Cục Quản lý thị trường TPHCM: Thiếu xăng dầu còn do các cửa hàng nợ tiền

Các cửa hàng không cung cấp xăng dầu cho người tiêu dùng ngoài bị thiếu nguồn cung còn do thiếu công nợ đối với đơn vị cung ứng do vay nợ, hoặc chưa trả nợ nên đơn vị cung ứng không cung cấp dẫn đến thiếu hụt xăng dầu.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu nợ tiền đơn vị cung ứng

Chia sẻ với báo chí về tình hình cung ứng xăng dầu vào chiều 3.11, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, hiện TP có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trên tổng số 34 doanh nghiệp đầu mối của cả nước. Thành phố có 60 thương nhân phân phối và 1 thương nhân làm tổng đại lý. Trên địa bàn TP và các tỉnh phía Nam có 146 thương nhân phân phối trên tổng số 332 thương nhân phân phối của cả nước. Thành phố có 29 cửa hàng bán lẻ, 550 cửa hàng xăng dầu.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM chia sẻ với báo chí về tình trạng thiếu xăng dầu trên địa bàn TP vào chiều 3.11- Ảnh: PV

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM chia sẻ với báo chí về tình trạng thiếu xăng dầu trên địa bàn TP vào chiều 3.11- Ảnh: PV

Qua công tác kiểm tra, xử lý và theo dõi tình hình thực tế thị trường xăng dầu trên thị trường trong thời gian qua tại thành phố cho thấy, vẫn còn tình trạng thiếu nguồn xăng dẫn tới tình trạng một số cửa hàng không có xăng để bán. Đến ngày 3.11, toàn TP có 65 cửa hàng không đủ xăng dầu, trong đó có 2 cửa hàng hết cả xăng và dầu. Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên giám sát và kiểm tra làm rõ nguyên nhân.

“Việc thiếu xăng dầu không phải do tình trạng găm hàng. Những cửa hàng không bán là do không còn xăng dầu trong bồn chứa trong quá trình kiểm tra cụ thể. Tất cả các cửa hàng đều báo cáo đã đặt hàng và đang trong thời gian chờ xác nhận từ đầu mối để cung cấp nguồn xăng dầu cho cửa hàng của họ”- ông Đạt cho biết.

Tuy nhiên theo ông Đạt, qua kiểm tra nguyên nhân các cửa hàng không cung cấp xăng dầu cho người tiêu dùng ngoài bị thiếu nguồn cung, lực lượng chức năng còn phát hiện những cửa hàng này thiếu công nợ đối với đơn vị cung ứng do vay nợ, hoặc chưa trả nợ nên đơn vị cung ứng không cung cấp dẫn đến thiếu hụt xăng dầu. “Như vậy có thể thấy, việc thiếu hụt xăng dầu không chỉ là do thiếu nguồn cung mà còn do các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa trả nợ cho đơn vị cung ứng”- ông Đạt nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không việc TP thiếu xăng dầu là do phụ thuộc vào nguồn xăng lậu, ông Đạt cho rằng để đánh giá việc xăng lậu có ảnh hưởng đến nguồn cung dẫn đến thiếu xăng dầu như hiện nay ở TP cần nhiều thời gian để đánh giá; cần có nghiên cứu, điều tra của cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an. “Đây là vấn đề lớn, không một cơ quan nào có thể đánh giá thấu đáo một cách khách quan, chính xác được”- ông Đạt nói.

Tuy nhiên, ông Đạt thừa nhận hành vi nhập lậu và kinh doanh xăng dầu nhập lậu là đang có trong thực tế.

“Hệ thống xăng dầu tại TP nằm trong tổng thể hệ thống xăng dầu của cả nước. Các doanh nghiệp xăng dầu mua bán, phân phối theo hệ thống của mình tùy theo quy mô, mức độ. Việc xăng dầu nhập lậu, chắc chắn đó là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện đã có phiên tòa đưa ra xét xử những đường dây nhập lậu xăng dầu. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đang nghiên cứu và đang xét xử”- ông Đạt chia sẻ.

Chưa phát hiện xăng dầu giả

Theo Cục Quản lý thị trường TPHCM trong 3 ngày gần đây, số lượng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu hụt nguồn hàng có giảm đi. Cụ thể ngày 1.11 có 111 cửa hàng thiếu xăng dầu; đến ngày 2.11 xuống còn 87 cửa hàng và đến ngày hôm nay ( 3.11) chỉ còn 65 cửa hàng.

Sự ổn định trong cung ứng xăng dầu đang có xu hướng ngày càng tăng. Trong 2 ngày qua đã có thêm 24 cửa hàng đã nhập được xăng.

Tình trạng tạm hết xăng dầu rải đều ở hầu hết các quận huyện, nhưng tại các quận trung tâm tình trạng đảm bảo cung ứng tốt hơn, vùng ven các cây xăng bị thiếu hụt cao hơn. Tuy nhiên, không có địa bàn nào bị trắng, không có cây xăng phục vụ, không xảy ra tình trạng cạn kiệt nguồn gây xáo trộn hoạt động sản xuất, đời sống của người dân.

Về công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, ông Đạt cho biết, Cục quản lý thị trường đã kiểm tra 12 doanh nghiệp lấy đột xuất 89 mẫu xăng dầu các loại để giám định đánh giá chất lượng. Trong đó có 88 mẫu đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, có 1 mẫu chưa đảm bảo nhưng không phải do pha trộn mà do quá trình vận chuyển, bảo quản không đảm bảo. Chưa phát hiện dấu hiệu pha trộn trái phép hoặc xăng dầu giả trên địa bàn TPHCM.

Trong 10 tháng đầu năm 2022 các đội quản lý thị trường thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, trong đó lưu ý đến hành vi xăng dầu nhập lậu, xăng dầu giả, không đảm bảo chất lượng. Qua kiểm tra 89 vụ đã xử lý 9 vụ vi phạm với số tiền phạt gần 200 triệu đồng. Các hành vi vi phạm cơ bản là vi phạm hành chính.

Trong tháng 10 kiểm tra 3 vụ có 1 vụ vi phạm với hành vi ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý có thẩm quyền chấp thuận, hoặc không thông báo theo quy định.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cuc-quan-ly-thi-truong-tphcm-thieu-xang-dau-con-do-cac-cua-hang-no-tien-189114.html