Cụ từ đình cổ đang dần thưa vắng...
Với người dân vùng đồng bằng Bắc bộ, hình ảnh những người trông nom, coi sóc đình làng, gọi là cụ từ, quen đến nỗi đi vào thành ngữ với 'Lừ đừ như ông từ vào đền'. Ở thời buổi thị trường, việc chung của làng ít nhiều bị sao nhãng, người trẻ về phố làm ăn, còn lại bóng dáng các cụ từ lầm lũi theo năm tháng giữ lề thói quê hương.
Bắc bộ còn lại nhiều đình làng trên trăm tuổi, đặc biệt là vùng quê xứ Đoài - nay thuộc địa giới Hà Nội (Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Đan Phượng) và một phần các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Mỗi làng cổ có một đình làng, có thể kể đến Tây Đằng, Chu Quyến, đình So, Mông Phụ, Hương Canh, Thổ Tang… vừa là nơi thờ thành hoàng, cũng là nơi diễn ra mọi hoạt động hội hè, đình đám gắn bó với người làng từ khi hình thành. Đình làng cũng là nơi lưu giữ phong tục, tập quán, lễ hội gắn liền với cộng đồng bản địa, được lưu truyền theo năm tháng. Và nhân vật quan trọng giúp dân lo việc làng, giữ việc tế thánh, chính là cụ từ, nay đa số đều ngoài tuổi cổ lai hy.
Hãnh diện người làm từ
“Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, nhiều người dùng thành ngữ ấy để bóng gió chuyện làm từ giữ đình làng. Bởi cả một đình làng bề thế, to rộng, nhưng mỗi mình cụ từ lủi thủi hàng ngày lo việc nhang đèn, quét dọn, giúp dân cúng bái - tế thánh… Ngần ấy bổn phận chiếm gần như toàn thời gian, chẳng còn tâm sức đâu lo việc gia đình, trong khi lương bổng không có, tuổi tác cao nên việc làm từ với nhiều người thực chẳng dại dây dưa.
Thế mà để được làm từ phải đáp ứng nhiều đòi hỏi khắt khe, như đủ tuổi đời (trên 50 hoặc 55), đã khao lão ngoài đình làng - nghĩa là đủ tuổi được lên đình cùng các cụ bàn việc làng, gia đình toàn vẹn (đủ đầy chồng vợ, con cái, cháu chắt), gia đình dòng họ không có “bụi” (không vướng tang ma dòng họ, thân cận hai bên phụ mẫu), ba đời trong sạch, được người làng tín nhiệm bầu chọn vì đức độ, lối sống, có tiếng nói uy tín trong cộng đồng.
Luật định của làng là thế, nhưng còn một niềm tin ở góc độ tâm linh, ấy là cho dù đáp ứng đủ các quy định trong việc chọn cụ từ, được dân làng tin yêu nhưng vị thành hoàng của làng ấy chưa chọn, chưa chấm thì dẫu có ra làm từ cũng khó yên thân: nhẹ thì tâm không an, nặng hơn thì gia đình gặp trắc trở, lại vướng phải bụi (có người mất), việc làm từ ắt không thành.
Gặp gỡ cụ từ nơi những ngôi đình cổ xứ Đoài đều thấy ở họ điểm chung là niềm tự hào. Cụ từ Nguyễn Duy Hanh, 68 tuổi, ở đình Tây Đằng cho biết: “Từ bé, đình làng là sân chơi, lớn lên thì đình làng là trường học, nên tôi có nhiều kỷ niệm với nó. Giờ được làng chọn làm từ, vui và tự hào vì đây là bộ mặt của làng, làng giao cho mình trọng trách giữ gìn, làm đẹp, khách thập phương đến thấy tinh tươm, sạch sẽ, họ nghĩ tốt cho làng, vậy là đủ thấy an vui”.
Làm từ, lo việc nhà thánh, các cụ từ đều coi đó là công đức, không mong cầu lương bổng, cái được với họ là niềm tin được thánh linh che chở, phù hộ cho bản thân, gia đình và cả làng xã. Ở Tường Phiêu - đình làng hình thành từ thế kỷ XV, thủ từ là cụ Khuất Quang Tẹo, 73 tuổi, tâm sự: “Tôi may mắn tham gia qua hai cuộc chiến, hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, vẫn sống và đủ sức khỏe như hôm nay hẳn nhờ thánh phù hộ độ trì. Tôi được làng giao nhiệm vụ hầu thánh, ngoài nghĩa vụ, đó còn là ân đức và niềm vui”.
Canh cánh nỗi lo
Hành trình quanh các đình làng cổ, dễ thấy làng nay hầu hết đã lên phố, nhà nhà xây mới khang trang, nét cổ kính, thâm trầm chỉ còn lại nơi đình làng. Trừ số ít những đình làng phát triển du lịch mạnh như Mông Phụ của làng cổ Đường Lâm, còn lại chỉ thấy một tòa đình cửa đóng then cài, bên vách cổng ghi số điện thoại của cụ từ, khách muốn vào đình cứ liên lạc để cụ từ ra mở cửa.
Thêm một điểm chung là người làm từ đều tuổi cao, sức khỏe yếu dần, tìm lớp kế thừa là chuyện nan giải. Người còn sức khỏe muốn làm thì vướng luật lệ, thường là nhà có bụi, cha già mẹ héo, người muốn nghỉ vì tuổi già thì không có thế hệ kế thừa. Ở đình So, ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài có cụ từ Vương Đắc Hưng đã 87 tuổi, hơn 36 năm làm từ, có lẽ là cụ từ thâm niên nhất đất Bắc. Khi hỏi chuyện làm từ, cụ Hưng bảo: “Tôi xin làng cho nghỉ mãi rồi vì sức khỏe kém, nhưng làng không nghe vì không có người thay thế”.
Đình Chu Quyến cũng tương tự khi cụ từ Trần Việt Hùng, với thâm niên lo việc nhà thánh hơn 20 năm, bao lần xin nghỉ mà không người kế thừa. Cụ Hùng kể: “Làng tôi theo lệ tuổi 50 là được phép lo việc nhà thánh rồi, nhưng tuổi ấy bây giờ người ta vướng bận làm ăn, đi khắp nơi chứ đâu có ở làng, người còn lại trong làng đủ điều kiện thì phải chăm lo gia đình, con cháu, các cụ cao niên thì sức khỏe không còn. Làm từ ở Chu Quyến là kiêm luôn hai di tích còn lại là đền thờ và nơi thánh hóa, ba nơi này ngoài việc quét dọn, thêm nhang khói nên một mình không xuể, nhưng việc làng đã giao thì tôi cố gắng hết khả năng và sức lực thôi”.
Ngược với cảnh đìu hiu, vắng vẻ ở hầu hết các ngôi đình cổ, đình Mông Phụ nhộn nhịp lữ khách thập phương, không gian của đình tinh tươm, ban thờ đầy hoa trái, hương khói ấm áp. Cụ từ Giang Vĩnh Phúc tự hào kể: “Ở đình Mông Phụ, theo lệ làng là người từ sơ thọ (50 - 70 tuổi) đã có thể được chọn lo việc làng, lo việc tế thánh. Làng tôi hễ ai được chọn làm từ là vinh dự không chỉ cho bản thân mà cả gia đình, dòng họ, nên làng luôn có lớp kế thừa, việc làng từ chuyện to nhỏ, chuyện tế thánh, lễ hội, đều được các cụ từ truyền lại, lớp sau cứ thế mà làm”.
Có thể thấy vai trò của cụ từ nơi các đình làng cổ vẫn nguyên giá trị, mỗi đình làng, mỗi cụ từ, như một pho tư liệu sống về các lề thói, nếp sinh hoạt văn hóa, đến các hoạt động hội hè, đình đám, việc tế thánh, cỗ lạt… của làng, tất cả được cụ từ lưu giữ bằng vốn sống, trải nghiệm, kinh nghiệm và thời gian thực hành. Cụ từ đình làng cũng là những người giữ trọng trách bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp của đình làng cổ, từ kiến trúc, các mảng chạm, đến cả những huyền tích về thành hoàng… Chỉ tiếc rằng theo thời gian, thiếu thế hệ kế thừa, thiếu những quan tâm đúng mực từ cộng đồng làng xã đến cấp quản lý cao hơn, những pho tư liệu sống ấy đang dần mai một theo năm tháng.
Bài và ảnh: Thiên Ân
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cu-tu-dinh-co-dang-dan-thua-vang-42200.html