'Cửa sáng' cho cổ phiếu ngành bán lẻ, tiêu dùng
Với nền tảng là mức tăng trưởng doanh thu ổn định, lợi nhuận cải thiện rõ rệt và tâm lý tiêu dùng trong nước đang trở lại, giới đầu tư đang kỳ vọng cổ phiếu ngành bán lẻ sẽ bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.
Thị trường bán lẻ nội địa phát tín hiệu hồi phục mạnh mẽ
Bức tranh thị trường bán lẻ trong nước đang dần sáng lên với nhiều điểm nhấn tích cực ngay từ quý đầu tiên của năm 2025.
Theo số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I năm nay đạt khoảng 1.708,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao hơn đáng kể so với mức 8,6% của quý I/2024.
Đi sâu hơn vào cơ cấu, doanh thu bán lẻ hàng hóa - chiếm tới 76,8% tổng mức bán lẻ - ước đạt 1.311,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhiều nhóm hàng thiết yếu và có tính chất tiêu dùng thường xuyên ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội: nhóm hàng văn hóa - giáo dục tăng 13,3%, lương thực - thực phẩm tăng 10,1%, may mặc tăng 6,9%, và thiết bị gia dụng tăng 6,3%.
Những con số này không chỉ phản ánh mức sống dần ổn định của người dân, mà còn cho thấy tâm lý tiêu dùng đã lạc quan hơn sau giai đoạn thắt chặt chi tiêu kéo dài.
Xu hướng tích cực này cũng được phản ánh rõ ràng trong kết quả kinh doanh quý I/2025 của các doanh nghiệp bán lẻ lớn niêm yết trên sàn chứng khoán.

Thế Giới Di Động đang là những ông lớn dẫn đầu thị trường bán lẻ tại Việt Nam (Ảnh: MWG).
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) - một trong những "ông lớn" trong ngành, đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 36.135 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế đạt 1.548 tỷ đồng, tăng tới 71%, trở thành quý có lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này - chỉ sau kỷ lục được thiết lập vào quý IV/2021.
Không kém cạnh, FPT Retail (FRT) cũng cho thấy sự bứt phá rõ rệt khi công bố doanh thu hợp nhất đạt 11.670 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Riêng chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu tiếp tục đóng vai trò chủ lực, đóng góp 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 69% tổng doanh thu, tăng trưởng tới 46%. Lợi nhuận sau thuế đạt 212 tỷ đồng, cao gấp hơn 3,5 lần so với quý I/2024. Cùng với đó, kênh bán hàng trực tuyến cũng phát huy hiệu quả, đạt mức tăng trưởng 38%.
Không chỉ riêng nhóm bán lẻ điện máy - công nghệ, ngành bán lẻ tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng đang ghi nhận sự hồi sinh đáng chú ý. Tập đoàn Masan (MSN) - chủ sở hữu các thương hiệu tiêu dùng lớn như Vinacafe, Chin-su, MEATDeli, công bố doanh thu thuần hợp nhất quý I đạt 18.897 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế đạt 983 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi trụ cột trong hệ sinh thái Masan đều ghi nhận tăng trưởng:
Masan Consumer tiếp tục là động lực chính với doanh thu đạt 7.489 tỷ đồng (+14%), lợi nhuận hoạt động (EBIT) cũng tăng tương ứng lên 1.736 tỷ đồng.
WinCommerce (WCM) - đơn vị vận hành hệ thống siêu thị WinMart, ghi nhận doanh thu 8.785 tỷ đồng (+10%), và đã có lãi trở lại 58 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 74 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Hay Masan MEATLife (thương hiệu thịt mát của Masan) cũng đạt doanh thu 2.070 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế hơn 115 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn còn ghi nhận lỗ.
"Cửa sáng" cho cổ phiếu ngành bán lẻ
Với nền tảng là mức tăng trưởng doanh thu ổn định, lợi nhuận cải thiện rõ rệt và tâm lý tiêu dùng trong nước đang trở lại, giới đầu tư đang kỳ vọng cổ phiếu ngành bán lẻ sẽ bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.
Không chỉ được hậu thuẫn bởi nội lực doanh nghiệp, nhóm ngành này còn hưởng lợi từ nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ như: lãi suất thấp, chính sách kích cầu, tiêu dùng nội địa tăng và xu hướng tiêu dùng thay đổi theo hướng bền vững, tiện lợi hơn.

Thị trường bán lẻ, tiêu dùng được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025 (Ảnh minh họa).
Trong bối cảnh môi trường thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro và Việt Nam đang chịu mức thuế đối ứng lên tới 46% từ Mỹ, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025 đang dồn về khu vực có khả năng chống chịu tốt nhất: bán lẻ, tiêu dùng nội địa.
Không chỉ là "vùng đệm" giúp nền kinh tế giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, bán lẻ và tiêu dùng trong nước còn đang được kỳ vọng trở thành mũi nhọn tăng trưởng, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay. Và để làm được điều đó, loạt chính sách tài khóa hỗ trợ người tiêu dùng đã nhanh chóng được đưa ra, trong đó đáng chú ý là đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hầu hết các hàng hóa, dịch vụ phổ biến.
Theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, mức giảm 2% thuế GTGT sẽ áp dụng từ 1/7/2025 đến hết 31/12/2026, dành cho những mặt hàng đang chịu thuế suất 10%, ngoại trừ một số lĩnh vực đặc thù như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, bất động sản hay sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chính thức thống nhất với đề xuất này.
Chính sách giảm thuế không chỉ làm dịu đi chi phí tiêu dùng của người dân mà còn giúp doanh nghiệp bán lẻ tối ưu giá bán, kích thích sức mua và mở rộng quy mô thị trường. Đây được xem là "đòn bẩy kép" thúc đẩy tiêu dùng từ cả phía cung lẫn phía cầu - một yếu tố hiếm hoi có thể tạo tác động lan tỏa nhanh và rộng trong điều kiện kinh tế còn nhiều bất định.
Ở góc độ doanh nghiệp, việc giảm thuế sẽ giúp giảm áp lực chi phí đầu vào, tạo dư địa để các đơn vị điều chỉnh chiến lược giá, gia tăng cạnh tranh và mở rộng thị phần. Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ trực tiếp hưởng lợi khi giá hàng hóa - đặc biệt là nhóm thiết yếu - có khả năng giảm, từ đó kích thích hành vi mua sắm.
Bức tranh tiêu dùng nội địa không chỉ sáng lên nhờ các chính sách ngắn hạn, mà còn có nền tảng vững chắc từ các yếu tố dài hạn. Với quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng và sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng thương mại hiện đại, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Thêm vào đó, xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử và thanh toán số đang lan rộng không chỉ ở thành thị mà cả tại các khu vực nông thôn, ngoại thành. Người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng các mô hình bán lẻ hiện đại - tiện lợi - nhanh chóng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu mới để mở rộng quy mô hoạt động.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở được điều chỉnh tăng - một yếu tố quan trọng cải thiện sức mua của khu vực công và tác động lan tỏa sang nhiều nhóm ngành tiêu dùng, nhất là thực phẩm, hàng gia dụng và dịch vụ đời sống.
Tất cả những yếu tố này đang định hình lại thị trường tiêu dùng Việt Nam theo hướng năng động, hiện đại và bền vững hơn.