'Cửa ngõ' giao thương Việt Nam - Trung Quốc thông suốt sau bão Yagi
Tại các cửa khẩu lớn với Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu đã dần trở lại ổn định và tăng trưởng sau bão Yagi.
Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Trung Quốc tăng trưởng
Thống kê mới nhất từ Bộ Công Thương, 8 tháng năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đã đạt 130,78 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu từ thị trường này đều tăng.
Đóng góp tích cực cho con số này là sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu. Kể cả trong giai đoạn bị ảnh hưởng do bão Yagi, tại các cửa khẩu, hoạt động giao thương cũng nhanh chóng được kết nối trở lại.
Theo Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ ngày 1/1 đến 15/9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 2.778,34 triệu USD tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu đạt hơn 1.746 triệu USD, nhập khẩu hơn 1.032 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, cửa khẩu cầu Bắc Luân II mỗi ngày có bình quân khoảng 245 phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu. Tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt trên 883.000 tấn, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân đạt: 3.590 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu/ngày.
Tại lối mở Km 3+4 Hải Yên, có gần 19.000 phương tiện chở 308.943 tấn hàng hóa. Bình quân mỗi ngày có 79 phương tiện chở hơn 1.300 tấn xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.
Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là hoa quả, bột sắn, thủy hải sản đông lạnh, hạt khô và hàng hóa khác. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng tạp, hàng vải.
Ngay sau khi bão số 3 đổ vào Việt Nam, Quảng Ninh là một trong những địa phương bị ảnh hưởng. Song các cơ quan chức năng đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu để giữ vững kim ngạch xuất khẩu.
Tương tự, tại cửa khẩu Lào Cai, cơ quan chức năng cũng nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão số 3 để nhanh chóng đưa hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trở lại. Nhờ đó, từ đầu tháng 9 đến nay, trừ hơn 2 ngày tạm dừng thông quan do bão (từ ngày 9/9 đến trưa ngày 11/9) hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra ổn định, mỗi ngày có từ 500-600 xe hàng xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các loại hoa quả như sầu riêng, thanh long, chuối, dược liệu, ván bóc. Nhập khẩu các loại hoa quả, nông sản, phân bón, hóa chất, máy móc thiết bị.
Theo tổng hợp của ngành Công Thương tỉnh Lào Cai, hết 8 tháng của năm 2024, giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu của Lào Cai đạt 2,27 tỷ USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ đầu tháng 9 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cũng duy trì đúng nhịp tăng như mọi năm. Do đang vào vụ thu hoạch hoa quả, nông sản, nên phương tiện chở hàng hóa lên các cửa khẩu tăng cao. Số lượng xe chở hàng hóa tồn qua đêm chờ xuất khẩu tại các khu vực cửa khẩu mỗi ngày là khoảng 700 xe.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng diễn bình thường tại các cửa khẩu Cốc Nam, Chi Ma và cửa khẩu quốc tế ga Đồng Đăng. Tổng số phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa được thông quan mỗi ngày khoảng 1.300 xe, có thời điểm lên đến 1.450 xe/ngày...
Trước đó, bão số 3 đã gây ảnh hưởng tới địa bàn tỉnh Lạng Sơn và nhiều địa phương trong cả nước khiến việc lưu thông gặp khó khăn, số lượng xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh từ ngày 7/9 đến ngày 9/9 trung bình chỉ đạt 900 xe/ngày. Đây là thời điểm số lượng xe thông quan trung bình trong ngày thấp nhất tính từ đầu năm 2024 đến nay.
Thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu
Để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, thời gian qua, các bộ ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng cửa khẩu số tại Lạng Sơn, khởi công Dự án Cửa khẩu thông minh Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) nhằm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, thương mại biên giới đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, bởi tuyến biên giới đất liền với hệ thống các cửa khẩu, đường giao thông, các hành lang kinh tế xuyên quốc gia, các khu hợp tác kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do và khu bảo thuế đã và đang được xây dựng, nâng cấp, được đánh giá là một trong những cửa ngõ chính, quan trọng trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc. Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc được thành lập tạo nên động lực lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai thị trường ASEAN và Trung Quốc.
Hiện, Chính phủ Việt Nam và các nước có chung đường biên giới đều quan tâm phát triển thương mại biên giới. Hệ thống chính sách về thương mại biên giới của hai nước đã và đang từng bước được xây dựng, hoàn thiện. Hàng hóa trao đổi qua biên giới ngày càng phong phú, đa dạng như cao su và các sản phẩm từ cao su, các mặt hàng nông sản, sắn lát và tinh bột sắn, thóc, gạo, đường, trái cây tươi các loại, thủy sản, gỗ ván bóc...
Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, trao đổi dịch vụ qua các cửa khẩu biên giới đất liền cũng có quy mô ngày càng lớn và phong phú. Đội ngũ doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh thương mại biên giới cũng ngày càng lớn mạnh.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Linh cũng chia sẻ, hiện hệ thống logistics còn một số vấn đề như khó khăn trong khai thác đường sắt với Trung Quốc do chưa đồng bộ về khổ đường ray; chưa có trung tâm logictics với đầy đủ các chức năng cơ bản dẫn đến chi phí dịch vụ logictics cao, tính liên kết giữa các vùng, các doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế. Hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu là nông sản, trái cây và số lượng chủng loại nông sản, trái cây được xuất khẩu cũng rất hạn chế so với tiềm năng sản xuất, chế biến nông sản, trái cây của Việt Nam. Một số mặt hàng nông sản chưa được ký Nghị định thư về kiểm dịch nên phải kiểm tra thực tế 100% lô hàng, ảnh hưởng đến thời gian thông quan…
Đồng ý kiến, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương chia sẻ, để phát triển thương mại biên giới thì hạ tầng phải tốt, tức là hệ thống khu kinh tế biên giới, kinh tế cửa khẩu phải phát triển để phù hợp với nhu cầu phát triển thương mại biên giới. Song hiện nay hệ thống logistics cửa khẩu còn nhiều hạn chế. Hoạt động này cần sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương khu vực biên giới nhằm gia tăng hiệu quả xuất nhập khẩu với Trung Quốc nói riêng và phát triển kinh tế cửa khẩu nói chung.