Cửa khẩu thông minh - Nền tảng vững chắc phát triển kinh tế biên mậu
Với tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.000 tỷ đồng, việc triển khai Đề án thí điểm Cửa khẩu thông minh được kỳ vọng đưa tỉnh Lạng Sơn thành đầu mối giao thương hàng hóa hiện đại, sôi động giữa Việt Nam - Trung Quốc và khu vực ASEAN.
Địa phương ở khu vực Đông Bắc này cũng đang tiên phong trong việc đổi mới, sáng tạo, cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị trong việc đột phá phát triển khoa học, công nghệ với mô hình Cửa khẩu thông minh.
Tháng 2/2022, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình Cửa khẩu số, mở ra giai đoạn mới trong việc phát triển kinh tế cửa khẩu. Những giải pháp đồng bộ, từ quy hoạch, củng cố hạ tầng, thu hút đầu tư được tỉnh Lạng Sơn tích cực triển khai giúp hoạt động xuất, nhập khẩu khởi sắc qua từng năm.
Giai đoạn 2016-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn chỉ đạt 17,5 tỷ USD; nhưng đến năm 2024 địa phương này đã xác lập kỷ lục về tổng kim ngạch XNK khi đạt 66,4 tỷ USD. Những con số này đã khẳng định chủ trương đúng đắn khi xác định kinh tế cửa khẩu là động lực tăng trưởng và Lạng Sơn kỳ vọng khi mô hình cửa khẩu thông minh hoàn tất sẽ đưa khối lượng hàng hóa thông quan tăng từ 4-5 lần, tổng kim ngạch hàng hóa XNK đạt trên 100 tỷ USD vào năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn vào tối ngày 14/11/2023
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi tập trung vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối với Cửa khẩu thông minh thông qua việc triển khai các tuyến đường giao thông. Đặc biệt là các tuyến cao tốc, triển khai các khu trung chuyển hàng hóa, các dự án bến bãi để cùng với Cửa khẩu thông minh tăng năng lực thông quan, từ đó giúp cho hàng hóa của Việt Nam giảm được các chi phí về logistics; Qua đó giúp cho hàng hóa giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng như hàng hóa của nước thứ 3 được thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn một cách thuận lợi, nhanh chóng, giảm được chi phí, thời gian, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam".
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Trung Quốc tháng 6/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Chính quyền Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký kết Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Và ngay sau khi Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo khẩn trương triển khai ngay công việc, lên phương án đầu tư các dự án thuộc phạm vi Đề án… Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án với nội dung và lộ trình thực hiện cụ thể.

Ngày 14/11, UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Lễ ký kết trực tuyến Bản ghi nhớ về cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ cùng xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh
Là mô hình mới, chưa từng có tiền lệ nên trong quá trình triển khai Cửa khẩu thông minh, tỉnh Lạng Sơn cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, quy định. Trong bối cảnh ấy, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia ra đời được đánh giá như “bệ đỡ” để giúp Lạng Sơn tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan.
Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn nêu ý kiến: “Nghị quyết 57 là cơ sở pháp lý, định hướng rất quan trọng để triển khai Cửa khẩu thông minh. Bởi đây là mô hình thí điểm đầu tiên trên cả nước, đi theo hướng đổi mới sáng tạo, trong bối cảnh hiện nay được đánh giá là rất phù hợp, khi gắn với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị thì tôi cho rằng đây là 1 trong những hoạt động mà Lạng Sơn sẽ thực hiện rất nhanh, thông suốt trong thời gian tới. Mô hình cửa khẩu thông minh gắn với chuyển đổi số, gắn với việc vận hành liên tục 24/7, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động XNK gắn với định hướng về đổi mới sáng tạo như Nghị quyết 57 đã nêu".

Công nghệ Digital Twin tại Công viên logistics Viettel Lạng Sơn, mô phỏng 1:1 hoạt động ở bãi thông quan lên màn hỉnh kiểm soát tập trung
Việc xây dựng cửa khẩu thông minh không chỉ phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ mà còn đáp ứng mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia và chiến lược phát triển của tỉnh Lạng Sơn. Mô hình này hứa hẹn mang lại sự đột phá trong hoạt động thông quan hàng hóa, giúp quá trình thông quan hàng hóa diễn ra nhanh chóng, liền mạch, không tiếp xúc và không gián đoạn.
Cửa khẩu thông minh sẽ góp phần gia tăng năng lực và hiệu suất thông quan, tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Lạng Sơn, qua đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XNK, khẳng định vị thế về kinh tế biên mậu ở khu vực phía Bắc.
Ông Vũ Quang Khánh, Phó trưởng Ban, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn khẳng định trong quá trình xây dựng Cửa khẩu thông minh, tỉnh Lạng Sơn tập trung vào 4 yếu tố quan trọng là "thời gian", "trí tuệ", "sự quyết đoán" và "tinh thần trách nhiệm với đất nước".
Theo ông Khánh: “Trước khi có Nghị quyết 57 thì cũng có rất nhiều nội dung liên quan cụ thể đến Đề án Cửa khẩu thông minh chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên trên cơ sở Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã có những hướng cụ thể để tỉnh Lạng Sơn đề xuất những nội dung mang tính chất đột phá, chưa có tiền lệ để phục vụ phát triển kinh tế đất nước".
Để mô hình Cửa khẩu thông minh được triển khai hiệu quả, Tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây thường xuyên trao đổi để thúc đẩy triển khai Thỏa thuận khung đã ký kết. Địa phương đã nhiều lần tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế tại cảng Khâm Châu; cửa khẩu Cam Kỳ, Mao Đô, Nội Mông Cổ và Cửa khẩu thông minh tại Thị Bằng Tường, Quảng Tây… Cùng với đó, việc đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án mở rộng đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa (giai đoạn I) từ 4 làn lên 6 làn xe, tiến tới hoàn thiện các thủ tục để điều chỉnh mở rộng thành 14 làn xe theo như chỉ đạo của Chính phủ đang được gấp rút hoàn thành tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Công viên logistics Viettel Lạng Sơn được ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động XNK đã sẵn sàng kết nối với hệ thống cửa khẩu thông minh trong tương lai
Bà Hoàng Thị Lê, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cho rằng, mô hình này sẽ nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan hàng hóa; công khai, minh bạch, giảm chi phí cho các doanh nghiệp, đảm bảo lưu thông hàng hóa, không đứt gẫy chuỗi cung ứng khi có thiên tai, dịch bệnh.
“Trước thì mới bắt đầu chuyển đổi số thì cũng có nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau khi được hướng dẫn doanh nghiệp chúng tôi cũng thích nghi và thấy được nhiều cái tốt. Đơn cử như việc liên hệ lái xe, khi chuyển đổi số thì doanh nghiệp không cần liên hệ nhiều nữa, theo dõi trực tiếp trên app, chủ động được để làm thủ tục, giảm thiểu thời gian thông quan. Chúng tôi cũng rất mong chờ nền tảng cửa khẩu thông minh để càng ngày càng phát triển và có thể thông quan nhanh hơn nữa, như thế sẽ giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp" - bà Lê chia sẻ.
Ông Lê Hồng Giang, Giám đốc công viên Logistics Viettel Lạng Sơn cho biết: Hiện đơn vị đang ứng dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến như hệ thống cổng thông minh tự động (Smart gate) tích hợp hệ thống phân luồng xe, công nghệ xử lý ảnh và trí tuệ nhân tạo chủ động nhận diện biển số xe, mã container và dữ liệu sinh trắc học của tài xế; sử dụng băng tải telescopic thay vì nhân công trực tiếp, giúp giảm thời gian chuyển hàng giữa 2 container; Công nghệ Digital Twin, mô phỏng 1:1 hoạt động ở bãi thông quan lên màn hình kiểm soát tập trung… Tất cả đều đã sẵn sàng kết nối với Cửa khẩu thông minh.
Theo ông Giang: “Mong muốn của chúng tôi là công viên được kết nối với hệ thống đường sắt, đường cao tốc và cửa khẩu thông minh, tạo ra hạ tầng logistics cho tất cả doanh nghiệp. Chúng tôi đầu tư các công nghệ mới nhất để đảm bảo thời gian xử lý hàng hóa tối ưu nhất, giảm chi phí logistics từ 10-20%, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Sau khi Lạng Sơn triển khai mô hình cửa khẩu thông minh thì đơn vị cũng mong muốn sẽ trở thành trung tâm logistics nối dài của cửa khẩu thông minh, giúp doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng để thực hiện thông quan. Viettel đã xây dựng nền tảng số tại công viên và sẵn sáng kết nối API với hệ thống cửa khẩu thông minh".
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Với mô hình cửa khẩu thông minh, Lạng Sơn đã và đang cụ thể hóa rất rõ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, tiên phong đổi mới sáng tạo để tạo ra sự đột phá. Bằng sự tiên phong mạnh mẽ, Cửa khẩu thông minh được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế cửa khẩu, đưa địa phương này trở thành khu giao thương hàng hóa hiện đại, sôi động, lớn nhất giữa Việt Nam - Trung Quốc và khu vực ASEAN.