Củng cố 'nội lực' trước những rủi ro bất định

Chính sách thuế quan mới của Mỹ là một lời 'nhắc nhở' về quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác thương mại để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phải thay đổi, tái cấu trúc nhanh hơn theo hướng 'không bỏ trứng vào một giỏ'.

Cẳng thẳng thương mại và những hệ lụy

Gần hai tuần qua, những buổi họp, hội nghị liên quan tới vấn đề thương mại với Mỹ tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương đều chật kín khách mời là các nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Sự quan tâm này là dễ hiểu, bởi chính sách thuế đối ứng được Tổng thống Donal Trump công bố ngày 2-4 đã làm xáo trộn hoạt động của không ít doanh nghiệp.

Hầu hết sản phẩm gỗ từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là sản phẩm tinh chế. Ảnh: Nam Anh

Hầu hết sản phẩm gỗ từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là sản phẩm tinh chế. Ảnh: Nam Anh

Ông Nguyễn Văn Ca, Trưởng phòng xuất nhập khẩu, Công ty TNHH công nghiệp Phúc Cần (Bình Dương), cho biết một đối tác nhập khẩu đã thông báo tạm dừng đơn hàng đã ký trị giá vài triệu đô la ngay sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng với Việt Nam.

Không riêng Phúc Cần, tỉnh Bình Dương ghi nhận 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu đô la bị hủy, 273 đơn hàng bị khách hàng Mỹ thông báo hủy hoặc tạm dừng chỉ trong 4 ngày, từ ngày 5 đến 8-4. Những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất gồm gỗ nội thất, dệt may, giày dép, thiết bị điện tử và nhựa.

“Lúc này, chúng tôi nỗ lực thương lượng với khách để tăng giá xuất khẩu mong đối tác chia sẻ khó khăn để duy trì sản xuất nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Doanh nghiệp mong chờ vào tin tốt từ đoàn đàm phán thuế quan của Chính phủ với Mỹ”, ông Ca nói.

Đồng quan điểm, ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cũng mong muốn Chính phủ đẩy mạnh đàm phán với Mỹ để sớm có một thỏa thuận thương mại phù hợp.

Khác với ngành gỗ, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chủ động đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ KHCN loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đó là, nghiên cứu đàm phán thêm quy tắc xuất xứ cộng gộp giữa các quốc gia có FTA với EU, có hướng dẫn thống nhất về ghi nhãn sản phẩm thủy sản xuất khẩu chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu là "Sản xuất tại Việt Nam" hoặc "Sản phẩm của Việt Nam", mở rộng, đa dạng hóa thị trường và tăng cường xúc tiến thương mại bằng việc tiếp tục thực hiện tốt các chương trình xúc tiến đã được phê duyệt trong năm 2025.

Hiện tại, phía Mỹ đang tạm hoãn áp dụng mức thuế 46% trong vòng 90 ngày với Việt Nam để mở đường cho đàm phán. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn hiện hữu ở phía trước vì thuế đối ứng là loại thuế được bổ sung bên cạnh các loại thuế, phí khác đang được Mỹ áp lên các ngành hàng.

Từ góc nhìn chuyên gia, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đánh giá thuế đối ứng không chỉ thể hiện gây khó chho doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn, mà tạo nhiều hệ lụy với kinh tế Việt Nam. Trong đó, yếu tố đáng lo lại là sự chuyển hướng thương mại khi hàng hóa từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan… không nhập khẩu được vào Mỹ thì sẽ vào thị trường Việt Nam làm gia tăng cạnh tranh và nguy cơ gian lận thương mại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, lo ngại Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn Trung Quốc khi căng thẳng thương mại leo thang. Với cấu trúc hàng hóa gồm 35% sản lượng cho thị trường nội địa và 65% sản lượng chị trường xuất khẩu, dự kiến ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại sẽ khiến một nửa số lao động từ khu vực sản xuất hàng hóa xuất khẩu quay lại khu vực nông nghiệp.

“Theo khảo sát, nhiều tỉnh của Trung Quốc đã thiết kế trồng sản sản phẩm nông sản tương tự Việt Nam nên hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ rất khó. Đây là vấn đề sống còn với người nông dân của chúng ta”, ông Đường nói tại một tọa đàm về củng cố và phát triển thị trường trong nước ngày 25-4.

Tái định hình vị thế Việt Nam trên bản đồ thương mại

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu áp lực kép, tức vừa phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, vừa phải bảo vệ thị trường nội địa, nhiều chuyên gia cho rằng đây là thời điểm tái định hình vị thế Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.

Ngành thủy sản có cơ hội nhưng cũng gặp thách thức gia tăng xuất khẩu trước chính sách thuế mới của Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Ngành thủy sản có cơ hội nhưng cũng gặp thách thức gia tăng xuất khẩu trước chính sách thuế mới của Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với hơn 60 quốc gia, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, việc đẩy mạnh khai thác các FTA là một “lối thoát” cho hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường tiêu dùng nội địa cũng có nhiều lợi thế.

“Thế giới chỉ có 14 nước với thị trường trong nước trên 100 triệu dân. Trong mắt các doanh nghiệp, Việt Nam thị trường hết sức tiềm năng đồng thời có sự kết nối với các thị trường khác do là quốc gia thứ hai ở ASEAN có FTA với EU”, ông Tuấn nói.

Hiện Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa như quyết liệt xử lý hàng giả, hàng lậu; bãi bỏ Quyết định 76 về áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hàng nhập khẩu trị giá dưới 1 triệu đồng; giảm 2% thuế GTGT với nhiều loại hàng hóa hết năm 2026; giãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); bỏ visa đơn phương với một số quốc gia để thúc đẩy du lịch..

Điều này khiến ông Tuấn có quan điểm lạc về việc Việt Nam sẽ giữ được thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ hệ thống phân phối khiến hàng hóa Việt Nam khó gia nhập hệ thống, để tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước phải có thương hiệu và hệ thống phân phối riêng. Việc này đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc thiết lập chuỗi phân phối, đưa hàng hóa Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào thị trường.

“Dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước, các bạn trẻ thể hiện tình yêu nước hết sức mạnh mẽ. Liệu chúng ta có thể chuyển hóa tình yêu nước của người dân thành cảm tình với hàng hóa sản xuất trong nước không?”, ông Tuấn gợi mở.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, 90 ngày hoãn áp thuế đối ứng là cơ hội quan trọng để Việt Nam giải trình rõ nghi ngờ về việc lẩn tránh xuất xứ hàng hóa Trung Quốc, giúp duy trì xuất khẩu ổn định sang thị trường này.

Định hướng được đề xuất là giảm tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhưng vẫn giữ nguyên giá trị xuất khẩu đồng thời tăng giá trị xuất khẩu sang các thị trường khác.

Theo bà Lan, thuế đối ứng là rủi ro nhưng cũng là cơ hội để tái định vị quan hệ thương mại song phương. “Việt Nam có 17 FTA nhưng với Mỹ chỉ có BTA và BTA+, hợp tác vẫn ở mức thông thường. Do đó, cần đẩy nhanh đàm phán để hàng hóa Mỹ được đối xử như từ một quốc gia có FTA với Việt Nam, bao gồm cả hàng rào thuế và phi thuế quan”, bà Lan nói và lưu ý việc đa dạng nguồn cung đầu vào với các lô hàng xuất đi Mỹ, đảm bảo sự minh bạch cao nhất.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cung-co-noi-luc-truoc-nhung-rui-ro-bat-dinh/