Cú nhảy vọt trong kinh tế số

Kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh mẽ thời gian qua với xuất khẩu sản phẩm số tăng trưởng mạnh, tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, với sản phẩm số của các doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu đi khắp thế giới.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm số đã tăng từ 113,5 tỷ USD năm 2021 lên 117,3 tỷ USD năm 2023, và đạt 64,9 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin cũng tăng đáng kể, đạt 13 tỷ USD vào năm ngoái và 6 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm nay. Xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin năm ngoái đạt 7,5 tỷ USD và gần 3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ sáu, thì năm 2021 đã vươn lên đứng thứ ba, và hai năm tiếp theo, 2022 và 2023, Việt Nam đứng đầu khu vực.

Báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28% và năm 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn tại Việt Nam, cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển và trí tuệ nhân tạo. Số hóa các ngành kinh tế và công tác chuyển đổi số trong quản lý, đầu tư xây dựng, sản xuất cũng được triển khai mạnh mẽ.

Doanh thu từ thương mại điện tử đã tăng từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên 20,5 tỷ USD năm 2023. Hàng trăm sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã được bán thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, tạo sinh kế và thu nhập cao cho người nông dân.

Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước, với tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%.

Hiện có 9,13 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, trong đó 72% tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Hệ thống thuế điện tử được xây dựng đồng bộ từ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đến hoàn thuế điện tử và triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc, xử lý 8,8 tỷ hóa đơn.

Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, trong cao điểm Covid-19, hệ thống điện tử đã chi trả 31.836 tỷ đồng cho hơn 13,3 triệu lượt người lao động.

Chuyển đổi số phục vụ người dân và an sinh xã hội cũng phát triển mạnh mẽ, như đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển trực tuyến, liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, khai tử.

Tất cả 63 địa phương đã thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho 1,96 triệu người với số tiền trên 8.280 tỷ đồng.

Cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai, kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Các cơ sở dữ liệu nền tảng như dân cư, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, giáo dục và đào tạo đã đi vào vận hành ổn định, mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số tại hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số hôm nay.

Nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Việc xây dựng, sửa đổi và bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số còn chậm, chưa đầy đủ và chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số hôm nay. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số hôm nay. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng khái quát năm bài học kinh nghiệm quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số thành công. Trước hết, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp. Điều này đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số quốc gia.

Tiếp theo, cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công rõ ràng, tăng cường phối hợp, bám sát thực tế, phản ứng linh hoạt, kịp thời và hiệu quả. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và mạnh dạn thí điểm các mô hình mới cũng là yếu tố quan trọng, phát huy mạnh mẽ đầu tư đối tác công tư.

Bên cạnh đó, cần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng và tiêu cực.

Cuối cùng, cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lắng nghe phản ánh, nói thật, làm thật để mang lại lợi ích thiết thực.

Để đạt được những mục tiêu này, các bộ trưởng, trưởng ngành và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu trong thúc đẩy chuyển đổi số.

Phải phân công công việc "rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả" và tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất, quyết định nhất, mang tính chiến lược, lâu dài, cơ bản là các bộ trưởng, trưởng ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu thúc đẩy chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thủ tướng lưu ý 5 trọng tâm gồm: phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số toàn diện nhưng phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; quản lý, điều hành số hóa, thông minh;

Đồng thời khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thủ tục phiền hà, sách nhiễu, xóa xin cho và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần mạnh dạn "tăng tốc" và "bứt phá" trong chuyển đổi số với khí thế tiến công mạnh mẽ.

Ông giao Bộ Thông tin và truyền thông sớm trình ban hành "Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030".

Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ ban hành "Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng".

Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, quản lý và phát triển các nền tảng thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới.

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cu-nhay-vot-trong-kinh-te-so-1721379432497.htm