Củng cố, duy trì kỷ cương dạy và học trong các nhà trường

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, những năm qua, bên cạnh việc chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục tỉnh nhà đã đặc biệt quan tâm đến hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm củng cố, duy trì kỷ cương nền nếp dạy và học trong các nhà trường.

Một giờ học của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Lang Chánh, huyện Lang Chánh.

Một giờ học của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Lang Chánh, huyện Lang Chánh.

Theo Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Ngọc Dũng, thanh tra, kiểm tra giáo dục có vị trí quan trọng trong việc bảo đảm nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục của toàn ngành. Do đó, Thanh tra Sở GD&ĐT luôn quan tâm đổi mới hoạt động, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thanh tra đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành. Đồng thời thường xuyên kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự làm công tác thanh tra, bảo đảm đội ngũ cán bộ thanh tra Sở GD&ĐT được bố trí, sắp xếp đủ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ được giao, hằng năm thanh tra Sở GD&ĐT đều xây dựng kế hoạch với nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Đơn cử như trong năm học 2023-2024 vừa qua, Thanh tra Sở đã tổ chức thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành tại nhiều đơn vị trường học, phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc thực hiện quy chế chuyên môn; công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thu chi ngoài ngân sách; công tác dạy thêm, học thêm... Ví như hoạt động thanh tra công tác chỉ đạo thực hiện quy chế chuyên môn; thực hiện các quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí và các nguồn tài chính khác đối với các cơ sở giáo dục năm học 2022-2023 và 2023-2024 tại Phòng GD&ĐT huyện Yên Định; thanh tra công tác quản lý trường học, thực hiện công khai theo Thông tư 36, thực hiện quy chế chuyên môn, đánh giá xếp loại học sinh và công tác quản lý văn bằng chứng chỉ năm học 2022-2023, 2023-2024 tại các trường THPT trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc...

Theo đánh giá của Thanh tra Sở GD&ĐT, qua các cuộc thanh, kiểm tra trên cho thấy, các đơn vị, trường học đã xây dựng kế hoạch giáo dục; triển khai, tổ chức Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình; thực hiện kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh bảo đảm theo quy định của Bộ GD&ĐT; thực hiện ghi hồ sơ (nhập) điểm của học sinh và lưu trữ theo quy định... Tuy nhiên, tại một số đơn vị vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: việc triển khai, tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện quản lý, sử dụng sổ điểm điện tử chưa hiệu quả; một số cơ sở giáo dục chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng sổ điểm điện tử theo hướng dẫn; việc sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn chưa bảo đảm theo quy định; công tác huy động xã hội hóa giáo dục có lúc, có nơi chưa đúng quy định... Trên cơ sở thanh, kiểm tra, Sở GD&ĐT đã kịp thời chấn chỉnh và yêu cầu đơn vị, cá nhân khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT kiểm tra công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 tại huyện Yên Định.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT kiểm tra công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 tại huyện Yên Định.

Cùng với nhiệm vụ trên, hoạt động tiếp nhận và giải quyết đơn thư trong ngành cũng được đặc biệt quan tâm. Ví như sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 và kỳ thi chọn đội tuyển cấp trường dự thi cấp tỉnh nhằm tuyển chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024 ở Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Sở GD&ĐT đã nhận được 3 đơn thư khiếu nại liên quan đến bất thường về điểm thi. Trong đó đáng chú ý có đơn thư phản ánh thí sinh C.T.H., phòng thi số 6, Hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong (thị xã Bỉm Sơn) có học lực trung bình, nhưng kết quả điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT cao bất thường. Ngay sau khi tiếp nhận đơn thư, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Thanh tra Sở và các đơn vị liên quan vào cuộc xử lý theo quy định. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT, cho biết: Qua kiểm tra, xác minh đơn thư phản ánh liên quan thí sinh C.T.H., tại Hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong cho thấy, điểm thi của thí sinh này trên bảng ghi tên, ghi điểm không đúng với điểm ghi trên bài thi của thí sinh. Cụ thể, điểm trên bảng ghi tên, ghi điểm: môn Toán 8,0 điểm, Ngữ văn 8,5 điểm và Tiếng Anh là 6,4 điểm. Trong khi đó, điểm ghi trên bài thi thực tế của thí sinh với môn Toán là 4,5 điểm, Ngữ văn 6,5 điểm và Tiếng Anh 2,4 điểm. Sau khi xác minh sự việc, Giám đốc Sở GD&ĐT đã đề nghị Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường THPT Lê Hồng Phong phối hợp thực hiện việc xét tuyển sinh lại theo đúng kết quả ghi trên bài thi của thí sinh C.T.H.; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với những cá nhân có liên quan để xảy ra sai sót.

Có thể thấy, kết quả đạt được trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư trong ngành thời gian qua đã tạo chuyển biến quan trọng trong kỷ cương, nền nếp ở các đơn vị, cơ sở giáo dục. Từ hoạt động thanh, kiểm tra, công tác dạy và học nói riêng, các hoạt động giáo dục nói chung đã đi vào nền nếp, được cán bộ, giáo viên đồng tình, Nhân dân đồng thuận, các cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội, như lạm thu, dạy thêm, học thêm sai quy định, việc buông lỏng quản lý vẫn còn diễn ra ở một số trường học, địa phương... Điều này đòi hỏi ngành giáo dục cần nỗ lực và quyết liệt hơn nữa trong công tác thanh, kiểm tra nhằm siết chặt kỷ cương, nền nếp học đường để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học trong toàn ngành.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cung-co-duy-tri-ky-cuong-day-va-hoc-trong-cac-nha-truong-230168.htm