Cử tri đồng bào dân tộc thiểu số nô nức đi bầu cử

Những ngày tháng 5, dù bận rộn công việc trên nương, song đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng sâu, vùng xa như Tương Dương (Nghệ An), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mù Căng Chải (Yên Bái), Lâm Bình (Tuyên Quang)… đều tạm gác lại việc nhà, dành thời gian tập trung nghe thông tin về cuộc bầu cử sắp tới. Ngày 23/5, từ sáng sớm, bà con đã có mặt tại các điểm bầu cử để bỏ những lá phiếu gửi gắm nhiều kỳ vọng.

Bà con dân tộc Mông tại xã Tam Hợp (xã biên giới giáp Lào) thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch trước khi bầu cử. Ảnh: VGP/HT

Bà con dân tộc Mông tại xã Tam Hợp (xã biên giới giáp Lào) thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch trước khi bầu cử. Ảnh: VGP/HT

Huyện biên giới Tương Dương, tỉnh Nghệ An có phía Bắc và phía Nam giáp với nước bạn Lào. Tương Dương có 146 khu vực bỏ phiếu với trên 43 nghìn cử tri. Theo báo cáo của lãnh đạo Ủy ban Bầu cử huyện, khó khăn lớn nhất của huyện là số lượng cử tri biến động thất thường do số lao động đi làm ăn xa nhiều.

Cử tri Lương Văn Hóa, 87 tuổi, người dân tộc Thái tại xã Tam Hợp có mặt tại điểm bầu cử từ sáng sớm để tự tay bỏ lá phiếu của mình. Ảnh: VGP/HT

Cử tri Lương Văn Hóa, 87 tuổi, người dân tộc Thái tại xã Tam Hợp có mặt tại điểm bầu cử từ sáng sớm để tự tay bỏ lá phiếu của mình. Ảnh: VGP/HT

Trước ngày bầu cử, huyện đã xây dựng kịch bản hướng dẫn một số nội dung công tác tổ chức ngày bầu cử gắn với công tác phòng chống dịch COVID-19. Huyện cũng thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; làm tốt công tác an ninh biên giới, chống xuất nhập cảnh trái phép; xây dựng phương án bầu cử theo tổ liên gia, hộ gia đình để phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, mặc dù là huyện vùng cao có địa hình hiểm trở, bị chia cắt rất lớn, nhiều vùng gần như biệt lập, sự gắn kết giữa các vùng dân cư hạn chế nhưng công tác bầu cử đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ sớm. Các giải pháp đồng bộ đã được áp dụng để vừa tạo thuận lợi cho cử tri vừa phòng chống dịch COVID-19.

Bà con dân tộc Dao, bản Nà Khà, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình đi bỏ phiếu. Ảnh: VGP/Trung Kiên

Bà con dân tộc Dao, bản Nà Khà, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình đi bỏ phiếu. Ảnh: VGP/Trung Kiên

Những lá phiếu gửi gắm kỳ vọng của đồng bào huyện vùng cao xa xôi. Ảnh: VGP/Trung Kiên

Những lá phiếu gửi gắm kỳ vọng của đồng bào huyện vùng cao xa xôi. Ảnh: VGP/Trung Kiên

Công tác giãn cách và phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm ngặt. Ảnh: VGP/Trung Kiên

Công tác giãn cách và phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm ngặt. Ảnh: VGP/Trung Kiên

Để mọi công dân đều được thực hiện quyền, nghĩa vụ bầu cử trong điều kiện dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, ngoài hòm phiếu chính Ủy ban bầu cử huyện Lâm Bình cũng đã phát 70 hòm phiếu phụ cho các tổ bầu cử. Cùng với đó, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các địa điểm bỏ phiếu. Cụ thể, đã thành lập các Tổ y tế để hỗ trợ các điểm bầu cử hướng dẫn cử tri thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như xử trí kịp thời các tình huống dịch bệnh phát sinh trong thời gian tổ chức bầu cử. Phân công cán bộ, nhân viên y tế trong Đội phản ứng nhanh của huyện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Bà con người Mông xã Mồ Dề nghiêm túc thực hiện giãn cách khi bầu cử. Ảnh: VGP/KM

Bà con người Mông xã Mồ Dề nghiêm túc thực hiện giãn cách khi bầu cử. Ảnh: VGP/KM

Tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có 68 đơn vị bầu cử, 92 tổ bầu cử với hơn 38.200 cử tri, đa phần là đồng bào dân tộc Mông. Để ngày hội bầu cử diễn ra thành công, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo từ sớm. Xã Mồ Dề, huyện vùng cao Mù Cang Chải có trên 3.000 cử tri sống rải rác ở các bản. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc tuyên truyền về công tác bầu cử qua hệ thống loa truyền thanh và loa kéo di động rất hiệu quả và an toàn.

Những lá phiếu gửi gắm nguyện vọng của người dân huyện Mù Cang Chải. Ảnh: VGP/KM

Những lá phiếu gửi gắm nguyện vọng của người dân huyện Mù Cang Chải. Ảnh: VGP/KM

Qua công tác tuyên truyền, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, cũng như quyền và nghĩa vụ của bản thân, nên cử tri vùng cao Mồ Dề ai cũng háo hức, mong đến ngày được đi bỏ phiếu, chọn ra những người đủ đức, đủ tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình.

Quân và dân tổ dân phố 5, thị trấn Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) chuẩn bị bầu cử. Ảnh: VGP/Tô Kiều

Quân và dân tổ dân phố 5, thị trấn Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) chuẩn bị bầu cử. Ảnh: VGP/Tô Kiều

Bảo Lạc là một huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng. Trên địa bàn huyện Bảo Lạc có các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… cùng chung sống. Với đặc thù là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng, toàn huyện Bảo Lạc có 98% dân số là dân tộc thiểu số sinh sống.

Đồng bào dân tộc Lô Lô tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đi bỏ phiếu. Ảnh: VGP/Tô Kiều

Đồng bào dân tộc Lô Lô tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đi bỏ phiếu. Ảnh: VGP/Tô Kiều

Người Sán Chỉ và người Dao Đỏ ở huyện Bảo Lạc, Cao Bằng đọc thông tin về các ứng viên trước khi bỏ phiếu. Ảnh: VGP/ Tô Kiều

Người Sán Chỉ và người Dao Đỏ ở huyện Bảo Lạc, Cao Bằng đọc thông tin về các ứng viên trước khi bỏ phiếu. Ảnh: VGP/ Tô Kiều

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến về cuộc bầu cử đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cử tri đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng, Ủy ban bầu cử huyện Bảo Lạc đã chỉ đạo cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về cuộc bầu cử; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban bầu cử phối hợp xuống tận thôn, xóm tuyên truyền về Luật Bầu cử, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Huyện có 9 ban bầu cử HĐND huyện, 99 khu vực bỏ phiếu.

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/cu-tri-dong-bao-dan-toc-thieu-so-no-nuc-di-bau-cu/432170.vgp