Cục trưởng Cục Việc làm: Dù học ở trường nghề, SV ra trường vẫn phải đào tạo lại

Thị trường Việt Nam có trên 50 triệu lao động nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 26,2%, tức là cứ 4 lao động chỉ có 1 người được đào tạo kỹ năng nghề

Theo thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, thị trường Việt Nam có trên 50 triệu lao động nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 26,2%, tức là cứ 4 lao động chỉ có 1 người được đào tạo kỹ năng nghề. Có ý kiến cho rằng sự mất cân bằng này dẫn đến nhiều hệ lụy dù tổng số lao động trong độ tuổi lao động trên cả nước rất lớn nhưng chất lượng, trình độ lại hạn chế và liên tục biến động.

Lý giải nguyên nhân nhiều nhà máy, doanh nghiệp thiếu lao động phổ thông và lao động có tay nghề, kỹ thuật, trong tọa đàm phát triển thị trường lao động diễn ra trên VTV1 ngày 14/9, Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho hay, Việt Nam thu hút đầu tư rất mạnh, trong thời gian vừa qua khi các địa phương khác phát triển và thu hút lao động địa phương quay trở lại làm việc dẫn việc các địa bàn như vùng Đông Nam Bộ, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh thiếu lao động phổ thông.

Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm. Nguồn: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm. Nguồn: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Trước thực trạng trong 4 lao động chỉ có 1 người có chứng chỉ nghề như hiện nay, Tiến sĩ Vũ Trọng Bình cho rằng, số lượng lao động tăng nhưng lao động kỹ thuật nghề giảm. Vấn đề nằm ở quá trình đào tạo, phân luồng học sinh trung học cơ sở. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường nghề không tăng trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp tăng cao điều này cho thấy việc phân luồng học sinh, định hướng nghề nghiệp chưa được thực hiện tốt, tuyển dụng và tuyển sinh chênh lệch quá nhiều ở từng địa phương.

“Ở các nước, số lượng học sinh vào trường nghề áp đảo số lượng vào đại học nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, 500.000-700.000/ 1 triệu học sinh tốt nghiệp phổ thông vào đại học. Điều này tạo áp lực cạnh tranh với học sinh trường nghề. Khiến đầu vào của trường nghề khó khăn”, Cục trưởng Cục Việc làm nói.

Thực tế, nhiều sinh viên dù đã trải qua đào tạo ở trường nghề, tuy nhiên khi ra làm việc ở nhà máy, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại từ đầu.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Trọng Bình cho hay, thời gian qua, có một số trường nghề chất lượng cao nhưng rất ít. Việc đầu tư và thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào đầu tư giáo dục nghề nghiệp rất hạn chế. Nhìn tổng thể các trường nghề ở Việt Nam hiện nay còn lạc hậu so với nhu cầu của thị trường. Máy móc ở trường nghề để sinh viên thực hành so với máy móc ở trong các doanh nghiệp rất khác biệt, khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Cục trưởng Cục Việc làm nhấn mạnh, để cải thiện tình trạng thiếu lao động nghề hiện nay là phải tổ chức kiên quyết phân luồng học sinh từ phổ thông cơ sở để các em đi học trường nghề.

“Với cơ chế khuyến khích liên thông lên đại học trong khối nghề sẽ giúp trường nghề thu hút được học sinh. Đây là nút thắt mà nếu giải quyết được thì mỗi năm thị trường lao động Việt Nam có thể có 500.000-700.000 lao động vào thị trường. Hơn nữa, người lao động vào thị trường lao động sớm hơn 3 năm và đây là một trong những yếu tố quyết định để nước ta tăng lực lượng lao động lên.

Nếu đổi mới được công tác phân luồng thì thị trường lao động sẽ phát triển cả về chất lượng và số lượng”, Tiến sĩ Vũ Trọng Bình nói.

Anh Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cuc-truong-cuc-viec-lam-du-hoc-o-truong-nghe-sv-ra-truong-van-phai-dao-tao-lai-post229611.gd