Cử tri kiến nghị sớm có thông tin để các đối tượng hưởng lương hiểu rõ ràng, chính xác

Cử tri ghi nhận và đánh giá rất cao sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để tránh lừa đảo, nhiều đường dây lừa đảo trực tuyến với quy mô lớn đã bị Công an triệt phá và mang lại niềm tin cho nhân dân.

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Sau khi Quốc hội thảo luận, các thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất

Nói về lĩnh vực tín dụng, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, cử tri phản ánh người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị định số 31 của Chính phủ. Đại biểu cho biết, nguyên nhân cơ bản là do các ngân hàng thương mại có khuynh hướng lo ngại phát sinh nợ xấu, không thu hồi được nguồn vốn trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Mặt khác, lãi suất cho vay ưu đãi giảm, nhưng tiêu chí cho vay theo quy định của ngành ngân hàng không thay đổi, một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

“Vì vậy, để giải quyết thỏa đáng ý kiến cử tri, đại biểu đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục quan tâm cải cách hành chính trong lĩnh vực tín dụng, xây dựng các tiêu chí, điều kiện cho vay đối với các chính sách liên quan thuận lợi hơn so với điều kiện cho vay thông thường. Từ đó giúp người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận và xem đây là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội” – đại biểu nêu.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên họp.

Trả lời ý kiến của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ báo cáo tại phiên thảo luận chuyên đề về Nghị quyết 43.

Cần có thông tin để các đối tượng hưởng lương hiểu rõ ràng, chính xác

Nói về cải cách chính sách tiền lương, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) cho biết, từ ngày 1/7, thực hiện Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 8 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. “Kể từ khi có thông tin về cải cách chính sách tiền lương, dự thảo bảng lương cũng như các chính sách khi thực hiện Nghị quyết 27 đến nay vẫn chưa có thông tin chính thống” – đại biểu nêu và cho biết, trên một số báo mạng có đưa thông tin về bản dự thảo Tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng chế độ tiền lương mới, việc phân cấp theo nhóm, bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo. Ngoài lương cơ bản các phụ cấp theo lương của viên chức ngành giáo dục được tính gộp lại. Sau khi tính toán, nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với những công việc mà các nhà giáo được thụ hưởng, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay của nhà giáo. Cùng một hạng viên chức giống nhau nhưng lương người làm việc lâu năm với lương người mới vào làm được tính giống nhau, như vậy sẽ không tạo ra được động lực cống hiến giữa các nhà giáo. Bên cạnh đó, việc tăng lương chưa thấy được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới. Ngoài ra, còn có một số ý kiến khác cho rằng đối tượng tăng lương tại Nghị quyết 27 lần này bao gồm người làm lĩnh vực y tế và giáo dục. Do đó, cử tri băn khoăn các chi phí ở các lĩnh vực này sẽ tăng cao. Như vậy, so với quan điểm trong Nghị quyết 27 thì tiền lương là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động liệu có thực sự khả thi?

Đại biểu Dương Minh Ánh phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Dương Minh Ánh phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Dương Minh Ánh cho biết, cử tri có 2 kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan là: trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác quan điểm, thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh việc hoang mang cho đối tượng thụ hưởng không yên tâm công tác; cần tính toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội.

Ngăn chặn lừa đảo trực tuyến

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, cử tri rất quan tâm đến vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang có chiều hướng gia tăng, số vụ lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều với số nạn nhân và số tiền ngày càng lớn, nhiều nạn nhân bị lừa hàng tỷ đồng. “Cử tri ghi nhận và đánh giá rất cao sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để tránh lừa đảo. Thời gian qua, nhiều đường dây lừa đảo trực tuyến với quy mô lớn đã bị Công an triệt phá và mang lại niềm tin cho nhân dân” – đại biểu nêu đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt hơn nữa trong công tác phối hợp phát hiện, xử lý triệt phá loại tội phạm này. Đặc biệt với thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, tội phạm thường sử dụng số tài khoản ngân hàng và số thuê bao điện thoại không chính chủ để liên hệ và nhận tiền. “Cử tri mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa và mạnh mẽ hơn nữa trong việc rà soát, xử lý và quản lý sim rác; ngân hàng rà soát, xử lý những tài khoản ngân hàng không chính chủ vì đây đang là kẽ hở cho loại tội phạm này lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội” – đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên họp.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là vấn đề đang diễn ra trên diện rộng, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu như là một hệ lụy của chuyển đổi số. “Để giải quyết vấn đề này, tuyên truyền vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài. Xác định lừa đảo trực tuyến được thực hiện qua sim rác, sim không chính chủ. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt thực hiện các biện pháp rà soát, phát hiện, xử lý sim rác, sim không chính chủ để hạn chế tình trạng lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện sáng kiến gắn nhãn xanh cho các trang web của cơ quan nhà nước, để tránh giả mạo. Bộ cũng đã thiết lập các đầu mối để tiếp nhận phản ánh về vấn đề lừa đảo qua mạng” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời ý kiến đại biểu nêu.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời ý kiến đại biểu nêu.

Giải trình về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó bổ sung một số những quy định rất chặt chẽ. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định yêu cầu áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị trên 20 triệu đồng/ngày bằng sinh trắc học. Việc này giúp cho việc xác thực đối với khách hàng và cũng hạn chế được việc sử dụng tài khoản không chính chủ để có hành vi vi phạm pháp luật. Quyết định này yêu cầu các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện từ ngày 1/7. “Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an rất chặt chẽ trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, ký kết với Bộ Công an để yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện theo Đề án 06 về kết nối dữ liệu của công dân, qua đó giúp khách hàng làm sạch dữ liệu để có thể hạn chế được tình trạng này” – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói.

Người dân chịu thiệt vì cán bộ thu sai bảo hiểm

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội nêu rõ, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, từ năm 2003, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh đã diễn ra tại một số cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương. Sau khi có chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương đã dừng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với nhóm đối tượng này. Hàng nghìn chủ hộ kinh doanh được chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. “Thực tế, tính đến ngày 30/9/2016, cả nước có hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, nhiều trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định, chưa được nhận đồng lương hưu nào đã phải gửi đơn khiếu kiện” – đại biểu nêu và cho biết, đây là trường hợp cử tri, dư luận rất quan tâm, bức xúc. Nhóm những người bị "treo" lương hưu này đã nhiều lần gửi đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời ý kiến đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời ý kiến đại biểu.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, liên quan sự việc, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 100, giao cho Chính phủ tập trung xử lý chuyện phát sinh. Chính phủ ban hành Nghị quyết 88, giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê, đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp giải quyết triệt để. “Pháp luật không cho phép thu bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể. Việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với nhóm này tại một số địa phương là sai. Sau khi phát hiện ra sự việc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản chấn chỉnh chuyện thu sai. Tuy nhiên, một số địa phương đã thu và vẫn tiếp tục thu một số trường hợp” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời và cho biết, Bộ yêu cầu dừng thu và tập trung xử lý sự việc.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/cu-tri-kien-nghi-som-co-thong-tin-de-cac-doi-tuong-huong-luong-hieu-ro-rang-chinh-xac-i732140/