''Cú hích'' để phát triển du lịch ẩm thực ở Đà Lạt

Trong số 12 món ẩm thực Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đề cử cho danh sách 100 món ngon Việt Nam do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) khởi xướng, vòng sơ loại đã chọn ra 3 món là Canh atiso hầm giò heo, Lẩu rau hoa Đà Lạt và Rau củ Đà Lạt sốt hoa bụt dấm. Việc 'định vị' món ngon của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam được các địa phương xem là 'cú hích' làm đà cho việc phát triển du lịch ẩm thực - loại hình đang nổi lên thành động lực mạnh mẽ đối với du khách toàn cầu. Đây cũng là cơ hội của Đà Lạt.

Đà Lạt có nhiều tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực, nhất là món ăn từ rau, củ

Đà Lạt có nhiều tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực, nhất là món ăn từ rau, củ

ẨM THỰC LÀ “MÓC CÂU” DU LỊCH

Năm 2016, kênh tin tức du lịch nổi tiếng Skift gọi ẩm thực là móc câu khi du lịch. Theo Skift, ẩm thực sẽ trở thành một trong những động cơ lớn nhất cho khách hàng khám phá những điểm đến mới và là điểm cốt lõi để khám phá tinh hoa của mỗi điểm đến.

Trước đó, một nghiên cứu được tiến hành năm 2015 bởi cơ quan quản lý du lịch Úc cũng chỉ ra món ăn địa phương được xếp hạng cao hơn cả các điểm tham quan thiên nhiên đẳng cấp thế giới trong việc quyết định một kỳ nghỉ tại Úc của du khách.

Cũng từ năm 2015, ẩm thực đã là một yếu tố không thể thiếu để tạo trải nghiệm ấn tượng trong du lịch với sologan “Thèm ăn ẩm thực Hà Lan” nằm trong chiến lược du lịch ẩm thực của quốc gia này.

Tại Pháp, năm 2011 để tạo “cú hích” mạnh mẽ cho du lịch ẩm thực, Chính phủ Pháp đã tổ chức cuộc thi dành cho chính quyền địa phương khuyến khích họ đề xuất ý tưởng cho dự án liên quan đến điểm đến và giới thiệu ẩm thực vùng. 5 thành phố lớn tham dự cuộc thi và chiến thắng thuộc về thành phố Dijon, tiếp theo là Paris, Rungis, Tours và Lyon, tạo thành mạng lưới quốc gia các thành phố ẩm thực ở Pháp.

Trong 10 năm qua, thực tế đã khẳng định sản phẩm du lịch ẩm thực góp phần đáng kể làm cho điểm đến trở lên hấp dẫn hơn vì ẩm thực cũng có vai trò then chốt như cảnh quan, văn hóa và lịch sử, góp phần tạo ra trải nghiệm toàn diện.

Hiện có hơn 3.000 tour du lịch liên quan đến ẩm thực có thể đặt trên trang Viator và TripAdvisor trên toàn cầu, bao gồm các khoa học về nấu ăn tapas ở Barcelona, tour đi bộ pizza trên khắp nước Ý và tour du lịch thưởng thức bia và gà ở Seoul, Hà Quốc.

Món Canh atisô hầm giò heo

Món Canh atisô hầm giò heo

ĐÀ LẠT CÓ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ẨM THỰC

Nổi tiếng là xứ sở ngàn hoa, khí hậu trong lành với đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông cùng tồn tại trong một ngày, Đà Lạt còn sở hữu nhiều cảnh quan đẹp. Những hồ nước mênh mông bảng lảng sương sớm; những đồi thông thơ mộng thả dáng theo những con dốc uốn lượn như những bài thơ tình bất tận; những thung lũng ngắt xanh níu chân du khách… Đà Lạt cũng có những món ngon thu hút sự trải nghiệm của du khách. Nét đặc trưng của ẩm thực Đà Lạt đã chứa đựng trong đó sự mát lành của thiên nhiên cũng như nét văn hóa truyền thống được kết tinh và thể hiện ở từng món ăn.

Canh atisô hầm giò heo được xem là đỉnh cao của ẩm thực Đà Lạt, trong “Top 100 món ăn ngon của Việt Nam” được Tổ chức kỷ lục VietKings và VietTop công bố.

Món Rau củ Đà Lạt sốt hoa bụt dấm, nguyên liệu để làm sốt là hoa atiso đỏ, tạo ra màu sắc tươi, đẹp mắt. Sự thanh mát của món ẩm thực này sẽ giúp thực khách cảm nhận được sự tinh túy của rau củ vùng cao nguyên xanh Đà Lạt.

Món Lẩu rau hoa Đà Lạt gắn liền với Buffet Lẩu Rau của Nhà hàng Léguda. Với hai loại nước lẩu đặc trưng là nước lẩu Léguda, nước lẩu sa tế thơm ngon, Buffet Lẩu Rau Leguda đã góp phần đưa rau củ Đà Lạt lên một tầm thưởng thức ẩm thực mới: ngon, sạch, tươi và bổ dưỡng.

Ngoài 3 món ăn được VCCA chọn, xem xét vào top 100 món ăn ngon Việt Nam dự kiến công bố vào cuối tháng 12/2022, Đà Lạt còn có nhiều món ăn “gây thương nhớ” đối với thực khách như: Chả giò atiso; Súp atiso sụn cá tầm; Bơ trái cuộn thịt gà nướng; Chuối sùng, heo tộc nướng; Da trâu hầm cà đắng; Cá tầm xông khói trà; Mẹt heo tộc 4 món; Xà lách bơ trái, hoa Đà Lạt, Sốt dâu tây, Cá hồi cuộn rau củ Đà Lạt… Những món ăn này cũng có thể sẽ nằm trong danh sách 100, 1.000 món ngon mà VCCA tuyển chọn ở những đợt kế tiếp phục vụ cho việc vẽ bản đồ ẩm thực Việt Nam dự kiến hoàn thiện trong năm 2024. Để có tên trên bản đồ ẩm thực với tư cách là món ăn của Đà Lạt, mỗi món ăn phải thể hiện rõ nguồn gốc, xuất xứ, cách chế biến, nét khác biệt có tính sáng tạo (đối với các món trùng với các món của địa phương khác) và điều quan trọng là cần xây dựng một câu chuyện cho mỗi món ăn. Điều này rất quan trọng để phát triển du lịch ẩm thực. Bởi du khách khi thưởng thức ẩm thực ở một điểm đến, họ sẽ muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống ở điểm đến ấy, nét tinh hoa được bảo tồn, sự sáng tạo của đầu bếp địa phương.

Đà Lạt thật sự đang có sẵn tiềm năng để tạo thêm sản phẩm du lịch mới ấn tượng – du lịch ẩm thực. Đây là công cụ để quảng bá các nguồn tài nguyên của địa phương. Sự đa dạng về văn hóa, đa dạng sinh học sẽ tạo ra những điểm đến hấp dẫn hơn, mới mẻ hơn. Du lịch ẩm thực sẽ khai thác sự đa dạng của các hình thức tiêu dùng. Và điều này cần được tiếp cận dưới những khía cạnh và phương thức khác nhau trong đó có các phong cách quen thuộc phổ biến nhất như trải nghiệm bữa ăn gia đình thường nhật.

Chìa khóa dẫn đến thành công trong việc quản lý du lịch ẩm thực ở phạm vi điểm đến và phát triển thành công sản phẩm du lịch ẩm thực là khả năng lãnh đạo, tính sáng tạo làm việc nhóm, tầm nhìn dài hạn, tinh thần dũng cảm và đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng.

Theo ông Joxe Mari Aizega - Giám đốc Trung tâm ẩm thực Basque (Tây Ban Nha), ẩm thực làm tăng thêm giá trị cho trải nghiệm du lịch bởi vì ẩm thực làm nổi bật bản sắc và văn hóa địa phương với những sản phẩm hữu hình. Các sản phẩm du lịch phải lồng ghép ẩm thực như một thành tố và hiểu được nhân lực làm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Điều quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu thị trường do đó cần đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường. Một người làm du lịch ẩm thực tốt phải là một tuyên truyền viên giỏi với khả năng nhạy bén có khả năng gắn kết gian bếp với du khách và sáng tạo sản phẩm mang đến những trải nghiệm độc đáo

Ông Javier Gonzalez Vizcaino - Giám đốc Trường Ẩm thực Baja ( Mexico) thì cho rằng, để phát triển du lịch ẩm thực cần gìn giữ nét chân thực, bí quyết, sản phẩm ẩm thực và truyền lại cho thế hệ kế nghiệp. Ví dụ, đánh dấu nguồn gốc sản phẩm là một hình thức bảo tồn, phát huy truyền thống của thế hệ trước.

Tính cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi những người làm du lịch ở Đà Lạt phải xác định hướng đi, lập kế hoạch rõ ràng, phát triển toàn diện hệ thống, chiến lược truyền thông và cam kết cụ thể với quá trình đổi mới sáng tạo; chú trọng đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng.

Xu hướng toàn cầu hóa tạo thuận lợi cho các nền văn hóa khơi dậy sự tò mò về ẩm thực của các quốc gia xa xôi. Kỷ nguyên số giúp con người đến gần hơn với các nền ẩm thực xa lạ khi dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận thông tin. Điều này làm nảy sinh nhu cầu đi du lịch để thưởng thức ẩm thực. Vì thế, Đà Lạt cần thống kê và lựa chọn các đặc sản để quảng bá, giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ truyền thống; tổ chức các lớp dạy nấu ăn… Với những bước đi thận trọng và bài bản, kỳ vọng trong tương lai gần, Đà Lạt không chỉ thu hút khách du lịch bởi địa danh “xứ sở ngàn hoa” mà còn là “thiên đường ẩm thực”.

CHU THU HẰNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/202211/cu-hich-de-phat-trien-du-lich-am-thuc-o-da-lat-3145763/