Cửa hàng tiện lợi phải có diện tích tối thiểu 30 m2
Dự thảo của Bộ Công Thương quy định diện tích kinh doanh tối thiểu của một cửa hàng tiện lợi là 30 m2 và diện tích tối đa dưới 200 m2.
Bộ Công Thương đang đưa dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại ra lấy ý kiến. Trong đó, dự thảo chủ yếu đưa ra các quy định và tiêu chí để phân loại các loại hình địa điểm bán lẻ gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.
Cụ thể, với tiêu chí để là siêu thị, trung tâm thương mại, Bộ Công Thương quy định các địa điểm kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu về vị trí; diện tích; số lượng mặt hàng phù hợp với từng phân hạng. Bên cạnh đó, điểm kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy; nơi trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp; các thiết bị kỹ thuật bảo quản, sơ chế, đóng gói, bán hàng và quản lý kinh doanh...
Đáng chú ý, với quy định về tiêu chí để là cửa hàng tiện lợi, cơ quan soạn thảo yêu cầu địa điểm kinh doanh phải đặt tại khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch... và có diện tích tối thiểu 30 m2. Diện tích tối đa để điểm kinh doanh được phân loại là cửa hàng tiện lợi phải dưới 200 m2.
Bên cạnh đó, hàng hóa chủ yếu của cửa hàng tiện lợi phải là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh. Số lượng mặt hàng kinh doanh trong khoảng 3.000 tên hàng và có thể hoạt động tối đa 24 tiếng/ngày.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định đối tượng phục vụ chủ yếu của cửa hàng tiện lợi là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m và phải bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân.
Với tiêu chí để là cửa hàng outlet (cửa hàng bán sản phẩm chính hãng tồn kho, lỗi mốt - PV), cơ quan này quy định địa điểm kinh doanh phải được đặt tại khu dân cư tập trung, khu thương mại, gần nhà máy hoặc kho của các nhà sản xuất, các cảng hàng không, khu kinh tế, khu phi thuế quan...
Hàng hóa phải có nhãn hiệu, chủ yếu là hàng tồn kho, lỗi mốt hoặc có nhược điểm, được sản xuất chỉ nhằm mục đích để bán tại outlet.
Với trung tâm outlet, điểm kinh doanh có thể đặt tại khu vực ngoại thành, ngoại thị, gần các địa điểm du lịch nổi tiếng, gần trung tâm các thành phố lớn nhưng phải có diện tích tối thiểu 7.000 m2. Trong đó, một trung tâm outlet có thể tích hợp nhiều cửa hàng outlet, có thể tích hợp thêm khu ẩm thực và các dịch vụ tiện ích khác.
Tương tự tiêu chuẩn với siêu thị và trung tâm thương mại, các outlet và trung tâm outlet cũng phải có chỗ để xe phù hợp với quy mô, dung lượng thị trường của điểm kinh doanh.
Với việc đặt ra các tiêu chí cụ thể với từng loại hình hạ tầng thương mại, Bộ Công Thương yêu cầu các cơ sở kinh doanh thương mại không đáp ứng đủ các tiêu chí quy định sẽ không được đặt tên là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet. Đồng thời, các điểm kinh doanh cũng không được đặt tên, ghi biển hiệu bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài như Supermarket, Hypermarket, Big Mart, Big Store, Shopping Center, Trade Center, Plaza...
Với các hạ tầng thương mại đạt tiêu chuẩn, biển hiệu phải ghi bằng tiếng Việt là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet trước tên thương mại hoặc tên riêng.
Ngoài tên bằng tiếng Việt, các loại hình kinh doanh này có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt, tuy nhiên phần tên riêng trong tên không được sử dụng cụm từ "công ty", "doanh nghiệp".
Theo Bộ Công Thương, thông tư này sẽ thay thế Quyết định 1371 ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Thương mại về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.