Cửa khẩu thông thoáng, hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi
Với sự nỗ lực của BĐBP Lạng Sơn và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) được tạo thuận lợi nhất để thông quan nhanh chóng. Hiện, không còn tình trạng xe hàng đậu ngoài đường chờ xuất khẩu (XK). Hoạt động thông quan hàng hóa XNK tại các cửa khẩu địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra ổn định, thông suốt với lưu lượng trung bình khoảng 1.100 phương tiện được làm thủ tục thông quan XNK mỗi ngày.
Cửa khẩu nhộn nhịp, thông thoáng
Có mặt tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, chúng tôi ghi nhận, các phương tiện chở hàng hóa XK chờ làm thủ tục thông quan được bố trí địa điểm dừng chờ hợp lý, khoa học, không có hiện tượng ùn ứ. Hành khách được cán bộ BĐBP hướng dẫn cụ thể, tận tình, không mất nhiều thời gian chờ đợi làm thủ tục xuất, nhập cảnh (XNC).
Thiếu tá Phạm Tuấn Hùng, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn cho biết: Các mặt hàng XK qua cửa khẩu chủ yếu là nông sản... Trung bình mỗi ngày, có 800-850 phương tiện chở hàng hóa được làm thủ tục thông quan XNK, trong đó, khoảng 230-250 xe hàng XK. So với thời điểm cách đây 3 tháng, lượng xe XK tăng gần 100 xe/ngày. Theo quan sát của chúng tôi, trung bình mỗi phương tiện chở hàng hóa chỉ mất khoảng 1,5 phút làm thủ tục qua cửa kiểm soát của BĐBP.
Hiện, trung bình mỗi ngày, có khoảng 170 xe chở hàng mới từ nội địa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chờ XK. Với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và hành khách, Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã tăng cường quân số, chia ca trực hợp lý, kéo dài thời gian làm việc, duy trì đảm bảo an ninh trật tự và các hoạt động khác trong khu vực cửa khẩu. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2023, hơn 72.000 xe chở hàng hóa/hơn 1 triệu tấn hàng đã được thông quan nhập khẩu vào Việt Nam qua Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ở chiều ngược lại, có hơn 29.600 xe/hơn 534.000 tấn hàng hóa, chủ yếu là nông sản được thông quan XK sang Trung Quốc, tăng hơn 21.000 phương tiện so với cùng kỳ năm 2021.
Trong lúc chờ đợi làm thủ tục thông quan hàng hóa, chị Hoàng Thị Lê, Công ty TNHH một thành viên Blue Sky chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày, công ty chúng tôi XK 20 xe hàng nông sản. Hiện, thủ tục thông quan hàng hóa được BĐBP và các lực lượng chức năng thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, chỉ mất khoảng 5 phút đối với các lô hàng đi luồng xanh và 10 phút đối với lô hàng đi luồng vàng. Thông quan thuận lợi, nhanh chóng giúp chúng tôi giảm được tối đa chi phí phát sinh”.
Tại cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, hoạt động giao thương biên giới cũng diễn ra thuận lợi, ổn định. Ông Trần Phúc Thành, lái xe, trú tại tỉnh Tây Ninh vui vẻ cho biết: “Hiện tại, hoạt động XK thuận lợi hơn trước thời điểm Trung Quốc gỡ bỏ các quy định phòng chống dịch Covid-19. Xe của tôi chở 17 tấn thanh long từ Long An đến đây từ hôm qua. Hôm nay, tôi đã giao hàng cho doanh nghiệp phía Trung Quốc. Thời gian ở đây, tôi được BĐBP hướng dẫn cụ thể, sắp xếp chỗ đậu xe, phát số thứ tự, ai tới trước được làm thủ tục trước. Khu vực đậu xe chờ làm thủ tục thông quan dưới sự điều tiết của cán bộ Biên phòng thông thoáng, có hàng lối, dễ đi, an ninh trật tự được duy trì đảm bảo tốt, tôi rất yên tâm”.
Chủ động điều tiết, phân luồng xe chở hàng hóa
Hiện, hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được duy trì tại 5 cửa khẩu, gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu song phương Chi Ma, cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam. Thời gian này, nhiều loại trái cây của Việt Nam đang vào vụ thu hoạch như sầu riêng, vải, xoài, mít... nên lưu lượng xe hàng hóa từ các tỉnh nội địa lên cửa khẩu tăng cao.
Với vai trò chủ trì đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu, BĐBP Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp, đảm bảo thực thi hiệu quả nhiệm vụ công tác biên phòng, giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm an ninh – quốc phòng, tạo điều kiện cho hoạt động XNK thông suốt, đặc biệt là XK nông sản thuận lợi nhất.
Theo đó, các đơn vị BĐBP thường xuyên cơ động, tuần tra, kiểm soát, duy trì đảm bảo an ninh trật tự, điều tiết, phân luồng, sắp xếp xe hàng hóa XK hợp lý. Bên cạnh đó, BĐBP Lạng Sơn cũng tăng cường nhân lực làm việc thời điểm hàng nông sản lên cửa khẩu tăng cao, thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động XNK đúng quy trình nghiệp vụ, đúng pháp luật, đảm bảo cửa khẩu thông thoáng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội đàm, trao đổi với phía bạn, thống nhất kéo dài thời gian thông quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động XNK.
Cụ thể, thời điểm cuối tháng 5, lưu lượng xe chở nông sản, chủ yếu là sầu riêng lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng đột biến, BĐBP Lạng Sơn đã chủ động lên phương án phân luồng, điều tiết xe hàng hóa vào khu phi thuế quan nhằm tránh ùn tắc. Cùng với đó, tăng cường quân số tối đa, bố trí lực lượng tại các vị trí trọng điểm, thường trực điều tiết phân luồng từ 6 giờ 30 phút đến 21 giờ, đảm bảo khu vực cửa khẩu thông thoáng. Cán bộ BĐBP cũng làm thêm giờ trong thời gian lượng xe tăng cao để hạn chế tối đa số xe tồn trong ngày. BĐBP Lạng Sơn còn phối hợp với các ngành chức năng, trao đổi thông tin và đề nghị phía cơ quan chức năng Trung Quốc điều tiết mặt hàng sầu riêng XK qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) để giảm tải cho cặp cửa khẩu quốc tế của hai bên.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường XK nông sản lớn nhất của nước ta, tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam gồm xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm chưa ký kết được Nghị định thư kiểm dịch thực vật với Trung Quốc, dẫn tới tỷ lệ kiểm soát 100% lô hàng, ảnh hưởng rất lớn tới hiệu suất XK. Việc kiểm định 100% lô hàng khiến mất thêm thời gian chờ đợi, làm tăng chi phí phát sinh cũng như có nguy cơ hàng hóa bị hỏng, cả nông dân và doanh nghiệp đều chịu rủi ro lớn.
Do đó, để hoạt động XNK thuận lợi, giảm áp lực lên hạ tầng cửa khẩu cũng như đảm bảo năng lực thông quan tại các cửa khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy mạnh việc đàm phán ký Nghị định thư để nhiều loại trái cây của Việt Nam có thể được XK chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho nông dân và địa phương đăng ký mã vùng trồng, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy suất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng Trung Quốc, tránh thiệt hại.