'Cửa sáng' chuyển dịch dòng vốn đầu tư công nghệ cao
Một số hãng chế tạo linh kiện điện tử của nước ngoài đang tiếp tục có chiều hướng mở rộng sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, là minh chứng cho việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư công nghệ cao. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã tạo nên sức hút lớn cho việc này.
Mới đây, Tạp chí Nikkei Asia (Nhật Bản) cho biết, hãng chế tạo linh kiện điện tử Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam với số vốn đầu tư khoảng 270 triệu USD và có thể sẽ sản xuất các linh kiện máy tính cá nhân.
Các hãng công nghệ “đón đầu” RCEP
Theo nhận định, Foxconn muốn tận dụng lợi thế từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hy vọng có thể đẩy mạnh năng lực sản xuất của hãng tại Việt Nam.
Hãng chế tạo linh kiện điện tử này đang lên kế hoạch sản xuất quy mô rộng lớn hơn tại Việt Nam và nhận lại một số lợi ích từ RCEP. Foxconn cũng sẽ sớm thành lập một công ty địa phương mới tại Việt Nam.
Ngoài ra, theo Nikkei, các "đối thủ" của Foxconn đến từ Đài Loan như Pegatron và Wistron cũng đã quyết định mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Những thông tin cách đây vài tháng cho thấy, Pegatron (nhà cung ứng linh kiện cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo…) đã bắt đầu hiện thực hóa kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong tương lai với khoản tài chính lên tới 1 tỷ USD.
Hải Phòng là lựa chọn yêu thích của nhà cung ứng linh kiện này. Pegatron đang làm thủ tục đầu tư cho dự án thứ hai, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải để sản xuất thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch). Sản phẩm của dự án sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo, Apple.
Hay như Wistron - nhà sản xuất laptop của Đài Loan, vào tháng 9/2020 đã động thổ khởi công nhà máy với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD tại tỉnh Hà Nam, chuyên về thiết kế, phát triển và sản xuất các sản phẩm truyền thông không dây. Đây là nhà máy thứ 2 của Wistron đầu tư tại Việt Nam sau nhà máy thứ nhất thuê nhà xưởng tại Bắc Ninh được thành lập hồi năm ngoái.
Nhiều ý kiến cho rằng, để “đón đầu” Hiệp định RCEP, nhiều hãng điện tử lớn của Đài Loan và là đối tác của Apple như Wistron, Pegatron hay Foxconn đang dịch chuyển vào đầu tư ở Việt Nam với khoản vốn đầu tư lớn.
Theo đánh giá, các khoản đầu tư lớn của các doanh nghiệp (DN) Đài Loan vào Việt Nam từ năm 2019 cho đến 2020 đang hướng mạnh vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Như hồi năm ngoái, hoạt động đầu tư của các DN Đài Loan vào các ngành sản xuất linh kiện điện tử, máy tính, điện tử và sản xuất quang học ở Việt Nam chiếm 22,1% trong tổng số đầu tư và tăng hơn 20% so với năm trước.
Bên cạnh đó, từ tác động của dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho một số tập đoàn điện tử lớn cũng đã tuyên bố rút lui khỏi Trung Quốc, chuyển sang khu vực Đông Nam Á đã mở ra cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Rộng cửa thu hút vốn ngoại
Và Việt Nam, với tư cách là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và RCEP, đã trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất của các nhà đầu tư công nghệ cao từ Đài Loan.
Còn theo Ts. John Walsh, Chủ nhiệm cấp cao ngành kinh doanh quốc tế Đại học RMIT, chắc chắn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng nhờ RCEP, nhưng dòng vốn đầu tư từ các nước khác tham gia Hiệp định cũng sẽ tăng lên.
Ts. John Walsh cho rằng, những thỏa thuận thúc đẩy thương mại điện tử và đầu tư như vậy sẽ giúp đẩy mạnh số hóa nền kinh tế Việt Nam và chuyển dịch sang xã hội không tiền mặt.
Bên cạnh đó, việc gia tăng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam thông qua RCEP cũng được đánh giá là khá triển vọng. Đặc biệt là khi các nước ASEAN trong tháng 11 này đã thống nhất đưa mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 23% vào năm 2025.
Theo lưu ý của Ts. John Walsh, việc gia tăng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam cần được kết hợp với những sáng kiến của Chính phủ nhằm đa dạng hóa nguồn và quy mô sản xuất năng lượng cho hệ thống điện quốc gia. Đây là những thay đổi vốn dĩ vẫn có thể đã diễn ra, nhưng sẽ thuận lợi hơn khi RCEP được thực thi.
Ngoài RCEP, FTA Việt Nam - EU (EVFTA) cũng được cho là có hiệu ứng tốt để thu hút các nhà đầu tư châu Âu trong lĩnh vực công nghệ cao.
Trong Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý III/2020 do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố, 1/3 số DN châu Âu trả lời khảo sát cho rằng hiệp định này là một phần quan trọng trong quyết định đầu tư vào Việt Nam của họ.
Theo đó, có 2 yếu tố hàng đầu được dự đoán sẽ thúc đẩy tăng trưởng là cắt giảm thuế quan và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư.
Chủ tịch EuroCham, ông Nicolas Audier cho biết, việc EVFTA được triển khai, thuế quan giảm và khả năng tiếp cận thị trường ngày càng quan trọng đối với các thành viên và sẽ giúp thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài mới từ EU vào Việt Nam trong tương lai.