Cúm A/H5 ở người nguy hiểm như thế nào?
Cúm A/H5 có 9 loại, trong đó H5N1 là loại nguy hiểm nhất. Cúm A/H5 không phải bệnh phổ biến ở người, nhưng cần được kiểm soát để phòng ngừa phát triển thành dịch bệnh.
Vào ngày 20/10, nước ta ghi nhận một bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ dương tính với cúm A H5. Trước đó, ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ.
Đến ngày 7/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, sau đó nhập viện và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. Đến khi được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân được xét nghiệm và chẩn đoán dương tính với cúm A/H5.
Vậy cúm A/H5 có nguy hiểm không? Bệnh có thể trở thành dịch bệnh ở người không? Làm thế nào để phòng tránh cúm A/H5.
1. Cúm A/H5 là gì?
Cúm A/H5 được gọi là cúm gia cầm, là bệnh nhiễm virus có thể lây nhiễm không chỉ cho chim, gia cầm mà còn cả người và các động vật khác.
Cúm A/H5 bao gồm 9 loại: H5N1, H5N2, H5N3, H5N4, H5N5, H5N6, H5N7, H5N8 và H5N9. Trong đó, H5N1 là dạng cúm gia cầm phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng đến con người và động vật khác khi tiếp xúc với mầm bệnh.
Hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy virus A/H5 có khả năng lây lan qua tiếp xúc giữa người với người. Hầu hết nguồn lây từ gia cầm sang con người. Tuy nhiên, Tiến sĩ Shigeru Omi, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cho biết: "Chúng tôi thực sự lo lắng về khả năng virus gia cầm có thể có đầy đủ khả năng truyền từ người này sang người khác". Vì vậy, khi tiếp xúc với người nhiễm cúm A/H5, mọi người vẫn nên cẩn trọng, tránh tiếp xúc trực tiếp và trong thời gian dài đối với người bị bệnh.
Một số chuyên gia lo ngại rằng cúm A/H5, đặc biệt H5N1 có thể có nguy cơ trở thành mối đe dọa đại dịch đối với con người. Nếu dịch cúm A/H5 bùng phát ở gia cầm, nguy cơ con người bị nhiễm bệnh là rất cao.
2. Triệu chứng của bệnh cúm A/H5
Nếu khi nhiễm các loại cúm A/H5, bạn có thể xuất hiện các dấu hiệu giống như cúm thường:
- Ho
- Tiêu chảy
- Khó thở
- Sốt (trên 100,4 ° F hoặc 38 ° C)
- Đau đầu
- Đau cơ
- Khó chịu
- Sổ mũi
Đặc biệt, nếu sau khi ăn thịt gia cầm, nhất là gia cầm bệnh mà xuất hiện các triệu chứng trên, mọi người nên đến bệnh viện thăm khám sớm nhất có thể. Ngoài ra, hãy khai báo cho bác sĩ biết việc ăn thịt gia cầm để giúp quá trình chẩn đoán diễn ra nhanh hơn.
3. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ bệnh cúm A/H5
Cúm A/H5 có khả năng tồn tại trong thời gian dài. Đặc biệt, gia cầm bị nhiễm H5N1 thải ra virus trong phân và nước bọt đến 10 ngày. Chạm vào các bề mặt nhiễm virus có thể làm lây lan và nhiễm bệnh.
Hơn nữa, có những trường hợp dễ nhiễm cúm A/H5 hơn bình thường như:
- Người chăn nuôi gia cầm
- Tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh
- Người ăn thịt gia cầm hoặc trứng chưa nấu chín
- Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh
- Thành viên trong gia đình của một người bị nhiễm bệnh
4. Cúm A/H5 nguy hiểm như thế nào?
Trong tất cả các loại cúm A/H5, H5N1 được coi là nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong cao hơn các loại khác.
Nếu như không điều trị đúng cách và kịp thời, có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Nhiễm trùng huyết (một phản ứng viêm có thể gây tử vong đối với vi khuẩn và vi trùng khác)
- Suy nội tạng
- Suy hô hấp cấp tính
Vì vậy, khi nghi ngờ nhiễm virus cúm A/H5, mọi người không nên tự điều trị tại nhà. Điều cần thiết là đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
5. Làm thế nào để phòng ngừa cúm gia cầm?
Mọi người có thể phòng ngừa cúm gia cầm bằng một số biện pháp sau:
- Không giết mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân
- Không ăn thịt gia cầm, trứng chưa được nấu chín. Đặc biệt, không nên ăn tiết canh, trứng chần,…
- Khi gia cầm có biểu hiện cúm nên đeo găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc. Sau đó nên rửa tay bằng xà phòng hoặc khử khuẩn bằng cồn 70 hoặc 90 độ.
- Nếu phát hiện gia cầm bị ốm hàng loạt, nên báo cho chính quyền địa phương để có hướng giải quyết.
- Nếu thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng cúm, nhất là khi tiếp xúc với gia cầm ốm, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra.
Nhìn chung, cúm A/H5 chủ yếu lây từ gia cầm, chim sang người, chưa có trường hợp nào lây từ người sang người. Tuy nhiên, mọi người nên chủ động phòng ngừa bệnh, hạn chế tiếp xúc, ăn thịt gia cầm bị bệnh, người bị nhiễm virus gia cầm nên hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh việc bùng phát dịch.
Nguồn: Healthline.com
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cum-a-h5-o-nguoi-nguy-hiem-nhu-the-nao-2022102110171614.htm