Cùng bảo vệ 'huyết mạch' Mekong

'Sông Mekong quanh co, gấp khúc, nhưng thái độ của chúng ta đối với dòng sông luôn rõ ràng, minh bạch, vì môi trường sinh thái, lợi ích của cộng đồng cư dân và trách nhiệm với thế hệ tương lai', Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế. (Nguồn: VGP)

Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế. (Nguồn: VGP)

Ngày 5/4, Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) lần thứ tư với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong” đã diễn ra tại thủ đô Vientiane, Lào.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu. Cùng tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ các nước Lào, Campuchia và Tổng thư ký Văn phòng tài nguyên nước Thái Lan; lãnh đạo và đại diện các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Cùng bảo vệ một huyết mạch của Đông Nam Á

Sông Mekong là một trong những huyết mạch của Đông Nam Á, bảo đảm cuộc sống cho gần 200 triệu người trong ngành nông nghiệp và thủy sản.

Vấn đề khai thác, sử dụng nguồn nước ở lưu vực sông Mekong là nền tảng và lý do tồn tại của MRC. Chính vì vậy, các nước ở hạ nguồn lưu vực Mekong, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, đã cùng nhau xây dựng Hiệp định Mekong năm 1995.

Hiệp định đặt ra những nguyên tắc nền tảng, một mặt tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia trong việc khai thác và sử dụng nguồn nước, mặt khác phải sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, công bằng, tôn trọng lợi ích của các nước ở hạ nguồn.

Hiện nay, các nước đang có nhiều hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, khiến việc khai thác, sử dụng nguồn nước cũng chịu tác động nặng nề, một số nơi quá mức. Chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, tác động trực tiếp tới nguồn nước, sự di chuyển của phù sa, các nguồn thủy hải sản trong khu vực…

Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2040, lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm hơn chín lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm. Mặt khác, mối nguy hại này còn bị cộng hưởng bởi các tác động rất tiêu cực của biến đổi khí hậu, gây ra các hiện tượng khí hậu cực đoan, lũ lụt, hạn hán, tình trạng nước biển dâng khiến xâm nhập mặn ảnh hưởng xấu đến Đồng bằng sông Cửu Long và an ninh nguồn nước, an ninh lương thực trong khu vực.

Hội nghị cấp cao MRC lần này diễn ra trong bối cảnh lưu vực sông Mekong đối mặt với những thách thức to lớn do tác động kép của biến đổi khí hậu và việc khai thác và sử dụng quá mức tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh kế của người dân trên toàn lưu vực, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư. (Nguồn: TTXVN)

Lưu vực sông Mekong đứng trước thách thức lớn

Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật những thách thức từ suy giảm nguồn nước mà hơn 60 triệu dân lưu vực sông Mekong đang đối mặt.

Theo Thủ tướng, 10 năm qua, tổng lượng dòng chảy của lưu vực giảm 4-8%, trong khi các nước trong lưu vực tăng sử dụng nước sông Mekong 5-12%. Dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ du giảm nghiêm trọng.

Đồng bằng sông Cửu Long ở hạ nguồn sông Mekong đối mặt với hệ quả của suy giảm dòng chảy sông Mekong. Hiện tượng xâm nhập mặn tại đây có xu hướng xuất hiện sớm hơn 1-1,5 tháng với phạm vi, cường độ lớn hơn so với trước đây.

Dự báo đến năm 2040, Đồng bằng sông Cửu Long còn dưới 5 triệu tấn phù sa mỗi năm, giảm hơn chín lần hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của hơn 20 triệu người dân sinh sống tại lưu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nước lưu vực sông Mekong đổi mới tư duy hợp tác, phối hợp hành động để đáp ứng các yêu cầu cấp bách. Trong đó, MRC cần đổi mới quản lý, điều hành qua chuyển số, áp dụng công nghệ.

Thủ tướng tái khẳng định cam kết mạnh mẽ, quan trọng trong thực hiện Hiệp định Mekong 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước, coi đây là cơ sở cho mọi hành động của Ủy hội và các nước thành viên. Nhà lãnh đạo Việt Nam đề nghị các thành viên MRC cùng các đối tác đối thoại hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo, góp phần phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến công tác của Thủ tướng, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, trong phát biểu của lãnh đạo cấp cao các nước, có nhiều ý kiến chia sẻ đồng tình với Việt Nam, khẳng định cam kết mạnh mẽ với việc thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995, coi trọng vai trò của MRC.

Tất nhiên, mỗi nước có những ưu tiên, quan tâm riêng, nhưng có thể thấy điểm đồng rất lớn của các nước thành viên Ủy hội chính là nhu cầu tăng cường hợp tác, xây dựng các kế hoạch, dự án phát triển chung, bảo đảm sự phát triển bền vững của lưu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Lào và Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia, Thái Lan tham dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Lào và Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia, Thái Lan tham dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư. (Nguồn: TTXVN)

Hợp tác vì một lưu vực sông Mekong bền vững

Kết thúc Hội nghị cấp cao MRC lần thứ tư, Tuyên bố chung Vientiane được Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone công bố tại Hội nghị cho thấy sự thống nhất chính sách và cách giải quyết thách thức mà các quốc gia lưu vực sông Mekong đang đối mặt.

Theo đó, Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết chính trị cao nhất của lãnh đạo các nước về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và vai trò của Ủy hội là một kênh ngoại giao quan trọng, là trung tâm về tri thức để nhằm đạt được tầm nhìn chung về một lưu vực sông Mekong thịnh vượng.

Tuyên bố chung Vientiane nhìn nhận các cơ hội cho sự phát triển bền vững ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến nước. Việc sử dụng nước sông Mekong đóng góp đáng kể vào tăng trưởng, nhưng cũng có thể tác động tiêu cực mà các bên cần hợp tác để cùng nhau giải quyết. Đặc biệt là vấn đề môi trường, những cộng đồng dễ bị tổn thương đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Theo đó, Tuyên bố đưa ra các hành động ưu tiên bao gồm, thông qua quy hoạch vùng chủ động hơn, thích ứng hơn trên cơ sở đầu tư chung các dự án mang tầm quốc gia, có giải pháp toàn diện ứng phó biến đổi khí hậu. Hỗ trợ cộng đồng thích ứng với các thay đổi của dòng sông, đảm bảo thông báo, thông tin liên lạc kịp thời về tình hình lưu vực, chia sẻ các dữ liệu vận hành nguồn nước, thông tin lũ, hạn hán, chất lượng nước, dòng chảy, các vấn đề khác liên quan tới nước…

Đồng thời, các bên ủng hộ sử dụng công nghệ mới - yếu tố quyết định cho phát triển. Đảm bảo việc tham vấn hiệu quả các bên liên quan, tăng cường quản lý toàn lưu vực sông. Tận dụng cơ chế huy động tài chính công-tư, làm cơ sở cho ủy hội có sự chuyển đổi bền vững và tự tài trợ vào năm 2030. Tuyên bố chung chỉ ra con đường phía trước là tiếp tục cam kết mạnh mẽ trong các nỗ lực chung để nâng cao vai trò của MRC, hoan nghênh việc thay đổi chiến lược, lập quy hoạch chủ động, quản lý hoạt động nhịp nhàng hơn, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, toàn diện, cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn, phối hợp, hợp tác, tôn trọng chủ quyền. Hoan nghênh sự thay đổi mang tính chiến lược về quy hoạch lưu vực chủ động và thích ứng, phối hợp trong quản lý vận hành các công trình, Tuyên bố đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia trong lưu vực, các đối tác và các bên liên quan tiếp tục hợp tác với ủy hội để duy trì thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995 và các thủ tục có liên quan, và để hỗ trợ việc triển khai Chiến lược phát triển Lưu vực giai đoạn 2021-2030 phù hợp với Tuyên bố chung này và phù hợp với “Tinh thần Mekong”.

Hội nghị cấp cao MRC lần thứ năm sẽ được tổ chức vào năm 2026 tại Vương quốc Thái Lan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát huy vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc ứng phó các thách thức, tăng cường đoàn kết với các nước trong Ủy hội để quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo đảm lợi ích của các quốc gia trong lưu vực, trong đó có Việt Nam.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã có những thông điệp rất quan trọng, sâu sắc và toàn diện.

Thứ nhất, Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ cam kết của Việt Nam đối với Hiệp định Mekong năm 1995, kêu gọi các nước tuân thủ đầy đủ Hiệp định này, cũng như các bộ quy tắc đã được xây dựng liên quan việc sử dụng nguồn nước sông Mekong. Thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh về cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn lưu vực; lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể trong khai thác, sử dụng nguồn nước ở sông Mekong, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và tăng cường khả năng thích ứng của người dân trước những biến động của dòng sông hiện nay, cũng như những hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt, hạn hán, tình trạng tội phạm xuyên quốc gia đang diễn biến rất phức tạp trong lưu vực. Thứ ba, Thủ tướng đã đề xuất các hoạt động hợp tác cụ thể, trong đó có tăng cường chia sẻ dữ liệu, nghiên cứu chung, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển giao thông đường thủy bền vững, phối hợp xử lý tội phạm xuyên quốc gia, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kết nối lưới điện, phát triển năng lượng trong khu vực. Thứ tư, Thủ tướng kêu gọi các nước đối tác, nhất là các nước thượng nguồn và các đối tác phát triển hợp tác, chia sẻ dữ liệu, tăng cường hỗ trợ về tri thức, kinh nghiệm, tài chính và nguồn lực để Ủy hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tốt nhất sự phát triển bền vững của dòng sông và lưu vực sông Mekong.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt

Minh Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cung-bao-ve-huyet-mach-mekong-222464.html