Cụm Khuyến học số 1 tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình học tập

Ngày 20/8, Cụm Khuyến học số 1 tổ chức tọa đàm 'Giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình học tập theo Quyết định 387 và 677 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021-2030' tại Sơn La.

Dự tọa đàm có ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo UBND, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. Cùng tham sự có lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên thuộc Cụm Khuyến học số 1.

Tọa đàm tập trung làm rõ các thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai xây dựng xã hội học tập tại các địa phương.

Tọa đàm tập trung làm rõ các thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai xây dựng xã hội học tập tại các địa phương.

Tại tọa đàm, Đại diện Hội Khuyến học các tỉnh thuộc Cụm Khuyến học số 1 đã thảo luận, đánh giá thực trạng thực hiện các mô hình học tập theo Quyết định 387 và 677 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình học tập trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến đã phân tích thực trạng và góp thêm nhiều giải pháp cụ thể như:

Phú Thọ với giái pháp chú trọng làm tốt công tác tham mưu, công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện xây dựng mô hình từ cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, vận động công dân tự nguyện đăng ký theo từng nhóm đối tượng đến phấn đấu thực hiện các nội dung tiêu chí, kiểm tra, đánh giá công nhận mô hình Công dân học tập…

Yên Bái đề cao vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư trong việc tuyên truyền, vận động nhiệm vụ của hội.

Hòa Bình đa dạng nội dung, hình thức sinh hoạt khuyến học của dòng họ. Tích cực trao đổi, học tập kinh nghiệm với dòng họ bạn trong và ngoài địa phương.

Điện Biên gắn trách nhiệm của đảng viên, đội ngũ nhà giáo ở điểm bản và cán bộ Hội trong công tác tuyên truyền vận động hướng dẫn người dân tham gia học tập.

Hà Giang tổ chức kiểm tra, sơ tổng kết, biểu dương, lan tỏa cần thiết thực, kịp thời, hiệu quả từ cơ sở, đồng bộ.

Lai Châu tổ chức tập huấn, triển khai đại trà; quán triệt đầy đủ 15 tiêu chí, cách thu thập minh chứng và quy trình đánh giá.

Sơn La gắn việc tuyên truyền về việc xây dựng phong trào học tập với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, tuyên truyền về lợi ích dành cho người dân nhằm thúc đẩy sự phát triển cá nhân, phát triển bình đẳng và công bằng xã hội, duy trì sự gắn kết xã hội hòa thuận và tạo ra sự thịnh vượng bền vững theo tiêu chí của UNESCO; tuyên truyền về chiến lược tổng thể của thành phố về kinh tế, văn hóa, xã hội, về phát triển thành phố học tập hướng tới mục tiêu gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Sơn La cũng tham mưu để lãnh đạo thấm nhuần sâu sắc quan điểm: "Việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Tuyên Quang lồng ghép một số chuyên đề về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, cộng đồng gắn với việc học tập, làm theo tấm gương "Học tập suốt đời", "Học không bao giờ cùng" của Bác Hồ….. và còn nhiều giải pháp khác.

Nhiều ý kiến cũng nêu các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Quyết định 387 và 677 như: Điện Biên có số lượng cán bộ chuyên trách trực tiếp làm công tác tham mưu và thực hiện của Hội Khuyến học ở cấp xã ít, chủ yếu là lực lượng kiêm nhiệm, kinh nghiệm vận động hạn chế, kinh phí tuyên truyền vận động hầu như không có, hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc nhiều nơi còn hạn chế ảnh hưởng đến kết quả tuyên truyền vận động.

Lào Cai có số cán bộ chuyên trách làm việc ở Hội Khuyến học cấp tỉnh và cấp huyện số lượng chỉ có 2 người. Cán bộ Khuyến học phần lớn cao tuổi nên gặp nhiều khó khăn trước nhiệm vụ đòi hỏi nhiều ứng dụng công nghệ thông tin và thủ tục quản lý hành chính. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao ở cấp xã còn hạn hẹp. Còn nhiều cán bộ chuyên trách cấp xã chưa được hưởng thù lao.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Hội Khuyến học các tỉnh trong cụm tăng cường công tác tham mưu với chính quyền, phối hợp với các sở ngành xây dựng xã hội học tập tại địa phương.

Hội Khuyến học các tỉnh trong cụm tăng cường công tác tham mưu với chính quyền, phối hợp với các sở ngành xây dựng xã hội học tập tại địa phương.

Từ đó, cụm Khuyến học số 1 mong muốn công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong hệ thống Khuyến học ngày càng được nâng "chất" và nâng "tầm" hơn nữa, là nòng cốt để liên kết, phối hợp các tổ chức, lực lượng xã hội tạo sức mạnh to lớn trong thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Phát biểu chỉ đạo, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tại tọa đàm; đồng thời nhấn mạnh các giải pháp cần tập trung trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng các mô hình học tập theo Quyết định 387 và 677 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021-2030.

Hội Khuyến học các tỉnh trong cụm cần tăng cường công tác tham mưu với chính quyền, phối hợp với các sở ngành, đề xuất sự hỗ trợ cần có đối với công tác xây dựng xã hội học tập của địa phương, kể cả về nhân sự và kinh phí.

Đại diện cụm khuyến học số 1, bà Mai Thu Hương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo định hướng của Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đồng thời, sau Tọa đàm, Hội Khuyến học tỉnh Sơn La sẽ có báo cáo kết quả việc tổ chức tọa đàm và tổng hợp các ý kiến của đại biểu tại tọa đàm để báo cáo Hội Khuyến học Việt Nam, Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và Cụm Khuyến học số 1.

Minh Hiền

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cum-khuyen-hoc-so-1-toa-dam-tim-giai-phap-nang-cao-chat-luong-cac-mo-hinh-hoc-tap-179240820115820811.htm