Cúm gia cầm và biến đổi khí hậu đang đẩy chim cánh cụt vào tuyệt lộ
Đang vật vã sinh tồn vì tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, chim cánh cụt còn bị cúm gia cầm đe dọa.
Theo các nhà khoa học, lần đầu tiên đã phát hiện ra trường hợp chim tử vong vì cúm gia cầm ở lục địa Nam Cực, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ tử vong hàng loạt của các đàn chim cánh cụt khổng lồ và các động vật chỉ có ở lục địa này mà không tìm thấy ở nơi nào khác trên Trái đất.
Theo Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), các nhà nghiên cứu hồi cuối tháng 2 đã xác nhận sự hiện diện của phân nhóm cúm gia cầm H5 ở xác hai cá thể chim biển được gọi là skua ở gần trạm nghiên cứu khoa học của Argentina trên Bán đảo Nam Cực.
Các quan chức cho biết: “Phát hiện ca tử vong đầu tiên này chứng minh rằng vi rút cúm gia cầm có độc lực cao đã đến Nam Cực, bất chấp khoảng cách và các rào cản tự nhiên ngăn cách nó với các lục địa khác”.
Cúm gia cầm đã lan tới lục địa băng từ nhiều tháng trước. Theo Ủy ban Khoa học về Nghiên cứu Nam Cực, đã có những trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm khác ở Nam Cực trong những tuần gần đây. Đối với nhiều nhà khoa học, sự xuất hiện của nó dường như là điều không thể tránh khỏi.
Vào tháng 10 năm ngoái, các nhà khoa học Anh đã tìm thấy vi rút ở những con skua nâu cách Nam Cực khoảng 1.600 km, trên đảo Bird thuộc lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich. Và vào tháng 1, trên Quần đảo Falkland (Anh kiểm soát và Argentina tuyên bố chủ quyền), các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện ra bệnh cúm ở chim cánh cụt Gentoo và 35 con chim cánh cụt khác được phát hiện đã chết hoặc có triệu chứng cúm.
Trong nhiều năm qua, căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao này đã tàn phá cả quần thể động vật hoang dã và vật nuôi, lan rộng khắp thế giới theo đường di cư của các loài chim. Giờ đây, sự xuất hiện của cúm gia cầm ở lục địa cực băng đang đe dọa quần thể động vật hoang dã độc đáo nơi đây, gồm cả loài chim cánh cụt Hoàng đế được coi là biểu tượng của Nam Cực.
Loại vi rút này đã được chứng minh là đủ mạnh để truyền từ chim sang động vật có vú, tấn công hải tượng và các động vật có vú khác tụ tập trên bờ biển.
Ron Fouchier, nhà vi rút học tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus ở Hà Lan, cho biết vào tháng trước: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy sự lây lan vi rút lớn như vậy ở các loài chim hoang dã và chúng tôi cũng chưa bao giờ thấy sự lây nhiễm lớn như vậy ở động vật có vú hoang dã”.
Đối với các trang trại, đợt bùng phát toàn cầu gây thiệt hại kinh tế lớn khi vi rút gây tử vong hàng triệu con gà và các loài gia cầm khác. Trong tự nhiên, căn bệnh này đang đe dọa làm đảo lộn hệ sinh thái và đẩy các loài chim quý hiếm đến gần bờ vực tuyệt chủng.
Chim cánh cụt ở Nam Cực có thể thiếu khả năng miễn dịch với cúm gia cầm vì trước giờ, loại vi rút này vẫn chưa được ghi nhận ở lục địa băng. Sự bùng phát dịch của chim cánh cụt ở Nam Mỹ và Châu Phi cho thấy tính dễ bị tổn thương của chúng. Những con chim chậm chạp cùng nhau quần tụ thành đàn đông đúc rất dễ truyền bệnh cho nhau.
Nhiều loài chim cánh cụt ở Nam Cực vốn có nguy cơ tử vong khi nhiệt độ Trái đất tăng làm suy giảm băng biển là môi trường mà chúng cần để kiếm ăn, sinh sản và tự vệ. Năm 2022, Cơ quan quản lý Cá và Động vật hoang dã Mỹ cho biết chim cánh cụt Hoàng đế ở Nam Cực đang bị đe dọa tuyệt chủng do biến đổi khí hậu.
Dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ xác nhận 3 năm qua là 3 năm thấp kỷ lục về lượng băng biển trôi nổi khắp lục địa kể từ khi các phép đo vệ tinh bắt đầu được thực hiện vào năm 1979.
Băng biển ở Nam Cực xuống mức thấp nhất vào thời điểm cao điểm của mùa hè lục địa vào tháng 2 hàng năm. Vào ngày 18/2, diện tích băng biển trung bình trong 5 ngày đã giảm xuống còn 1,99 triệu km2 và vào ngày 21/2 là 1,98 triệu km2. Mức thấp kỷ lục trước đó là 1,78 triệu km2, được thiết lập vào tháng 2/2023.
Băng biển ở Nam Cực đạt đỉnh điểm vào tháng 9 hàng năm, nhưng diện tích băng biển cao điểm của năm 2023 cũng là mức thấp nhất được ghi nhận. Phạm vi băng bao phủ dường như phục hồi nhẹ trong tháng 12/2023, khi tình trạng đóng băng diễn ra, nhưng sau đó lại giảm xuống mức hiện tại.
Các hệ sinh thái ở Nam Cực gắn liền với băng biển, từ sự hình thành thực vật phù du có thể hấp thu carbon khí quyển cho đến nơi sinh sản của chim cánh cụt. Theo nghiên cứu mới, hàng nghìn cá thể chim cánh cụt hoàng đế con trên khắp 4 khu vực ở Nam Cực đã chết vào cuối năm 2022 mà nguyên nhân xuất phát từ diện tích băng biển bị thu hẹp.