Cụ thể hóa nghị quyết vào chương trình hành động, phát triển TP Cần Thơ
Từ mục tiêu, quan điểm nêu trên đã được Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp. Mỗi Đảng bộ, chính quyền từng địa phương trong vùng đều ban hành Kế hoạch/Chương trình hành động thực hiện các nội dung Trung ương, Chính phủ đã giao...
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh và bền vững phù hợp với vai trò, vị trí chiến lược của vùng; trở thành vùng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước”.
Đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Từ mục tiêu, quan điểm nêu trên đã được Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp. Mỗi Đảng bộ, chính quyền từng địa phương trong vùng đều ban hành Kế hoạch/Chương trình hành động thực hiện các nội dung Trung ương, Chính phủ đã giao. Vùng ĐBSCL chiếm 12,8% diện tích, dân số chiếm 18%, sản lượng lúa chiếm trên 50%, GDP chiếm khoảng 12% cả nước. Tuy nhiên, GRDP bình quân đầu người còn thấp hơn mức bình quân chung cả nước.
Thực hiện chương trình của Thành ủy Cần Thơ trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ, UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch thực hiện với mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL. Thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao. Cần Thơ đã đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tăng trưởng GRDP đạt mức 7 - 7,5%/năm giai đoạn 2025 – 2030, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9 - 11,5%/năm, tổng thu ngân sách hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao…
Để thực hiện được mục tiêu, TP Cần Thơ ưu tiên hàng đầu là phối hợp với các cơ quan Trung ương đầu tư xây dựng hoàn thành 14 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng, qua địa bàn TP Cần Thơ, như: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; phát triển các hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam; xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên; triển khai Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để đầu tư xây dựng nâng cấp và mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ phù hợp theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050…
TP Cần Thơ xây dựng cơ sở dữ liệu về Quy hoạch phát triển đô thị để cập nhật vào hệ thống dữ liệu quốc gia, ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý và công nghệ số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết thành phố đang tập trung triển khai 14 công trình trọng điểm: gồm 9 dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố, 2 dự án trọng điểm của Trung ương là cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; 3 dự án đầu tư ngoài ngân sách Cụm nhiệt điện Ô Môn với tổng mức gần 5 tỷ USD, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) với tổng mức đầu tư hạ tầng gần 3.800 tỷ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 45 của Quốc hội với tổng mức đầu tư hạ tầng khoảng 10.000 tỷ đồng.
“Các công trình đều có tính chất quan trọng, có vai trò động lực cho phát triển TP Cần Thơ… Người dân được đưa vào các khu tái định cư khang trang, hiện đại, đồng bộ và sẽ sớm trở thành những khu thương mại dịch vụ trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại. Do vậy, cả hệ thống chính trị của thành phố đều vào cuộc, xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng”, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề xuất với Bộ Xây dựng quan tâm phối hợp, hỗ trợ hướng dẫn thực hiện rốt ráo thủ tục thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL để thành phố tổ chức triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo nhằm sớm mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực kết hợp xây dựng thêm Cảng Cargo Logistcs phục vụ hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, phù hợp Quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia, đây là điều kiện tiên quyết để thành phố làm cơ sở quy hoạch thành phố sân bay với quy mô diện tích khoảng 10.000 hecta.
Cho phép xây dựng Dự án “Kết nối đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao”, xây dựng tuyến đường kết nối TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) với quận Ô Môn (TP Cần Thơ) và huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), trong đó có cầu Ô Môn là hạng mục quan trọng nhằm đồng bộ toàn tuyến. Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng mang tính kết nối liên vùng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch vùng ĐBSCL.