Cù Lao Rùa (xã Thạnh Hội, Tx.Tân Uyên): Tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Các điểm sạt lở ở cù lao Rùa. Ảnh: VIỆN THỦY CÔNG

Đất và cây ăn trái của gia đình ông Hồ Văn Nghĩa (ấp Tân Hội, xã Thạnh Hội) đã và đang bị “hà bá” sông Đồng Nai cuốn trôi

Sạt lở nghiêm trọng!

Cù lao Rùa được bao bọc bởi hai nhánh sông chính và sông phụ của sông Đồng Nai. Nơi đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích có niên đại 3.500 - 3.000 năm, mang nhiều dấu ấn của công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam của dân tộc. Khu khảo cổ này đã được công nhận là Khu di tích khảo cổ cấp Quốc gia vào năm 2009.

Trong những năm gần đây, tình hình sạt lở dọc theo bờ sông ở cù lao Rùa đã và đang gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Trong giai đoạn 2003-2010, một con đường trước đây là tuyến giao thông chính của cù lao Rùa đã bị “hà bá” sông Đồng Nai cuốn trôi. Riêng trong năm 2014, tại khu vực nhánh sông con (giáp xã Thạnh Phước) đã xảy ra một vụ sạt lở lớn dài khoảng 75m, sâu vào bờ khoảng 20m, khiến nhiều cây ăn trái của gia đình ông Mai Văn Cường và ông Hồ Văn Nghĩa (ấp Tân Hội) trôi xuống sông.

Chỉ tay về nơi trước đây là hàng cây ăn trái trĩu quả nhưng giờ chỉ còn khoảng nước mênh mông, ông Hồ Văn Nghĩa nhớ lại: “Trước đây từ nhà tôi đến bờ sông dài khoảng 50m nhưng đến nay chỉ còn 20m, ước tính chúng tôi bị sông cuốn trôi hơn 200m2 đất cùng nhiều cây ăn trái. Vào những lúc mưa to, chúng tôi luôn thấp thỏm vì sợ căn nhà trôi xuống sông”. Ông Nghĩa cho biết thêm, từ ngày chính quyền địa phương tăng cường tuần tra xử lý “cát tặc”, tình trạng sạt lở đã giảm nhưng vẫn còn diễn ra “lai rai”, nhất là trong những ngày nước lớn kết hợp với mưa to.

Theo người dân địa phương, hiện nay cù lao có khoảng 7 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 2,5km. Trong đó đoạn hẹp nhất của cù lao Rùa gọi là “cổ rùa” bị xói lở từ hai phía, chiều rộng chỉ còn khoảng 80m. Nếu tiếp tục bị lở, “cổ rùa” chắc chắn sẽ bị “cắt lìa”, lúc đó hai nhánh sông nhập lại và quá trình xói lở sẽ gia tăng hơn nữa. Ngoài ra, hiện có khoảng 15 hộ dân đang phải sống thấp thỏm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân do đâu?

Theo UBND xã Thạnh Hội, do dòng chảy thay đổi cùng với lưu lượng nước từ các khu công nghiệp đi qua kênh Tổng Bản (phường Thạnh Phước) đổ ra khu vực xã Thạch Hội dẫn đến khu vực đối diện với kênh Tổng Bản (đầu rùa) sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Trong khoảng 10 năm qua tốc độ sạt lở khu vực này là 1 - 2m/năm; có những khu vực sạt nghiêm trọng cục bộ tới 3m/năm.

Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu của Đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở đất ở cù lao Rùa (Thạnh Hội) trong thời gian qua, nguyên nhân, dự báo và đề xuất giải pháp khắc phục” do Viện Thủy công - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thực hiện, cho rằng: Yếu tố dòng chảy với với vận tốc cao của bùn cát đáy, đặc biệt trong suốt 3 tháng mùa lũ là nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng xói lở chung tại khu vực cù lao Rùa. Đối với vị trí “cổ” cù lao Rùa bên nhánh sông phụ, tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng hơn do dòng thủy lưu chính áp sát bờ, tạo thành các cuộn nước xoắn hướng thẳng vào bờ dẫn đến nguy cơ phá vỡ kết cấu đất bờ và lòng sông. Vào mùa mưa lũ, dòng chảy từ kênh Tổng Bản đổ ra có xu hướng đẩy dòng thủy lưu nhánh sông phụ áp sát vào phía bờ cù lao Rùa góp phần làm gia tăng sạt lở đất tại khu vực này.

Cùng với đó, hoạt động khai thác cát trái phép đã làm cho đáy sông hạ sâu bất thường, thay đổi lạch dòng chảy là nguyên nhân chính ban đầu làm sạt lở đất tại một số khu vực ở cù lao Rùa. Cũng theo người dân địa phương, trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở diễn ra trầm trọng nhất cũng là khoảng thời gian hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ nhất. Ngoài ra, sóng do tàu thuyền di chuyển trên sông là một trong những nguyên nhân thứ phát góp phần đẩy nhanh tốc độ sạt lở đất tại những vị trí đã và đang bị sạt lở do vách mái rất dốc, lớp phủ thực vật không còn.

Cần sớm khắc phục

Ông Trương Văn Thanh Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, cho biết vừa qua Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên đã giao cho UBND xã Thạnh Hội làm chủ đầu tư thực hiện việc khắc phục sạt lở đất tại cù lao Rùa - bù hố xói tại đoạn 5 (cổ cù lao Rùa, dài 350m) từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh. Kinh phí dự toán thực hiện là 976 triệu đồng, thời gian thực hiện trong năm 2019.

Qua công tác khảo sát của đơn vị tư vấn thiết kế, với kinh phí trên thì chỉ có thể thực hiện lấp hố xói được khoảng 180m tại những vị trí sạt lở nghiêm trọng. Hiện UBND xã Thạnh Hội đang trình Phòng Quản lý đô thị TX.Tân Uyên xem xét vốn chuẩn bị đầu tư.

Về việc di dời các hộ dân trong diện sạt lở, ông Giang cho biết: “Đến thời điểm hiện nay trên địa bàn xã có 29 hộ nằm trong diện sạt lở. Trước mùa mưa bão diễn ra, UBND xã đã tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời đến nơi an toàn. UBND xã cũng đã có khu tái định cư bố trí đất cho các hộ dân bị sạt lở đất và hỗ trợ kinh phí di dời cho mỗi hộ dân 8 triệu đồng. Tuy nhiên, các hộ dân không đồng ý di dời vì không có tiền xây nhà mới”.

Trong khi đó, nhiều người dân có nhà nằm trong diện sạt lở cho rằng việc chính quyền địa phương thực hiện lấp hố xói tại cổ rùa sẽ không thể giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở ở đây mà chỉ có thể hạn chế một phần. Nguyên nhân là hố xói tại đây sâu khoảng 14m và tương đối dài, cùng với dòng chảy phức tạp, nhất là trong mùa mưa. Nếu đổ đất đá xuống hố xói thì vẫn có thể bị nước cuốn trôi hoặc có thể làm thay đổi dòng chảy dẫn đến xuất hiện điểm sạt lở mới. Một số người dân cho rằng cùng với việc lấp hố xói thì việc xây dựng kè chống sạt lở càng sớm càng tốt.

Được biết vào ngày 12-6-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng kè chống sạt lở cù lao Rùa (vị trí cổ Rùa).

Nhóm tác giả thực hiện Đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở đất ở cù lao Rùa (Thạnh Hội) trong thời gian qua, nguyên nhân, dự báo và đề xuất giải pháp khắc phục” đề nghị tỉnh Bình Dương xem xét và thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp phi công trình mà đề tài đã đề xuất, kết hợp với việc sớm cho triển khai đầu tư xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ sông cù lao Rùa theo các phương án được đề xuất trong đề tài theo từng giai đoạn thích hợp.

Theo đó, cần di dời dân cư ven sông tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao (khu vực cổ cù lao Rùa bên nhánh phụ); cắm mốc chỉ giới, hành lang cảnh báo sạt lở để khuyến cáo chính quyền và người dân địa phương khu vực sạt lở khi chưa hoàn chỉnh các công trình chỉnh trị. Tiếp tục kiên trì và quyết liệt trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên các nhánh sông trong khu vực. Đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở cấp bách tại các khu vực đông dân cư có nguy cơ sạt lở cao tại đoạn 1 (dài 600m) và đoạn 5 (dài 400m) với kinh phí thực hiện ước tính khoảng 55 tỷ đồng. Về lâu dài, địa phương cần đầu tư xây dựng đồng bộ hoàn chỉnh các công trình chống sạt lở cho các đoạn còn lại. Đồng thời, cần có những nghiên cứu cơ bản về hiện tượng lan truyền xói sâu, đo đạc đánh giá lượng dòng chảy rắn (phù sa lơ lửng và bùn cát đáy) và điều tra đánh giá lại trữ lượng cát còn lại trên toàn hệ thống hạ lưu sông Đồng Nai từ sau Thủy điện Trị An đến cầu Đồng Nai. Từ đó có thể xây dựng được một quy hoạch tổng thể về nạo vét luồng lạch và khai thác cát ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai nhằm khai thác một cách hiệu quả khoáng sản và luồng lạch giao thông thủy trên toàn hệ thống.

NGUYỄN HẬU

Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/cu-lao-rua-xa-thanh-hoi-tx-tan-uyen-tinh-trang-sat-lo-ngay-cang-nghiem-trong-a204216.html