Cử tri đề nghị sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương nhằm cải thiện thu nhập để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động yên tâm công tác.
Ngày 10-10, tại phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư của QH.
Học phí, giá dịch vụ tăng cao, tiền lương lại không tăng
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho hay cử tri và nhân dân ghi nhận tình hình kinh tế có nhiều điểm sáng tích cực khi GDP chín tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của chín tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Châu, cử tri cũng bày tỏ lo lắng khi kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và chưa thực sự bền vững. Đặc biệt vẫn có những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, giá các dịch vụ tăng cao, trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng. “Giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn còn ở mức cao” - ông Châu dẫn lại ý kiến cử tri.
Ông Châu cũng cho hay nhân dân còn lo lắng về thông tin tăng học phí của các cấp học, các khoản phụ phí, các khoản đóng góp xã hội hóa đầu năm của hội phụ huynh trong các nhà trường, nhất là những người lao động, người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn...
Từ thực tế trên, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá.
Trước ý kiến cử tri, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để yên tâm công tác.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá nhu cầu về chế độ, chính sách tiền lương là “rất chính đáng”. Ông cho rằng có thể sớm điều chỉnh lương cơ sở để tháo gỡ khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và người làm công ăn lương; khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27.
Tăng gần 400 vụ tham nhũng và chức vụ so với năm 2021
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Lê Tiến Châu cho biết cử tri đánh giá cao việc kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả trung ương và địa phương.
Báo cáo dẫn chứng việc xử lý nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế; nguyên thứ trưởng Bộ KH&CN; nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao; nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội; nguyên bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; việc thi hành kỷ luật và cho thôi ủy viên Trung ương Đảng với ba cán bộ đương chức…
Cử tri cũng ghi nhận việc các cơ quan tiếp tục chỉ đạo rất quyết liệt trong điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo ngại khi kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ QH cho thấy tội phạm về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% (với 396 vụ) so với cùng kỳ năm trước.
Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Sớm hoàn thành việc điều tra để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong các dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản nhà nước và thông tin công khai kết quả xét xử…
Xử phạt phụ huynh không đưa con đi tiêm vaccine
ngừa COVID-19 là không đúng
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu việc một số địa phương xử phạt phụ huynh không đưa con đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. “Xử phạt như vậy không đúng quy định của Chính phủ. Bởi dịch COVID-19 chưa được đưa vào danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc sử dụng vaccine, nhất là với trẻ em 5-12 tuổi” - ông Tùng nói và cho rằng thay vì xử phạt thì cần tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm.
Ông Tùng nêu rõ Nghị định 117/2020 về xử phạt hành chính quy định hành vi cố ý cản trở, không sử dụng vaccine nhưng chỉ áp dụng với nhân viên y tế chứ không áp dụng cho người được tiêm vaccine hay phụ huynh. “Đề nghị Chính phủ rà soát, chỉ đạo, tránh thực thi pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, gây bức xúc cho người dân” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cu-tri-de-nghi-som-thuc-hien-lo-trinh-cai-cach-tien-luong-post702582.html