Bổ sung các chính sách để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo
Tiếp tục Chương trình kỳ họp, chiều 9/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Nhà giáo.
Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo. Đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện chính sách mới, nhất là điều kiện về nguồn lực tài chính để bảo đảm tính khả thi. Đồng thời nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế, tham khảo chính sách, pháp luật đối với nhà giáo để hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh), cho rằng Luật Nhà giáo góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, hiện nay nhà giáo đang làm việc ở khu vực công và ngoài công lập.
Nhà giáo hoạt động trong khu vực công thì hiện được sự điều chỉnh của Luật Viên chức. Đối với nhà giáo ở khu vực ngoài công lập, theo pháp luật cũng là một ngành nghề lao động. Đại biểu đề nghị, quy định Luật Nhà giáo điều chỉnh đối với 2 đối tượng này cần đưa các vấn đề của Luật Viên chức liên quan đến nhà giáo vào nội dung luật để xem xét cho đồng bộ. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ các nội dung liên quan đến chế độ cho nhà giáo ở 2 khu vực như lương thưởng, độ tuổi nghỉ hưu, hưởng bảo hiểm xã hội… Mặt khác, cần giải thích, làm rõ một số từ chuyên ngành trong dự thảo luật để đảm bảo chặt chẽ nếu triển khai thực tế.
Cho rằng xây dựng luật riêng là phù hợp, song đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần thống nhất khái niệm tuyển dụng nhà giáo; xác định kỹ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; cần xây dựng hệ thống chính sách cho nhà giáo ở những khu vực đặc thù, khu vực khó khăn… Về chế độ tiền lương đối với nhà giáo cũng chưa được quy định rõ.
Nhiều đại biểu khẳng định, Luật Nhà giáo là luật được Quốc hội và cả xã hội quan tâm. Một trong những lý do quan trọng để ban hành Luật Nhà giáo là tôn vinh, trân trọng nhà giáo và đảm bảo các điều kiện hành nghề của họ tốt nhất, đúng vai trò, sứ mệnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc dân.
Đồng tình với ý kiến cần tôn vinh nghề giáo, đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) khẳng định, Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới như: Địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập rõ ràng, quy định rõ về quyền và trách nhiệm của nhà giáo là người nước ngoài, từ đó tạo ra môi trường an tâm công tác, làm việc, cống hiến, sáng tạo cho đội ngũ nhà giáo ngoài công lập.
Đại biểu này cho rằng, Dự thảo Luật đã xây dựng được tiêu chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo và chuẩn nhà giáo để nâng cao chất lượng của nhà giáo. Chuẩn nhà giáo như “chiếc gương soi”, giúp cho mỗi nhà giáo “tự soi, tự sửa”, tự bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng là công cụ cho cơ quan quản lý giáo dục cơ sở giáo dục xây dựng quy hoạch, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá và sàng lọc nhà giáo. Đồng thời, tiêu chuẩn chức danh nhà giáo và chuẩn nhà giáo còn là công cụ để kiểm soát chất lượng.
Đại biểu Thái Văn Thành đề nghị xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…, nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để đảm bảo Luật khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.
Các đại biểu đều cho rằng, Dự thảo Luật cũng quy định việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo có nhiều chính sách mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục ở địa phương chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phát triển, đào tạo bồi dưỡng, điều động, thuyên chuyển, đánh giá, sàng lọc đội ngũ nhà giáo; đào tạo, đặt hàng đối với nhà giáo…