Cúm mùa không đơn giản như chúng ta nghĩ

Tương tự các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm khác, vaccine cúm không đảm bảo 100% người tiêm sẽ không nhiễm bệnh.

 Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus influenza gây ra, lây lan từ người sang người qua đường hô hấp từ các cơn ho hoặc hắt xì của người bệnh. Ảnh: Pexels.

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus influenza gây ra, lây lan từ người sang người qua đường hô hấp từ các cơn ho hoặc hắt xì của người bệnh. Ảnh: Pexels.

Sau khi thông tin nữ minh tinh Từ Hy Viên qua đời vì cúm cùng với việc ghi nhận nhiều ca biến chứng nặng tại Hà Nội, không ít người bắt đầu lo lắng về nguy cơ lây nhiễm.

Minh Trang (29 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cảm thấy bất an khi công việc của cô thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người. "Con tôi mới 2 tuổi nên rất sợ lây bệnh cho bé. Cũng đã một năm rồi con chưa tiêm nhắc lại mũi vaccine cúm. Tôi dự định sẽ nghỉ làm một ngày để đưa cả gia đình đi tiêm phòng", cô chia sẻ.

Không chỉ Trang, nhiều người khác cũng có tâm lý hoang mang trước dịch cúm mùa. Nguyễn Hà (31 tuổi, Hà Nội) đã chủ động tiêm vaccine cúm từ đầu năm nhưng gần đây vẫn bị cúm dai dẳng. "Tôi không hiểu vì sao đã tiêm phòng mà vẫn mắc bệnh. Liệu có phải tôi không hợp với vaccine này hay chúng không hiệu quả", cô băn khoăn.

Cách phòng cúm tốt nhất

Bác sĩ Đỗ Văn Phúc, khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội), cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca diễn biến nặng, 290.000 đến 650.000 trường hợp tử vong.

Tại một số quốc gia, bệnh cúm thường xuất hiện vào mùa lạnh. Ở Nhật Bản, số nhiễm cúm tăng vào quý IV hàng năm, trong đó cuối năm 2024 và đầu năm 2025 ghi nhận số nhiễm cao kỷ lục. Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, trong đó năm 2024 ghi nhận hơn 287.000 ca mắc, 8 ca tử vong.

Tương tự các loại vaccine phòng bệnh khác, vaccine cúm không đảm bảo 100% người tiêm sẽ không nhiễm cúm.

Khi tiêm vaccine cúm, cơ thể sẽ tạo được khả năng miễn dịch trong vòng 2-3 tuần sau khi tiêm. Ngoài việc giúp ngăn ngừa bệnh cúm, chúng cũng làm giảm mức độ nghiêm trọng và nguy cơ biến chứng của bệnh.

 Các chủng virus cúm biến đổi hàng năm. Ảnh: Shutterstock.

Các chủng virus cúm biến đổi hàng năm. Ảnh: Shutterstock.

Bác sĩ Phúc giải thích rằng virus cúm liên tục biến đổi mỗi năm, tạo ra nhiều chủng khác nhau. Điều này tương tự viêm gan B - dù đã tiêm phòng, người bệnh vẫn có thể mắc do nhiều yếu tố, trong đó có khả năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, những người tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt là độ tuổi trung niên, khi nhiễm bệnh thường có triệu chứng nhẹ hơn, giảm nguy cơ bội nhiễm dẫn đến viêm phổi.

Vì vậy, việc tiêm phòng cúm hàng năm là cần thiết, đặc biệt với trẻ em và người cao tuổi - nhóm có hệ miễn dịch yếu. Theo bác sĩ Phúc, vaccine cúm được khuyến cáo tiêm mỗi năm một lần. Tuy nhiên, với những người có hệ miễn dịch không ổn định như trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc người có bệnh nền, có thể cân nhắc tiêm nhắc lại sau mỗi 6 tháng để tăng cường bảo vệ.

Cảm cúm có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, đặc biệt với khí hậu miền Bắc, nguy cơ mắc bệnh kéo dài suốt bốn mùa. Do đó, bác sĩ Phúc nhấn mạnh rằng việc tiêm vaccine vào bất kỳ thời điểm nào trong năm đều có lợi.

Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi, nếu chưa từng tiêm phòng cúm, cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng và nhắc lại hàng năm. Phụ nữ mang thai cũng nên tiêm phòng cúm, tốt nhất từ tháng thứ ba trở đi, để bảo vệ sức khỏe và truyền kháng thể thụ động cho thai nhi

Người trẻ không nên chủ quan trước cúm

Bác sĩ Đỗ Văn Phúc cho biết cúm là bệnh đường hô hấp có tốc độ lây lan nhanh. Chỉ cần tiếp xúc gần với người mang virus mà không đeo khẩu trang, nguy cơ mắc bệnh là rất cao.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cũng nhấn mạnh rằng cúm có thể nguy hiểm, đặc biệt với người cao tuổi và những người có bệnh nền. Không ít người lầm tưởng đây chỉ là "bệnh cảm cúm qua loa", nhưng thực tế, nếu không điều trị đúng cách, cúm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Bác sĩ Phúc cảnh báo rằng ngay cả người trẻ tuổi cũng không nên chủ quan với cúm. Dù có hệ miễn dịch khỏe mạnh, họ vẫn có nguy cơ biến chứng nếu không được chăm sóc và điều trị hợp lý. "Ví dụ, sau khi khỏi cúm vài ngày, bạn xuất hiện ho, chảy mũi, đờm đặc... Đây là dấu hiệu viêm nhiễm. Khi tiếng ho nặng hơn, có đờm nhiều, bệnh có thể tiến triển thành viêm phổi", bác sĩ của CDC Hà Nội cảnh báo.

 Đối tượng cần phải được ưu tiên tiêm vaccine cúm là phụ nữ có thai, người cao tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh mạn tính, nhân viên y tế và trẻ em dưới 5 tuổi. Ảnh: NNhi.

Đối tượng cần phải được ưu tiên tiêm vaccine cúm là phụ nữ có thai, người cao tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh mạn tính, nhân viên y tế và trẻ em dưới 5 tuổi. Ảnh: NNhi.

Theo các bác sĩ, người cần phải được ưu tiên tiêm vaccine cúm là phụ nữ có thai, người cao tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh mạn tính, nhân viên y tế và trẻ em dưới 5 tuổi.

"Ai cũng có thể nhiễm cúm mùa nhưng tỷ lệ nhập viện, tử vong có liên quan đến cúm mùa tăng cao ở nhóm bệnh nhân cao tuổi có các bệnh lý nền mạn tính đi kèm, như tim mạch, hô hấp, đái tháo đường… Bị nhiễm cúm, khả năng nhồi máu cơ tim tăng gấp 6-10 lần, khả năng đột quỵ cũng tăng 3-10 lần, còn suy tim tăng 24% nguy cơ nhập viện", bác sĩ Cường nhấn mạnh.

Ngoài tiêm vaccine, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chú ý rửa tay, khử khuẩn, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc người bệnh, những biện pháp giống nhưng khi dịch Covid-19 hoành hành.

Khi không may cúm, người dân nên xúc miệng, rửa mũi thường xuyên, giữ ấm cổ, xét nghiệm tại các cơ sở y tế để xác định chủng cúm để có biện pháp điều trị phù hợp, không được tự mua thuốc tràn lan.

Tiêm phòng hàng năm và ăn uống, tập luyện thường xuyên để tăng sức đề kháng vẫn là biện pháp căn bản tự bảo vệ trước dịch cúm ngày càng phức tạp.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cum-mua-khong-don-gian-nhu-chung-ta-nghi-post1529712.html