Cú sốc thị trường vẫn chưa kết thúc khi các nhà đầu tư lớn đang chuẩn bị cho những đợt bán mạnh
Các nhà đầu tư lớn đang chuẩn bị cho đợt bán tháo có khả năng tiếp tục diễn ra sau sự hỗn loạn do lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ và việc đảo chiều chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản.
Mặc dù cổ phiếu toàn cầu đã tăng gần 2% tính tới thời điểm hiện tại trong tuần này sau những phiên bán mạnh trước đó, nhưng các nhà quản lý tài sản giám sát hàng trăm tỷ đô la đầu tư cho biết họ có nhiều khả năng tiếp tục bán cổ phiếu hơn là mua lại, vì các dấu hiệu suy yếu trên thị trường việc làm của Mỹ và các dư chấn của thị trường.
"Bây giờ không chỉ đơn thuần là một cú sốc lớn trên thị trường tài chính, mà có lẽ chúng ta có thể mô tả vào tuần trước như vậy. Nó còn rộng hơn thế nữa", Mahmood Pradhan, cựu Phó giám đốc IMF và là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của nhà quản lý quỹ lớn nhất châu Âu Amundi cho biết.
Michael Kelly, người đứng đầu bộ phận tài sản đa dạng tại PineBridge Investments giám sát khoảng 170 tỷ USD nằm trong số những người đã cắt giảm vị thế thị trường chứng khoán của quỹ và cho biết có thể bán thêm nữa. "Nó sẽ rất, rất bất ổn trong hai tháng tới", ông nhận định.
Ông Michael Kelly cho rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Mỹ - dự kiến diễn ra vào tháng 9 - có thể là quá muộn để cứu vãn nền kinh tế.
Ai sẽ bán tiếp theo?
Báo cáo việc làm yếu kém của Mỹ và đợt tăng lãi suất gây sốc của BOJ đã thúc đẩy đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu khi các quỹ đầu cơ theo xu hướng và biến động hướng đến lối thoát và các nhà đầu tư lo lắng đổ xô vào trái phiếu chính phủ.
Đợt tăng lãi suất của BOJ đã phá hủy hàng tỷ đô la giao dịch chênh lệch lợi suất, mà các nhà đầu cơ đã đi vay bằng đồng yên để mua các tài sản có lợi nhuận cao hơn như cổ phiếu công nghệ của Mỹ.
Theo ước tính của JP Morgan, khoảng 70% giao dịch chênh lệch lợi suất đó hiện đã được thu hồi. Tuy nhiên, dòng tiền liên quan đến các vị thế liên quan đến yên rất khó đo lường và Amundi cho biết khả năng động thái này tiếp tục diễn ra đang khiến mọi người khá e ngại rủi ro.
Gerry Fowler, Giám đốc chiến lược cổ phiếu châu Âu của UBS cho biết, việc đóng các vị thế đầu cơ đó có khả năng đã kết thúc nhưng các nhà quản lý đầu tư chính thống chậm chạp hơn thường mất 4 - 6 tuần để điều chỉnh danh mục đầu tư của họ.
Marie de Leyssac, Giám đốc danh mục đầu tư đa tài sản của Edmond de Rothschild Investment Partners cho biết, các nhà quản lý quỹ đó có thể là những người tiếp theo bán, nhưng sẽ làm như vậy dựa trên dữ liệu kinh tế.
Chiến lược gia Scott Rubner của Goldman Sachs cho biết, các quỹ hưu trí cũng sẽ tiếp tục bán cổ phiếu và chuyển sang kênh thu nhập cố định, đồng thời cho rằng nửa cuối tháng 9 là giai đoạn tồi tệ nhất trong năm đối với Phố Wall kể từ năm 1950.
Paul Eitelman, chiến lược gia đầu tư hàng đầu của Russell Investments cho biết, một báo cáo việc làm yếu kém khác của Mỹ có khả năng gây ra biến động mới.
Bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên Jackson Hole vào tuần tới và báo cáo lợi nhuận được công bố ngày 28/8 của Nvidia là những sự kiện rủi ro thị trường khác.
"Biến động khiến việc tăng mức độ tiếp xúc trở nên khó khăn ngay cả khi bạn nghĩ rằng về cơ bản là hợp lý", Arun Sai, chiến lược gia cấp cao về đa tài sản của Pictet Asset Management cho biết.
Chỉ số VIX đo lường biến động dự kiến trên S&P 500 của Phố Wall và chỉ số tương đương của châu Âu đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm vào tuần trước trước khi giảm bớt nhưng một chỉ số liên quan vẫn tiếp tục gửi đi tín hiệu cảnh báo.
VVIX – chỉ số thị trường quyền chọn khác tăng khi các nhà giao dịch kỳ vọng VIX sẽ biến động – đang giao dịch trên mức 100, cho thấy xu hướng biến động mạnh khó lường của thị trường vẫn chưa kết thúc.
"Cho đến khi chúng ta thấy VVIX xuống dưới 100, chúng ta nên để mắt đến nó. Đây là chỉ số quan trọng tại thời điểm này", Stuart Kaiser, Giám đốc chiến lược giao dịch cổ phiếu của Citi cho biết.