Cụm công nghiệp tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Cùng với xu thế hội nhập và phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, phát triển các cụm công nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương nhằm đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Công nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế
Theo quy hoạch đã được phê duyệt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh có 38 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.278,4 ha. Hiện nay đã có 15 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, có 27 cụm công nghiệp thu hút, bố trí 175 dự án đầu tư với tổng diện tích 270,33 ha, chiếm 35,9% diện tích đất công nghiệp của các cụm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có các cụm công nghiệp thành lập và triển khai đầu tư hạ tầng. Các cụm công nghiệp được thành lập trên địa bàn tỉnh đều đã phát huy hiệu quả, tạo mặt bằng và bố trí dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và thu ngân sách cho địa phương, đặc biệt, quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp được nền nếp. Có cụm công nghiệp thu hút được dự án đầu tư thứ cấp với quy mô lớn, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Phát triển công nghiệp được tỉnh Bình Thuận xác định là một trong ba trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để kêu gọi thu hút các nhà đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp của tỉnh. Định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh là khuyến khích, khai thác tốt những sản phẩm lợi thế của tỉnh, đồng thời tạo mọi điều kiện cho các sản phẩm khác cùng phát triển. Thu hút những nhà đầu tư có năng lực, dự án có công nghệ cao, bảo đảm môi trường. Ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và chế biến sa khoáng. Đồng thời mở rộng, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ngoài khơi, kêu gọi đầu tư sản xuất phụ trợ cho ngành năng lượng. Đến nay, công nghiệp của tỉnh đã có nhiều sự thay đổi, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang dần phát huy sức mạnh, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế. Theo đó, cơ cấu kinh tế trong GRDP năm 2023 của tỉnh, trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm đến 33,53%. Với các định hướng cùng sự nỗ lực của tỉnh, trong thời gian tới, ngành công nghiệp của tỉnh sẽ có bước phát triển mạnh, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thu hút các dự án thứ cấp có quy mô lớn
Với tốc độ phát triển trong những năm qua, thời gian tới, ngành Công nghiệp của tỉnh nói chung, các cụm công nghiệp nói riêng sẽ có điều kiện để thúc đẩy kinh tế phát triển bứt phá, khởi sắc hơn. Bên cạnh định hướng huy động hợp lý các nguồn lực, tỉnh tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”, ưu tiên thu hút các dự án thứ cấp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của tỉnh, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng. Quan điểm của tỉnh là phát triển bền vững các cụm công nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp địa phương theo hướng tập trung phát triển theo chiều sâu. Ưu tiên phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư trong nước. Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp, định hướng các ngành nghề có tính liên kết trong chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ. bên cạnh đó quy hoạch có tính khả thi, đáp ứng nhu cầu diện tích mặt bằng để đầu tư sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất và các nguồn lực khác của địa phương. Đồng thời, phát triển cụm công nghiệp có tính chất ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực và có sự tương đồng về mục tiêu ngành nghề với các khu công nghiệp lân cận. Xây dựng cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt làphân bố không gian phát triển các cụm công nghiệp hợp lý gắn với các chính sách, giải pháp quản lý, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp hiện có trên cơ sở bảo vệ môi trường, tiết kiệm, hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực khác. Phương án là một nội dung của Quy hoạch tỉnh, được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo pháp luật quy hoạch. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp, phân bố không gian phát triển các cụm công nghiệp hợp lý, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN và tổ chức chuyển đổi các cụm công nghiệp trên địa bàn theo lộ trình…