Củng cố 'sức mạnh mềm' để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh

Bước vào kỷ nguyên mới, việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh trở thành nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đây là vấn đề được ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh khi nhắc đến các giải pháp nâng cao năng lực canh tranh cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Kinh doanh có trách nhiệm là một nội hàm quan trọng của văn hóa kinh doanh

Kinh doanh có trách nhiệm là một nội hàm quan trọng của văn hóa kinh doanh

Văn hóa kinh doanh là "sức mạnh mềm"

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, văn hóa là nền tảng phát triển, là sức mạnh mềm của mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi tập thể, mỗi doanh nghiệp cũng như mỗi cá nhân. Văn hóa kinh doanh là một bộ phận của văn hóa dân tộc, là biểu hiện của văn hóa dân tộc trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là phát triển kinh tế luôn đi đôi với phát triển văn hóa. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Tại Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra nhiệm vụ xây dựng văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới.

Trước yêu cầu cấp thiết được đặt ra, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, trong hành trình xây dựng, phát triển đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa kinh doanh và bản sắc văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được quan tâm tương xứng.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bước vào kỷ nguyên mới, việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh trở thành nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đến năm 2045, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, yêu cầu bắt buộc là đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh ngang tầm thế giới. Doanh nhân Việt Nam phải có chung một hệ giá trị tư tưởng, triết lý kinh doanh, có bản sắc và những giá trị văn hóa kinh doanh đem lại sức mạnh mềm và nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

Tuy nhiên, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là nhiệm vụ chung, lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội; trong đó, các hiệp hội, tổ chức đại diện cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, thời gian qua VCCI đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động nhằm xây dựng và lan tỏa đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam. Theo đó, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức Doanh nhân gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Đến nay, 6 quy tắc này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 để dạy cho các em học sinh; tích cực triển khai thực hiện đề án “Thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2024-2030”. Diễn đàn Văn hóa doanh nhân năm 2025 với chủ đề Kinh doanh có trách nhiệm là một trong số những hoạt động thực hiện đề án.

"Đặc biệt, kinh doanh có trách nhiệm là một nội hàm quan trọng của văn hóa kinh doanh. Kinh doanh có trách nhiệm đã và đang được các doanh nghiệp Việt Nam coi là chìa khóa để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia; giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc liêm chính, kinh doanh tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro và giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường. Theo quy định Liên Hiệp quốc, kinh doanh có trách nhiệm có nghĩa là nhà kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền con người, bảo vệ môi trường, thực hiện các trách nhiệm về quan hệ lao động cũng như trách nhiệm giải trình về mặt kinh tế, tài chính đối với nhà nước như thuế, các báo cáo tài chính… Ngoài ra, trong trường hợp pháp luật của quốc gia chưa đảm bảo đủ cho các điều kiện này, các nhà kinh doanh cần chủ động điều chỉnh hoạt động phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Bắt nhịp xu hướng để tăng sức cạnh tranh

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, kinh doanh có trách nhiệm đã và đang là xu hướng kinh doanh quan trọng, là biện pháp hữu hiệu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ là họ không thể phát triển bền vững nếu xã hội không phát triển.

Bên cạnh đó, việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội như môi trường hay thể hiện trách nhiệm với các bên liên quan trong hoạt động của mình có thể là cơ hội xây dựng mô hình kinh doanh mới hiệu quả và bền vững hơn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đang áp dụng phổ biến bộ tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) để đánh giá mức độ phát triển bền vững và tác động phi tài chính của một doanh nghiệp. Thực hành ESG được xem là phương thức cụ thể để doanh nghiệp thể hiện triết lý kinh doanh có trách nhiệm.

Nhấn mạnh thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VCCI, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết thêm, những năm qua VCCI đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động để vận động, nâng cao hiệu quả trong việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại các doanh nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như của toàn nền kinh tế.

“VCCI đã xác định việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là một trong ba nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ này. Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng chuẩn mực đạo đức kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm, nâng cao năng lực quản trị và gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong kỷ nguyên mới” - Chủ tịch Phạm Tấn Công khẳng định.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cung-co-suc-manh-mem-de-doanh-nghiep-tang-suc-canh-tranh-164158.html