Củ sâm đất thành đặc sản được tìm mua
Loại củ này khi ăn sống sẽ thấy thơm ngon, giòn mát, mọng nước nên ai cũng thích mê.
Cứ vào tháng 10 hằng năm, nếu du khách có dịp lên các xã vùng cao của huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) như A Lù, Y Tý, nhất định sẽ được thưởng thức một loại sản vật đặc biệt ở nơi đây. Chính là những củ sâm đất, hay còn có những cái tên khác như khoai sâm, sâm hoàng sin cô.
Bát Xát là nơi sông Hồng bắt đầu chảy vào Việt Nam với địa hình núi cao, phong cảnh thiên nhiên vô cùng hoang sơ, độc đáo vào diện bậc nhất vùng Tây Bắc. Thiên nhiên ưu đãi nên nơi đây sở hữu nhiều sản vật quý hiếm ít nơi nào có được. Những ngày cuối thu, vùng cao Bát Xát đã bắt đầu tiết trời nhiều sương mù và rét như mùa đông, có những hôm chỉ 10 – 12 độ. Sau mùa gặt, nông dân vùng cao Y Tý, A Lù, Trịnh Tường lại bước vào mùa thu hoạch củ sâm đất để bán cho thương lái và du khách.
Củ sâm đất, còn được gọi là củ khoai sâm, củ hoàng sin cô, hay địa tàng thiên. Về nguồn gốc loại cây sâm này, có người nói rằng đồng bào Mông ở Y Tý mang bên Trung Quốc về trồng, lại có người nói bà con đi rừng già gặp củ này thấy ăn ngọt, mát nên mang về trồng lấy củ ăn.
Củ sâm đất có vỏ màu đen, nhiều vết nứt nẻ xấu xí, nhưng khi gọt lớp vỏ mỏng lộ ra màu vàng hồng như hổ phách, ruột trong như thạch. Nhiều người bất ngờ vì thứ củ lạ lùng này lại chứa nhiều nước có vị ngọt mát như thạch, ăn đến đâu thấy mát lịm đến đó vô cùng sảng khoái.
Du khách lên Y Tý, Sa Pa được các chủ homestay quảng cáo về thứ củ lạ, ăn thấy ngon nên thi nhau mua về làm quà, rồi tin về thứ củ ăn ngọt mát, bổ dưỡng như sâm, giá rẻ như khoai lang cứ lan truyền dần. Từ loại củ ít người biết đến, chỉ sau vài năm, trên khắp vùng đất Y Tý, A Lù, Ngải Thầu (cũ), Trịnh Tường đã bạt ngàn những nương trồng cây hoàng sin cô xanh mướt, tổng diện tích lên tới hơn 200 ha.
Dù có tên gọi là sâm đất nhưng loại củ này lại không có họ hàng gì với những loại sâm như sâm ngọc linh, sâm đương quy… Cây sâm đất nhìn hơi tương tự cây hoa dã quỳ. Gốc mọc ra nhiều thân, cao hơn đầu người. Mỗi gốc sâm đất lại mọc ra nhiều củ giống như cây sắn.
Mỗi khi vào mùa thu hoạch sâm đất khoảng tháng 9 – tháng 11 hằng năm, chỉ cần cầm thân cây rung nhẹ kéo lên là thấy cả chùm củ. Có những gốc sâm đất nhiều củ tới mức nặng đến 5kg. Sâm đất Y Tý có vị ngọt, giòn thơm, thanh mát như sâm.
Theo các tài liệu nghiên cứu, trong củ sâm đất có hàm lượng Saponin giống như trong củ sâm Hàn Quốc, rất bổ dưỡng, có lẽ vì thế mà khi đang mệt hoặc đói, ăn vài miếng củ này thấy tỉnh táo hẳn người, bao mệt mỏi tiêu tan.
Thêm nữa, độc đáo hơn là sâm đất càng phơi nắng, để cho héo đi thì ăn lại càng ngọt sắc và thơm ngon hơn. Sâm đất có thể gọt ăn sống tráng miệng, hầm xương, xào thịt hoặc ngâm rượu đều rất tốt và ngon miệng. Khi nấu canh, sâm đất rất ngọt nước, củ hơi dẻo. Hoặc khách mua về có thể thái mỏng trộn nộm, ăn các món cuốn cũng rất thơm ngon.
Những củ sâm đất từ núi rừng Y Tý trở thành hàng hóa, được quảng cáo rộng rãi trên mạng xã hội, thương lái mang đi bán khắp nơi, trở thành món ăn quen thuộc trong mỗi gia đình. Không ít hộ ở vùng cao Bát Xát thu hàng chục triệu đồng từ loại củ “bổ như sâm, rẻ như khoai”.
Khi mua khoai sâm đất về, chỉ cần để nơi khô, thoáng là có thể bảo quản đến nửa năm. Do đó, cứ mùa sâm đất, rất nhiều bà nội trợ mua hàng yến về ăn dần. Thậm chí có nhiều người mua cả vài chục kg cất đi. Bởi củ sâm đất, ai đã ăn là nghiện luôn. Vào mùa, sâm đất có giá khá rẻ, chỉ từ 20.000 – 35.000 đồng/kg tùy kích thước.