Cử tri Hà Nội gửi 53 nhóm ý kiến đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV
Tại Báo cáo số 23/BC-ĐĐBQH ngày 17-5-2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổng hợp 53 nhóm ý kiến của cử tri trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương.
Báo cáo cho biết, cử tri Thủ đô đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều này đã thể hiện sự dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhằm thu nhận được nhiều ý kiến trí tuệ, tâm huyết để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; đồng thời góp phần quản lý, khai thác tiềm năng đất đai một cách hiệu quả, bảo đảm công bằng xã hội, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững.
Cử tri đồng tình ủng hộ và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, thanh tra, kiểm tra, điều tra, kết luận, xử lý kỷ luật, truy tố, xét xử và mở rộng điều tra các vụ án tham nhũng thời gian vừa qua. Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, hoàn thiện chế tài xử lý đối với các hành vi tham nhũng, lãng phí, bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật; giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực kéo dài.
Bên cạnh đó, cử tri thành phố băn khoăn trước tình hình lạm phát, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị giải thể vì không được đặt hàng, sản xuất cầm chừng, thị trường lao động phục hồi chậm, một bộ phận người lao động gặp khó khăn, thiếu việc làm; vẫn còn tình trạng mất an toàn cho người dân như: Cháy nổ, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, xâm hại trẻ em, đuối nước...
Cử tri Hà Nội tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc cấp đất dịch vụ; có giải pháp, lộ trình cụ thể trong việc làm giảm thiểu ô nhiễm sông Đáy, sông Nhuệ; có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi buôn bán, vận chuyển chất gây nghiện, hành vi lừa đảo, tín dụng “đen” qua công nghệ số; có các giải pháp tổng thể kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng; tăng mức phụ cấp đối với cán bộ ở cơ sở, hỗ trợ hoạt động của các hội đoàn thể ở cơ sở...