Cục Thuế Bình Định: 3 điểm sáng trong công tác thuế nửa đầu năm
Trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, Cục thuế Bình Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý định hướng mở bằng công nghệ; triển khai các gói tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và số hóa công tác quản lý thuế. Đây là 3 điểm sáng góp phần giúp đơn vị hoàn thành đa mục tiêu trong nửa đầu năm.
Miễn, giảm hơn 347 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí
Theo Cục Thuế Bình Định, tính đến 30/6, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 4.610,9 tỷ đồng. Nếu loại trừ tiền sử dụng đất, thu được 3.372 tỷ đồng, đạt 47,8% dự toán, giảm 7,1% cùng kỳ. Trong đó: khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh thu được 1.372,3 tỷ đồng, đạt 51,8% dự toán, giảm 8,3% so với cùng kỳ.
Có 8/17 khoản thu, sắc thuế đạt khá (từ 50% trở lên) như: tiền bán nhà (1.358,5%); cổ tức lợi nhuận được chia (285,8%); thu tại xã (104,7%); thuế thu nhập cá nhân (75,9%); thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (71,6%); xổ số kiến thiết (60,7%); phí - lệ phí (55,3%); khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh (51,8%).
Thời gian qua, Cục Thuế Bình Định tiếp tục triển khai nhiều giải pháp vừa hỗ trợ cho công tác quản lý thu thuế, vừa hỗ trợ người dân và DN. Theo đó, cục thuế tỉnh tiếp tuc hoàn thiện mô hình quản lý định hướng mở bằng công nghệ.
Chọn công nghệ là “chìa khóa” cốt lõi trong việc xây dựng một nền hành chính thuế phục vụ đã giúp ngành thuế tỉnh Bình Định hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế, quan trọng nhất là định hướng được lối đi riêng với mô hình “quản lý thuế định hướng mở bằng công nghệ”.
“Quả ngọt” này không chỉ thúc đẩy sự thành công trong công tác chuyên môn, mà đặc biệt giúp Cục Thuế Bình Định “định vị” vị trí tiên phong, dẫn đầu của ngành trên bản đồ thuế quốc gia.
Cùng với đó, Cục Thuế Bình Định đã tích cực, trách nhiệm trong triển khai các gói tài khóa, hỗ trợ DN, hộ kinh doanh. Cục thuế đã linh hoạt, khéo léo chuyển đổi cách thức triển khai - chỉ đạo toàn đơn vị tiếp tục triển khai các gói chính sách tài chính đảm bảo đạt đa mục tiêu.
Tính đến 31/5/2023, tổng số thuế, phí, lệ phí miễn, giảm cho tổ chức, DN theo chính sách của Quốc hội, Bộ Tài chính ban hành là: 347,2 tỷ đồng (giảm 50% thuế BVMT mặt hàng xăng dầu theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 là 286 tỷ đồng, giảm 30% tiền thuê đất thuê mặt nước năm 2022 theo Nghị quyết 07/NQ-CP là 61,2 tỷ đồng). Tính đến 20/6/2023 đã giải quyết gia hạn cho 1.104 DN theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất của năm 2023 với số thuế gia hạn là 296,7 tỷ đồng.
Để DN không bị lúng túng trong việc xác định nhóm hàng hóa được giảm thuế GTGT theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ, ngay khi chính sách vừa được ban hành, bên cạnh việc truyền thông nhanh chóng và kịp thời toàn văn nghị định, cục thuế đã biên tập ngắn gọn 30 văn bản hướng dẫn từng ngành nghề đã gặp vướng mắc trong việc xác định của năm 2022 để người nộp thuế (NNT) dễ nắm bắt thực hiện. Đồng thời nâng cấp công cụ hỗ trợ tra cứu ngành nghề được giảm thuế (đăng tải trên Cổng giao tiếp điện tử) để NNT thuận lợi trong việc xác định.
Lãnh đạo cục thuế chỉ đạo toàn đơn vị theo dõi, đánh giá, thống kê các khoản thu được gia hạn để đôn đốc các DN khi đến hạn nộp. Đồng thời, bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, dự báo nguồn thu có biến động tăng giảm để có giải pháp khai thác nguồn thu phát sinh kịp thời, bù đắp các khoản giảm thu, hụt thu, phấn đấu đạt và vượt tiến độ thu ngân sách theo tháng, theo quý được giao.
Tự động hóa các bài toán nghiệp vụ tăng thu hàng tỷ đồng
Tiếp nối những thành công từ các năm trước, năm 2023 tiếp tục là năm đánh dấu việc Cục Thuế Bình Định tiếp tục đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế, trọng tâm là hóa đơn điện tử:
Tiếp đà ứng dụng công nghệ để truy lùng gian lận và chống thất thu trên nhiều các lĩnh vực, đặc biệt là hóa đơn điện tử - Cục Thuế Bình Định tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hàng loạt chức năng mới trên các ứng dụng: “Tổng hợp, giám sát hồ sơ khai thuế”(QGS), “Hỗ trợ quản lý hóa đơn điện tử”(QHD) và “Ứng dụng quản lý hộ, cá nhân kinh doanh”(QCN)...
Về thanh kiểm tra, tổng số tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra lên đến 13,6 tỷ đồng, giảm khấu trừ 4,5 tỷ đồng, giảm lỗ 5 tỷ đồng; trong đó, số thuế tăng thu thông qua việc phân tích, kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế là 10,9 tỷ đồng, giảm khấu trừ 4,2 tỷ đồng, giảm lỗ 4,8 tỷ đồng.
Kết quả tăng thu thông qua việc tự động hóa các bài toán nghiệp vụ: điều chỉnh tăng số thuế phải nộp là 2,83 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lỗ 58,2 triệu đồng qua công cụ rà soát giảm 30% thuế TNDN chưa đúng quy định; điều chỉnh tăng số thuế phải nộp thêm 213 triệu đồng qua công cụ rà soát các trường hợp khấu trừ sai thuế TNCN năm 2022; điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán tăng thêm 3,4 tỷ đồng với số thuế phải nộp tăng tương ứng 117,1 triệu đồng/tháng.
Kết quả rà soát, xử lý các trường hợp có dấu hiệu rủi ro liên quan đến hóa đơn điện tử theo 11 văn bản cảnh báo: đến 31/5/2023, toàn đơn vị đã chuyển 15 DN thuộc diện chuyển tin báo tội phạm và 1 DN để điều tra, xử lý đối với hành vi trốn thuế sang Cơ quan Công an.
Ban hành thông báo ngừng sử dụng HĐĐT theo quy định đối với 5 DN; tổ chức kiểm tra tại trụ sở đối với 4 DN, kết quả tăng thu vào ngân sách 4,9 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 3,75 tỷ đồng. Rà soát, phát hiện các DN xuất hóa đơn có chiết khấu thương mại điện tử nhưng chưa kê khai, nộp thay với tổng số tiền thuế là 207 triệu đồng.
Đáng chú ý, đối với nội dung rà soát, cảnh báo đến các DN có sử dụng hóa đơn mua vào của các DN/hộ kinh doanh bỏ trốn trên toàn quốc, đến 31/5/2023, đã có 271 DN tự giác điều chỉnh, kê khai tăng thu NSNN với số tiền tăng thu là 2,9 tỷ đồng thuế GTGT, giảm số thuế khấu trừ là 4,6 tỷ đồng.
Triển khai eTaxMobile, tính đến 27/6/2023, đã có 36.709 cá nhân được cấp tài khoản giao dịch điện tử, trong đó có 9.390 NNT sử dụng eTaxMobile để giao dịch nộp thuế với tổng số tiền nộp thuế thành công qua ứng dụng là 13,9 tỷ đồng (6.666 giao dịch).
Lập 27.513 HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền với tổng giá trị thanh toán là 86,5 tỷ đồng
Triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền giai đoạn II, lũy kế đến thời điểm báo cáo, tổng số DN, hộ kinh doanh trên cả nước đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thành công là 427/620, đạt 97% kế hoạch 6 tháng; trong đó, có 202/427 DN, hộ kinh doanh đã thực hiện lập hóa đơn, đạt tỷ lệ 47,3% số đã đăng ký, với tổng số hóa đơn đã lập là 27.513 hóa đơn, tổng giá trị thanh toán là 86,5 tỷ đồng.