Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo: Khơi thông điểm nghẽn, đánh thức tiềm năng vùng biên
Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác do vướng mắc hạ tầng, thủ tục, thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định sẽ tập trung tháo gỡ, tạo đột phá phát triển bền vững cho tỉnh nhà và khu vực.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (KKT Cầu Treo) nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, nối liền miền Trung Việt Nam với Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng phát triển dịch vụ - thương mại - logistics, nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối giao thương quốc tế và trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Hà Tĩnh.
Đến nay, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã thu hút 28 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 21 dự án đang hoạt động. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 2.187 tỷ đồng, bao gồm 1 dự án FDI. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình phát triển của KKT Cầu Treo vẫn còn một số hạn chế như: vị trí địa lý xa trung tâm tỉnh; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; thiếu nguồn lực đầu tư; công tác xúc tiến đầu tư còn hạn chế; và đặc biệt, một số mặt hàng qua cửa khẩu sụt giảm khiến kim ngạch xuất nhập khẩu chưa đạt kỳ vọng.

Hà Tĩnh nỗ lực khơi thông điểm nghẽn, đánh thức tiềm năng vùng biên tại Khu kinh tế cửa khầu Cầu Treo
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt của KKT Cầu Treo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Duy Lâm cho rằng, đây là cửa khẩu quốc tế có ý nghĩa chiến lược, là một trong tám cửa khẩu trọng điểm quốc gia cần được đầu tư bài bản, đúng tầm. Ông cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế hiện nay tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và giao Ban Quản lý KKT tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành và địa phương triển khai nghiêm túc các kết luận trước đó của Thường trực Tỉnh ủy; đồng thời tăng cường phối hợp, rà soát các vướng mắc tồn tại, sớm đề xuất giải pháp tháo gỡ một cách thực chất. Không thể để tiềm năng vùng biên mãi nằm trên giấy. Phải hành động quyết liệt, đồng bộ và kiên trì mới có thể biến Cầu Treo thành trung tâm kinh tế thực sự năng động.
Tỉnh cũng xác định một số nhóm giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển khu kinh tế này, như: cần khẩn trương chỉnh trang khu vực cửa khẩu, đặc biệt là Nhà liên hợp Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết hợp Quốc môn, nhằm tạo diện mạo khang trang, thân thiện với hoạt động giao thương và xuất nhập cảnh; Công tác bảo vệ môi trường cũng được yêu cầu đẩy mạnh; Công tác xúc tiến đầu tư sẽ được làm chuyên nghiệp, gắn với quảng bá tiềm năng và đồng hành tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người, phương tiện giao thông vận tải qua Cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Định hướng phát triển KKT Cầu Treo trong thời gian tới không chỉ hướng tới hiệu quả kinh tế mà còn đặt trong tổng thể mục tiêu phát triển bền vững, an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường và liên kết vùng. Khi những điểm nghẽn được khơi thông, KKT Cầu Treo sẽ không chỉ là cửa ngõ giao thương mà còn là điểm tựa phát triển cho cả vùng miền núi phía Tây Hà Tĩnh và hành lang kinh tế xuyên Á.