Cung chưa đáp ứng cầu, vì đâu?

Đoàn giám sát của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023' đã và đang tiến hành khảo sát, làm việc ở một số tỉnh, thành phố. Kết quả bước đầu cho thấy, nhu cầu về nhà ở của người dân hiện rất lớn, nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn cung, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai nhà ở xã hội.

Nguồn cung về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được cầu là một thực tế đã xảy ra ở nhiều địa phương thời gian qua, đặc biệt là đối với các thành phố lớn. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoan 2015 - 2023, thành phố đã đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 24 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 18.708 căn hộ. Đây có thể nói là nỗ lực rất lớn của chính quyền thành phố trong việc giải quyết nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. Nhưng với 18.708 căn hộ vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội của nhóm đối tượng thu nhập đang sinh sống trên địa bàn thành phố.

Cùng chung tình trạng này, ở TP. Hà Nội nguồn cung bất động sản còn tương đối khan hiếm. Đáng nói là phân khúc chung cư chủ yếu được chào bán là phân khúc trung và cao cấp, trong khi phân khúc “bình dân” hiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Dù đã thực hiện đúng quy định về quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội của thành phố.

Không chỉ 2 thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, mà TP. Cần Thơ, khó khăn trong đáp ứng nhà ở xã hội cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Các dự án nhà ở xã hội phần lớn thuộc khu vực đô thị và khu công nghiệp đều được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, gồm 6 dự án, dự kiến cung ứng 2.549 căn hộ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 10.000 người. Hiện tại đã có 3 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành. Với số lượng căn hộ này cũng chỉ “đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở” cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội trên địa bàn.

Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng trên thực tế nhà ở xã hội lúc nào cũng rơi vào tình trạng nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu. Sự khan hiếm nguồn cung dẫn đến người lao động, người thu nhập thấp chưa có nhiều cơ hội tiếp cận được với nhà ở xã hội để “an cư lạc nghiệp”.

Câu hỏi đặt ra, vì sao chủ trương, chính sách đối với nhà ở xã hội đã có mà việc triển khai vẫn gặp khó?

Qua thực tế giám sát cho thấy, đã có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai chính sách nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, các đối tượng được xét duyệt mua nhà ở xã hội khó tiếp cận được với chính sách do nhiều thủ tục chưa rõ ràng. Việc dành quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội trong triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật còn chậm. Trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu còn mất nhiều thời gian. Quá trình thực hiện dự án còn gặp khó khăn do chậm định giá đất.

Bên cạnh đó, quy trình xét duyệt đối tượng, phê duyệt giá bán, giá cho thuê và thực hiện bán, cho thuê nhà ở thuộc dự án còn nhiều bước, hồ sơ thủ tục phức tạp. Việc tiếp cận với chương trình vốn vay ưu đãi cũng gặp khó khăn vì nhiều thủ tục. Trong khi đó, đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội mang lại lợi nhuận không cao, quá trình thu hồi vốn kéo dài. Chính điều này chưa tạo sức hút đối với các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư các dự án nhà ở xã hội.

Đây là những nút thắt lớn mà các địa phương đã và đang gặp phải khi triển khai chính sách về phát triển nhà ở xã hội thời gian qua. Để khắc phục tình trạng này, cần có những chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút đối với các doanh nghiệp tham gia các dự án nhà ở xã hội. Nghiên cứu cắt giảm chi phí đối với doanh nghiệp bằng việc ban hành quy định riêng rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, cần có quy định rút ngắn tối đa trình tự thực hiện thủ tục giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội; giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch ngay sau khi có chủ trương đầu tư dự án. Sớm ban hành quy định về việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn chính sách tín dụng ưu đãi khi đầu tư vào dự án nhà ở xã hội. Chỉ khi các quy trình, thủ tục được đơn giản, các chính sách ưu đãi đủ mạnh, sẽ thu hút được doanh nghiệp tham gia chính sách xã hội. Có như vậy, nguồn cung sẽ đáp ứng đủ nhu cầu, và người dân mới tiếp cận dễ dàng hơn với nhà ở xã hội.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/cung-chua-dap-ung-cau-vi-dau-i379989/