Cụ ông xuyên 2 thập kỉ bán đậu phộng làm từ thiện
Hơn 20 năm qua, cụ Lưu Bình với chiếc xe đạp cũ của mình đã đi khắp các nẻo đường, bán hàng nghìn túi đậu phộng luộc để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh…
Bán đậu phộng làm từ thiện
Cứ chập choạng tối, cụ Lưu Bình (90 tuổi, ở phường Quyết Thắng, TP Kon Tum) lại dắt chiếc xe đạp chở đầy thúng đậu phộng luộc ra khỏi nhà. Vẫn con đường cũ, cụ rong ruổi dắt xe rồi tạt vào những quán nhậu, quán cà phê ven đường. Chống xe gọn gàng trên vỉa hè, cụ Bình với bước chậm rãi xách vài túi đậu phộng bước vào quán. Cụ đến từng bàn mời mọi người mua hàng, có người lắc đầu xua tay, có người thì mua giúp cụ 1-2 túi.
Nhiều người quen thấy cụ đều gọi vào mua ủng hộ, số khách lạ cũng thấy cụ già, sức khỏe yếu nên cũng giúp đỡ. Cứ thế, hơn 20 năm qua, hầu như nẻo đường nào ở TP Kon Tum cũng in dấu chân cụ. Cụ Bình bán đậu phộng không phải để mưu sinh mà để giúp đời, giúp người.
Dựng xe bên gốc cây ven đường nghỉ chân, cụ Bình kể, vào những năm 1970, cụ đưa cả gia đình lên Kon Tum lập nghiệp. Đến vùng đất mới, để lo cho gia đình, ai thuê gì cụ đều nhận làm. Chật vật mãi, vợ chồng cụ cũng nuôi được 7 người con khôn lớn, trưởng thành. Đến năm 2000 do sức khỏe yếu nên cụ chuyển qua bán đậu phộng luộc. Theo thói quen, cứ 7 giờ sáng, cụ lại dắt chiếc xe đạp cùng thúng đậu phộng luộc ra khỏi nhà. Quanh quẩn ở các góc phố, con đường, quán xá bán hết đậu, đến trưa cụ lại về nhà nghỉ ngơi. Buổi chiều, cụ cùng các con của mình chuẩn bị đậu để tối bán. Sau khi ăn cơm tối xong, đúng 18 giờ, cụ lại tiếp tục cuộc hành trình bán đậu phụng của mình. Trong quá trình đi bán hàng, cụ Bình gặp những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh đều ra tay giúp đỡ. Theo thời gian, số tiền lời bán đậu phộng, cụ Bình đều bỏ riêng để dùng làm việc thiện.
"Trong lúc đi bán hàng tôi gặp nhiều người bất hạnh, đáng thương. Lúc đó lương tâm tôi cứ thôi thúc mình phải giúp họ. Sau mỗi lần làm việc thiện, nhìn thấy những nụ cười rạng ngời của họ tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. "Cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp mà", cụ Bình vui vẻ nói.
Năm 2013, cụ Bình bỏ tiền đóng một chiếc tủ kính đựng bánh mì trước cổng Bệnh viện Đa khoa Kon Tum. Đều đặn mỗi buổi sáng, 100 chiếc bánh mì cụ đặt được giao đến bỏ vào tủ "Bánh mì từ thiện" để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Tủ bánh mì duy trì được 6 năm, thấy nhiều tấm lòng hảo tâm cũng thực hiện mô hình đó nên cụ Bình lại nghĩ ra hình thức khác để giúp đỡ người nghèo.
Chị Nguyễn Trần Mai (ở TP Kon Tum) chia sẻ, mặc dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng ngày ngày cụ Bình vẫn đi bán đậu phộng dạo để làm từ thiện. Việc làm của cụ vô cùng ý nghĩa với những người nghèo khổ. "Mỗi khi gặp cụ ở đâu tôi đều mua đậu phộng ủng hộ. Tuy không nhiều, nhưng cũng giúp cụ bớt được một chút vất vả. Tôi mong cụ có nhiều sức khỏe để làm việc thiện, giúp được nhiều người hơn", chị Mai tâm sự.
Một nhà ba thế hệ làm việc thiện
Việc làm của cụ Bình được cả nhà ủng hộ, giúp đỡ. Ngày ngày con trai cụ là ông Lưu Văn Đức (60 tuổi) lại phụ bố nhổ và luộc đậu phụng. "Nhà có 2 sào đất nên tôi cố gắng trồng đậu phộng rồi chăm sóc để bố có cái bán mỗi ngày. Thường ngày bố vẫn dạy chúng tôi phải làm việc thiện. Giúp được một người là làm thêm một việc tốt, ấy là tích thêm phúc phần. Sẽ chẳng lỗ đâu mà sợ, trao đi tấm lòng thì nhận lại nụ cười", ông Đức bộc bạch.
Được nghỉ học nên cháu nội của cụ là Lưu Thị Phước (20 tuổi, hiện là thành viên Ban chủ nhiệm CLB Tình nguyện khoa y, Trường ĐH Y dược TPHCM) cũng về nhà phụ ông. Chị Phước cho hay: "Từ nhỏ em đã chứng kiến ông và bố thường xuyên làm việc thiện giúp những hoàn cảnh khó khăn. Do đó khi bước vào cánh cửa đại học, em đã kết nối với các bạn có đam mê làm từ thiện thành lập CLB để san sẻ khó khăn với những người nghèo, người có hoàn cảnh bất hạnh. Khi giúp được hoàn cảnh nào em cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vô cùng. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này có điều kiện phụ giúp gia đình và làm việc thiện như ông và bố".
Hơn 20 năm bán đậu phộng dạo, cụ Bình không nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, cơ cực. Cụ chỉ biết, cứ thấy ai nghèo khổ, bất hạnh cụ đều tìm đến. Tuy những món quà cụ trao tặng không lớn, nhưng đối với những người đang cần sự giúp đỡ thì quả thực là cả một đặc ân. Với cụ, mỗi người giúp một ít thì những hoàn cảnh ấy sẽ vơi bớt khó khăn.
"Tôi tuổi đã cao, không còn dẻo dai nữa nên nhiều hôm đi bán cũng mệt. May mắn được nhiều người tin tưởng, giúp đỡ, mua đậu phộng ủng hộ. Nhờ đó mà tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc của mình. Tôi giúp đỡ mọi người xuất phát từ cái tâm chứ không mong ai báo đáp. Giờ đây khi thấy con, cháu làm việc thiện giúp đời thì đó là món quà to lớn và ý nghĩa tôi có được. Tôi sẽ bán đậu phộng để giúp người đến khi nào không còn sức nữa", cụ Bình hạnh phúc nói.
Bà Phạm Thị Tố Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng cho biết, cụ Lưu Bình hiện đang sống với người con trai. Tuy kinh tế gia đình không dư giả nhưng cụ Bình vẫn bán đậu phộng luộc để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Biết được nghĩa cử cao đẹp của cụ Bình, nhiều người đều mua đậu phộng ủng hộ. Những dịp lễ, Tết… cụ Bình cũng ủng hộ nhiều suất quà để trao tặng cho các hộ nghèo tại địa phương.