được hoãn đó vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó mới thực sự là tác động, tạo ra lợi nhuận, còn nếu nó chỉ là tiền giam trong tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong ngân hàng thì nó cũng không phát huy được tác dụng thực và mong muốn của chính sách giãn, hoãn thuế này.
Thứ nữa là trong mọi trường hợp đều cần phải minh bạch hóa các quy trình, thủ tục và làm đơn giản tất cả mọi quá trình, làm sao giảm các chi phí và thủ tục phiền hà nhất cho doanh nghiệp càng nhiều càng tốt. Qua đó, giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức, nhân lực để thực hiện các thủ tục, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tinh gọn, tinh giản các hoạt động, bộ máy nhà nước cũng như thể chế và chính sách. Đó cũng là đóng góp tích cực cho việc giảm chi phí đầu vào, chi phí hoạt động, giúp cho doanh nghiệp tinh gọn hơn, hoạt động có hiệu quả và tạo ra doanh thu lợi nhuận tốt hơn.
PV: Ông có khuyến nghị gì thêm cho việc hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2025 để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 8% mà Quốc hội mới ban hành?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Tôi mong rằng, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nên có tính chất trọng tâm, trọng điểm hơn và đảm bảo các mục tiêu tác động lan tỏa và kết nối các khu vực kinh tế hoặc các động lực tăng trưởng tốt hơn. Từ đó, dần dần chuyển từ hỗ trợ doanh nghiệp có tính chất là cào bằng hoặc dàn trải sang những hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh thực hiện chiến lược, ví dụ như theo Nghị quyết 57 là hướng tới tăng cường đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.
Tiếp đó là các chính sách thuế hay chính sách hỗ trợ cần kết nối giữa cung với cầu tốt hơn nữa để kích hoạt cầu tiêu dùng. Thế nên, cần thực hiện các chính sách kích cầu theo mô hình mới gắn kết với sản xuất, đặc biệt là sản xuất nội địa sẽ đạt được rất nhiều mục tiêu, vừa là chuyển dịch hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước theo hướng bền vững hơn, xanh hơn, sạch hơn, sản xuất có trách nhiệm hơn. Đồng thời, chúng ta dựa vào việc làm mới và tạo động lực tăng trưởng dựa trên cầu nội địa thay vì chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu hoặc đầu tư công. Vì vậy, nên có một nghiên cứu đánh giá tác động và từ đó đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta cũng sẽ không thể nào duy trì những chính sách miễn giảm, hoãn, giãn thuế và phí, lệ phí một cách dàn trải như giai đoạn trước nữa.
PV: Xin cảm ơn ông!