Cuba - Xứ sở diệu kỳ

Cuba đang ở vào thời khó khăn nhất về kinh tế kể từ khi cách mạng thành công. Đó là nhận xét của những người bạn Cuba mà tôi gặp ở La Habana khi nói đến việc Mỹ mới đây đã siết lại cấm vận với đảo quốc vùng Caribbe này.

Không khó để kiểm chứng điều đó, dù bạn đang dạo bước trên quảng trường San Francisco hay ngồi nhâm nhi cà-phê bên kè biển Malecon. Rõ nhất là tới các cửa hàng “bách hóa tổng hợp”- nơi người dân xếp hàng chờ mua thực phẩm và đồ dùng thiết yếu. “Tuần này vợ tôi đã hụt mất phần khi xếp hàng mua trứng. Hai ngày nữa mới hy vọng đến lượt”. Một lái xe taxi đã kể về sự thiếu thốn thực phẩm từ mấy tháng nay.

Anh bạn người Cuba tên là Esteban Braulio dẫn chúng tôi ra bến cảng La Habana, nơi có những cầu tàu dài thăm thẳm, nhưng vắng bóng thuyền bè. “Nếu các bạn đến Cuba ba tháng trước, thì thấy bến cảng sôi động cả ngày lẫn đêm bởi thường xuyên có năm, ba tàu khách lớn đưa hàng nghìn người từ Florida (Mỹ) cập bến. - Giọng Esteban tiếc rẻ - Nhưng từ hai tháng nay các chuyến tàu này không đến nữa”. Đây là lý do khiến khu phố cổ vốn tấp nập du khách, giờ thưa vắng người qua, và tất nhiên, sinh kế của hàng nghìn người dân theo đó cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vẻ trầm ngâm của những bác xà ích bên những cỗ xe ngựa hay mùi xăng cháy từ những chiếc xe cổ mui trần rực rỡ nhưng vắng khách đã nói lên phần nào hệ quả của lệnh siết chặt cấm vận của chính quyền Mỹ.

Cuba là quốc gia bị Mỹ cấm vận một cách khốc liệt và lâu dài kể từ năm 1962, khi cuộc đổ bộ vào vịnh Con Lợn do họ hậu thuẫn thất bại. Mãi đến năm 2014, dưới thời Tổng thống B. Obama, hưởng ứng kêu gọi của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, Mỹ đã triển khai lộ trình bình thường hóa quan hệ với Cuba. Khi đó, du lịch là ngành tiên phong mở cửa và lượng người Mỹ đến Cuba tăng rất nhanh, đông thứ hai sau Canada và chủ yếu đi bằng tàu biển. Gần đây nhất, chỉ bốn tháng đầu năm 2019 có hơn 250 nghìn lượt du khách Mỹ đi tàu biển đến Cuba. Nhưng rồi vào ngày 5-6-2019, Tổng thống D.Trump đã bác quyết định của vị tiền nhiệm khi ban lệnh cấm tàu biển đưa khách đến Cuba, đóng lại cánh cửa vừa hé ra cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Lệnh cấm này lập tức khiến mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm nay của ngành du lịch Cuba khó đạt. Và như bình luận của hãng AFP: Đây là đòn giáng nặng nề đối với du lịch Cuba, có thể làm đảo quốc tổn thất hàng chục triệu USD mỗi năm. Nhiều chuyên gia cho rằng với lệnh cấm này Mỹ đã tiến công vào luật pháp quốc tế, hòng làm ngạt thở nền kinh tế và phá hủy mức sống của người dân Cuba để giành lấy những nhượng bộ về chính trị. Nhưng những người dân Cuba tôi gặp, như bác lái xe taxi hay anh bạn Esteban, đều bình thản: “Chúng tôi đã và vẫn sống chung với nó (chỉ sự cấm vận của Mỹ) như một kẻ hàng xóm xấu tính, chỉ đề phòng chứ không sợ”.

Sự bình thản của người dân gặp ở La Habana và không khí yên bình trong từng con phố mỗi sáng mai thức dậy khiến tôi tin rằng họ đã biết, đã quen “sống chung với cấm vận” hơn nửa thế kỷ qua. Và chính sự “sống chung” này đã dạy cho người Cuba cách tiến lên mà không phải đất nước nào cũng làm được. Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã và đang sa vào bẫy nợ của các nước lớn, có nguy cơ mất chủ quyền và phụ thuộc, thì Cuba là một hiện tượng để chính giới phải nghiêm túc suy ngẫm.

Anh bạn Esteban nói với tôi: “Dù Việt Nam là thiên đường của biển, nhưng các bạn đến Cuba thì không thể không tắm biển Cuba. Sẽ rất tuyệt vời đấy”. Lời gợi ý đã thôi thúc sự tò mò và lòng yêu quý để chúng tôi đi hơn 100 km về Varadero. Một khu du lịch lộng lẫy và độc đáo. Khi chạm chân vào nền cát trắng tinh, đắm mình trong làn nước xanh biếc, thấy đàn cá nhỏ lấp lánh dưới nắng và giật mình vì những chú hải âu đột ngột sà xuống ngay cạnh, mới hiểu vì sao những người bạn Cuba tự hào về những gì họ có. Lệnh cấm vận của Mỹ có vẻ không đến được nơi đây. Vị phó giám đốc phụ trách thông tin của Khu du lịch Varadero cho biết họ vừa khánh thành khách sạn Melia International của nhà đầu tư từ Tây Ban Nha tiêu chuẩn 6 sao, một trong 52 khách sạn lớn với quy mô 940 phòng có giá từ 250 đến 1.700USD/đêm, nay đã được đặt kín chỗ đến cuối năm. Đã có 11 tập đoàn lớn từ các quốc gia đầu tư vào hệ thống resort với tổng số 45 nghìn phòng nghỉ. Năm 2019 chắc chắn Varadero sẽ có hơn hai triệu lượt khách đến. Đúng hôm chúng tôi rời Cuba (15-8), ngành du lịch, mũi nhọn chiến lược thứ hai của nền kinh tế nước này đã đón vị khách quốc tế thứ ba triệu. Sự lộng lẫy của Varadero là một trong nhiều cách để người Cuba quyến rũ nhà đầu tư nước ngoài cũng như khách du lịch trên khắp thế giới, bất chấp cấm vận của Mỹ.

Tôi đã đến pháo đài El Morro nhìn ra cảng La Habana, nơi mỗi tối đúng 8 giờ, những khẩu đại bác cổ lại gầm lên, tái hiện lệnh đóng cửa tàu bè ra vào thành phố hồi thế kỷ 17. Tôi cũng đã dạo quanh phố cổ, bước chân trên những “viên đá” bằng gỗ trước dinh thự của ngài toàn quyền Tây Ban Nha rồi ngỡ như mình lạc về một thành phố cổ xưa của châu Âu. Vẻ tráng lệ của La Habana càng sinh động khi được tô điểm bởi những chiếc xe cổ. Phương Đông có câu “người cùng thì thơ hay”, người Cuba có lẽ cũng thế khi họ đối xử với những chiếc Cadillac, Ford, Chevrolet có từ những năm 50 của thế kỷ trước. Thay vì vứt vào đống sắt vụn như một thứ phế liệu, họ đã tìm cách tái sinh chúng để giải quyết nhu cầu phương tiện, vì cuộc sống khó khăn không dễ dàng sắm một chiếc xe hiện đại. Không ngờ những phương tiện cổ lỗ được tận dụng ấy khi lăn bánh giữa những bức tường cổ lại trở thành tuyệt phẩm của nghệ thuật sắp đặt, tạo nên sự độc đáo riêng có của nơi này.

Một người thợ cuốn cigar ở Pinar del Rio.

Một người thợ cuốn cigar ở Pinar del Rio.

Cuba có những thức vị mà du khách nào cũng muốn tận hưởng khi đến đây, là cigar, rượu rum và những vũ điệu đặc trưng vùng Caribbe. Chúng tôi đã đến thung lũng Vinales ở tỉnh Pinar del Rio, nơi được coi là vương quốc của những điếu cigar ngon nhất thế giới và nghe những người trồng thuốc lá kể về công việc của họ. Còn ở thị trấn Cadenas nằm ở tỉnh Matanzas, chúng tôi được nếm thử những loại rượu rum nổi tiếng và xem người ta chế rượu từ bã mía, loại rượu xa xưa được cướp biển vùng Caribbe ưa chuộng. Ông chủ xưởng còn kể cho chúng tôi giai thoại khiến rượu rum vùng này nổi tiếng. Rằng khi trục vớt những chiếc tàu bị đắm ở Caribbe hàng trăm năm trước, người ta đã tìm thấy những thùng rượu của vùng Cadenas mà độ thơm ngon khiến giới thượng lưu Âu - Mỹ đứng ngồi không yên. Tôi cũng nhìn thấy trên kệ quán rượu ở phố cổ La Habana hay cửa hàng bán cigar ở khu du lịch Varadero những chai rum dành cho giới sành điệu mang tên “Santiago 500” có giá lên tới 3.000 USD hoặc những điếu cigar “Behike” cỡ 56 được làm thủ công cầu kỳ của hãng Cohiba với giá vài trăm CUC (tiền Cuba, 1USD= 0,87CUC). Thế mới thấy, trong hoàn cảnh khó khăn người Cuba vẫn có cách để làm hài lòng du khách, dù là thương nhân giàu có hay những người đến từ tầng lớp bình dân. Cũng như mỗi người dân mà tôi gặp ở Cuba, họ đều tự biết cách hài lòng với những gì mình có và nỗ lực vượt qua khó khăn.

Nữ nhà báo Marta Rojaz năm nay 91 tuổi - người từng đến Việt Nam hơn hai mươi lần - kể cho chúng tôi những câu chuyện xúc động. Lần đầu tiên bà đến Việt Nam qua ngả Campuchia vào chiến khu Tây Ninh năm 1965. Bà vẫn vẹn nguyên tình cảm thủy chung và theo dõi sự đổi thay ở Việt Nam. Câu chuyện của bà cho thấy rõ một Cuba kiên cường và tỏa sáng. Thế giới đang chứng kiến một Cuba khó khăn nhưng không hề kiệt quệ. Kể từ khi chính sách cấm vận của Mỹ bắt đầu cho đến nay, dù tổn thất ước tính hàng nghìn tỷ USD, Cuba vẫn là nỗi ghen tỵ của những quốc gia giàu có. “Chúng tôi tập trung đầu tư cho y tế và giáo dục. Riêng giáo dục chiếm 12,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tất cả mọi người dân đều được chăm sóc y tế miễn phí và ở Cuba cứ 1.000 người dân thì có tám bác sĩ. Người dân Cuba là những người hạnh phúc và tuổi thọ trung bình của chúng tôi vào loại cao nhất thế giới với 79 tuổi”.

Với những thành tựu vượt trội về y tế, Cuba đã gửi hàng nghìn thầy thuốc đến các nước xa xôi, nghèo đói trên thế giới, nhất là khu vực Mỹ la-tinh, châu Phi và châu Á. Nhân loại vẫn chưa quên năm 2014, đại dịch Ebola hoành hành ở châu Phi. Cuba đã cử hàng trăm thầy thuốc đến nhiều quốc gia trực tiếp cứu trợ và tập huấn. Nhiều người dân Mỹ cũng không thể quên trận bão Katrina năm 2005, họ được cứu sống nhờ những thầy thuốc từ Cuba vượt biển kịp thời có mặt. Hình ảnh những thầy thuốc Cuba lăn lộn khắp các điểm nóng trên thế giới hôm nay là sự tiếp nối của những bác sĩ Che Guevara năm xưa, sẵn sàng xả thân vì sự sống và hạnh phúc con người như những hiệp khách thời đại. Bởi vậy, dù không nổi tiếng về kim tiền hay vũ khí hủy diệt, nhưng đất nước Cuba xứng đáng là một “cường quốc” của lòng nhân ái.

Những đồng nghiệp ở Cuba nói với chúng tôi rằng, hình ảnh Việt Nam hôm nay thật sự hấp dẫn họ. “Đổi mới hay là chết! Tinh thần của các bạn Việt Nam rất là…Che Guevara”. Và chúng tôi được nghe câu chuyện về sự nỗ lực cải thiện nền kinh tế của Cuba với đường lối cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội được Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Cuba đề xướng. Trong đó, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng kinh tế tư nhân đã đưa đến cho Cuba sự chuyển biến bước đầu quan trọng và có vẻ việc thu hút và giải phóng nguồn lực để phát triển đang là chủ đề nóng trong đời sống người dân Cuba.

Một người bạn ở báo Granma cho chúng tôi hay, cũng có người lo ngại chính sách mới sẽ ảnh hưởng đến bản chất nhà nước xã hội chủ nghĩa. Các thế lực chống phá thì gieo rắc luận điệu “hậu Castro”, rằng Cuba sẽ “đổi mầu” khi mở cửa cải cách kinh tế. Thay vì giải thích, anh chỉ cho tôi xem bức ảnh phóng to treo trong hội trường lớn. Đó là bức chân dung vị Anh hùng giải phóng dân tộc Cuba Jose Marti được photoshop thành nhiều Jose Marti, điệp trùng như một đạo quân, ở dưới có dòng chữ lớn “Cuba PostCastro”, (Cuba hậu Castro). Hàm nghĩa dù Fidel đã đi xa, nhưng tinh thần dân tộc, bản lĩnh kiên cường và lòng nhân ái từ Jose Marti đến Che Guevara rồi Castro vẫn luôn tỏa sáng trên đất nước Cuba.

Lúc tạm biệt Cuba, Esteban Braulio hát cho chúng tôi nghe ca khúc Guantanamera: “Hỡi em, người con gái Guantanamo. Tôi là người chân thật, đến từ những hàng dừa. Thơ của tôi sáng xanh và rực lửa. Tôi không trồng gai góc. Tôi trồng hoa hồng trắng”... Esteban nói, bản tình ca của người Cuba có thể hát lúc vui cũng như lúc buồn nhưng lúc nào cũng nông nàn say đắm. Thế nên người Cuba luôn biết cách thích ứng mọi hoàn cảnh, bởi họ mãi vẹn nguyên những giá trị lâu dài bất biến, như thân tàu vẫn luôn vững chãi trước mọi bão táp phong ba…

Câu chuyện của đất nước Cuba hôm nay khiến tôi nhớ về hình ảnh con tàu giải phóng Granma hơn 60 năm trước. Dù tổn thất nặng nề, chỉ còn vỏn vẹn 12 chiến binh nhưng Fidel và đồng đội đã vượt mọi hy sinh, gian khổ xây dựng lực lượng lớn mạnh để ba năm sau làm một cuộc quyết chiến rung chuyển địa cầu, đưa Cuba thành hòn đảo của Tự do. Con tàu cách mạng năm ấy giờ đã thành một chiến hạm sừng sững giữa biển bao la, trở thành biểu tượng của tự do, hòa bình và lòng nhân ái.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phong-su/phong-su-ghi-chep/item/41464802-cuba-xu-so-dieu-ky.html