Cục diện thị trường tài chính đang thay đổi khi FED có thể chưa hạ lãi suất
Các công cụ dự báo cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ chưa hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 3 này. Việc FED chậm lộ trình hạ lãi suất so với các dự báo hồi cuối năm 2023 có thể khiến cho các bối cảnh kinh tế tài chính quốc tế và những ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi.
Lộ trình giảm lãi suất có thể chậm lại
Công cụ FEDWatch dự báo hành động của FED cho thấy khả năng cơ quan này vẫn giữ nguyên lãi suất 5,25 - 5,5% như hiện nay, sau cuộc họp cuối tháng 3/2024 là 94%, tương ứng với xác suất giảm lãi suất chỉ là 6%. Tỷ lệ này đã đảo lộn hoàn toàn so với những dự báo từng được giới tài chính quốc tế đưa ra hồi cuối năm 2023. Khi đó, công cụ FEDWatch hồi tháng 12/2023 từng có lúc cho thấy khả năng FED hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 3 lên tới 80%.
Với tỷ lệ dự báo như hiện tại, giới tài chính gần như nắm chắc khả năng chưa có thay đổi gì về lãi suất của Mỹ trong tháng 3 và ngay cả sau 2 tháng nữa. Tức là khả năng FED giảm lãi suất vào tháng 5/2024 cũng là điều khá mong manh.
FEDWatch đưa ra tỷ lệ phán đoán tới 72,7% khả năng FED vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5% và tháng 5/2024 khả năng hạ lãi suất xuống mức 5 - 5,25% chỉ là 25,9%. Chỉ đến tháng 6/2024, các con số dự báo mới cho thấy có sự thay đổi đáng kể khi FEDWatch cho biết có 56,5% khả năng FED hạ lãi suất xuống mức 5 - 5,25% trong cuộc họp tháng 6 và tỷ lệ khả năng FED vẫn giữ nguyên lãi suất vào tháng 6 giảm xuống chỉ còn 25,2%.
Trước đó tại cuộc họp cuối tháng 1/2024, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu và điều này cũng nằm trong dự đoán của giới tài chính quốc tế. Trước khi đưa lãi suất lên mức đỉnh 5,25 - 5,5% cũng là mức cao nhất 22 năm, FED đã nâng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát. Lạm phát tại Mỹ hiện đã chậm lại đáng kể so với đỉnh 40 năm hè năm 2022. Điều này đồng nghĩa với khả năng FED có thể giảm lãi suất trong năm 2024, tuy nhiên, thời điểm giảm lãi suất là khi nào đến nay vẫn là ẩn số đối với thị trường.
Thị trường vẫn rất khó lường
" style title="Cục diện thị trường tài chính đang thay đổi khi FED có thể chưa hạ lãi suất">
Đối với Việt Nam, hồi đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã đưa ra những đánh giá cho thấy bối cảnh quốc tế chứa đựng khá nhiều yếu tố khó lường và đây cũng là thách thức không nhỏ.
Một trong những diễn biến khác nhau trong bối cảnh giai đoạn cuối 2023 và thời điểm hiện tại là những động thái bùng nổ của giá vàng. Cụ thể hồi tháng 12/2023, giá vàng thế giới từng bước vào một đợt cao trào, có lúc vọt lên trên 2.100 USD/ounce. Khi đó, thị trường đang đặt kỳ vọng khá cao vào khả năng FED sớm hạ lãi suất vào đầu năm 2024 (với tỷ lệ dự báo khả năng hạ lãi suất trong tháng 3/2024 lên tới 80%). Theo đó, giá vàng bùng nổ thời điểm đó hoàn toàn có cơ sở do nhà đầu tư đặt kỳ vọng về việc nếu lãi suất giảm sớm có thể sẽ làm giảm giá đồng USD và khiến dòng tiền chuyển dịch từ các công cụ tài chính có lãi suất cố định sang trú ẩn vào vàng.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã có nhiều yếu tố khác. Các dự báo về khả năng lãi suất của FED đã lùi chậm hơn khá nhiều so với trước và đồng USD đã tăng giá so với cách đây 3 tháng, nhưng thị trường vàng quốc tế vẫn bước vào thời điểm thậm chí còn sôi sục hơn giai đoạn cuối năm 2023. Giá vàng thế giới liên tục phá vỡ các kỷ lục và đến sáng ngày 8/3 đã đạt mốc trên 2.155 USD/onuce.
Trong khi đó, trái với dự báo của giới phân tích và giới đầu tư hồi cuối năm ngoái, đồng USD hiện chưa có dấu hiệu suy yếu. Dù phải chịu áp lực từ những đồn đoán về việc FED cắt giảm lãi suất, chỉ số đồng USD vẫn tăng khoảng hơn 2% so với tháng 12/2023.
Với các chính sách trong nước, đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đưa ra nhận định về những yếu tố khó lường từ thị trường quốc tế. Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này cho rằng, bối cảnh năm 2024 kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng... Các yếu tố đó đều tác động tới nền kinh tế nước ta nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.
Trong khi đó ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank, dự đoán thời gian tới các yếu tố kinh tế có sẽ vẫn có rất nhiều khó khăn. Trong đó, nền kinh tế trong nước sẽ hồi phục, nhưng tốc độ hồi phục chậm và có thể phải sang quý III hoặc quý IV/2024 mới thể hiện sự phục hồi rõ ràng.
Giá vàng trong nước tiếp tục thiết lập kỷ lục
Theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tiếp tục thiết lập các kỷ lục mới.
Sáng ngày 8/3, giá vàng miếng SJC 9999 có lúc đã đạt tới mức bán ra là 81,8 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng có giảm chút ít nhưng cũng vẫn vẫn ở mặt bằng rất cao, với giá mua vào là 79,5 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 81,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn cũng tăng cao liên tục và sáng ngày 8/3 ghi nhận mức giá mua vào là 67,05 triệu đồng/lượng và bán ra là 68,3 triệu đồng/lượng.