Sau COVID-19, nhiều bệnh truyền nhiễm khác đe dọa sức khỏe cộng đồng

Theo các chuyên gia, những bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi như đậu mùa khỉ, bạch hầu, sởi, tay chân miệng, cúm gia cầm cùng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

Chia sẻ tại Hội nghị khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễmHIV/AIDS năm 2024 (diễn ra từ 31/10 đến 2/11/2024), TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong bối cảnh hiện nay, công tác phòng chống và điều trị bệnh truyền nhiễm đã và đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sau đại dịch COVID-19. Những bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi như đậu mùa khỉ, bạch hầu, sởi, tay chân miệng, cúm gia cầm cùng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

Thông tin rõ hơn về các bệnh truyền nhiễm, BSCKII Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, các bệnh mới nổi khó dự đoán nhưng chúng ta có thể cảnh giác, chủ động phát hiện các chùm ca bệnh ban đầu để cách ly, dập dịch từ sớm thì có thể khống chế được tương đối tốt như bài học từ dịch SARS năm 2003.

Với các bệnh truyền nhiễm tái nổi như bạch hầu, ho gà, uốn ván…, trước đây thực hiện tiêm chủng tốt thì số mắc bệnh ít song khi tỉ lệ tiêm chủng không đảm bảo, dịch có thể bùng phát. Thực tế tại một số địa phương thời gian qua đã ghi nhận các ca bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh… bùng phát trở lại, đây là vấn đề đáng báo động.

Tiếp đó là các bệnh truyền nhiễm vốn dĩ vẫn tồn tại nhưng chưa được chú ý đúng mức. Chẳng hạn với bệnh dại, nhiều người còn chủ quan trong việc tiêm phòng dại sớm khi bị chó mèo cắn, cùng với đó là việc quản lý đàn chó mèo chưa thực sự được chú trọng.

Ngoài ra còn có các bệnh lý khác mà theo quan niệm trước đây là không có ở Việt Nam nhưng thực ra nó vẫn tồn tại âm thầm song chưa được phát hiện ra. Đây cũng là lĩnh vực rất cần được quan tâm, trong đó có các bệnh lý do nấm gây ra, bệnh do côn trùng, bệnh lây truyền từ súc vật sang người…

Các chuyên gia chia sẻ về ứng phó với các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Các chuyên gia chia sẻ về ứng phó với các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Đứng trước những thách thức về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và các bệnh truyền nhiễm khác, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã và đang phát triển mô hình kết hợp đa chuyên khoa trong truyền nhiễm để đảm bảo việc điều trị và phòng bệnh truyền nhiễm được thực hiện toàn diện và hiệu quả nhất. Đáng chú ý có các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi…; đồng thời mở rộng các chuyên khoa (như thăm dò chức năng, điện quang can thiệp, phục hồi chức năng và y học cổ truyền…) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đảm bảo cho người mắc các bệnh truyền nhiễm được điều trị, chăm sóc một cách toàn diện nhất tại một cơ sở.

Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của bệnh viện để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh đa dạng và ngày càng phức tạp...

Hội nghị khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2024 với gần 1000 đại biểu trong nước và quốc tế là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia và cán bộ y tế trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS nói riêng, các bệnh lý nội, ngoại khoa nói chung. Đồng thời, các chuyên gia sẽ cùng nhìn nhận, đánh giá thách thức và cơ hội trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

D.Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-covid-19-nhieu-benh-truyen-nhiem-khac-de-doa-suc-khoe-cong-dong-16924110120252996.htm