Củng cố xu hướng tăng trưởng cho doanh nghiệp ngành hàng F&B

Những đánh giá mới nhất cho thấy xu hướng tăng trưởng tiếp tục được củng cố ở ngành hàng thực phẩm và đồ uống (F&B) của Việt Nam so với những khó khăn trong thời gian trước. Điều này không chỉ đến từ những tín hiệu tích cực của thị trường nội địa mà còn từ những cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cộng với cố gắng không ngừng đổi mới của doanh nghiệp Việt để có được chỗ đứng trên thị trường vốn đầy rẫy cạnh tranh.

Sau chuyến tham gia mới đây vào hội chợ SIAL Thượng Hải 2024 (hội chợ quốc hàng đầu thế giới trong ngành thực phẩm và đồ uống, diễn ra ở Trung Quốc), nhiều doanh nghiệp (DN) Việt trong ngành hàng F&B đã có được cơ hội để mở rộng đối tác, mở rộng mạng lưới phân phối và mang thương hiệu F&B của Việt Nam đến toàn thế giới, cũng như đánh giá lại nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế.

hội thúc đẩy xuất khẩu

Theo chia sẻ của ông Phạm Thành Danh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Datafa (với sản phẩm chủ đạo là nước dừa và yến), có tham dự một hội chợ lớn như vậy mới hiểu được người tiêu dùng quốc tế đang ưa thích gì ở sản phẩm của mình, và có cơ hội tìm thêm đối tác, khách hàng mới.

Phát triển những sản phẩm mới phù hợp xu hướng của người tiêu dùng sẽ giúp các DN ngành hàng F&B củng cố xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới.

Phát triển những sản phẩm mới phù hợp xu hướng của người tiêu dùng sẽ giúp các DN ngành hàng F&B củng cố xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới.

Như với người tiêu dùng ở Trung Quốc, ông Danh cho biết họ quan tâm đến hai yếu tố chủ đạo, đầu tiên là chất lượng, thứ hai là giá cả. Còn về xuất khẩu (XK), hoặc là công ty XK bằng thương hiệu của mình, hoặc là gia công theo thương hiệu của khách hàng yêu cầu.

Còn một chủ DN khác là ông Đặng Khánh Duy, Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (với sản phẩm đặc trưng là bánh tráng siêu mỏng và muối chấm), cho biết có quan sát tại hội chợ quốc tế nêu trên mới thấy khách hàng ở đây quan tâm nhiều hơn tới sản phẩm bánh tráng cuốn siêu mỏng không nhúng nước.

Theo ông Duy, trong hai năm nay công ty đã XK dòng sản phẩm chủ lực là bánh tráng cuốn không nhúng nước. Đặc biệt đối tác phía Trung Quốc đã đưa những dòng sản phẩm này lên một số trang thương mại điện tử bán trực tuyến (online) ở đây.

Ngoài những chia sẻ nêu trên, để đưa sản phẩm F&B của Việt Nam ra thị trường thế giới, giới chuyên gia cho rằng các DN Việt cần phải phát huy những lợi thế của mình. Lợi thế đó nằm ở giá trị của vùng nguyên liệu, so với những đối thủ lớn, Việt Nam sở hữu vùng nguyên liệu đặc sắc và đa dạng. Đây là giá trị giúp sản phẩm của DN có điểm nhấn, có dấu ấn riêng. Nếu DN biết khai thác có thể tăng giá trị cho sản phẩm khi XK.

Như lưu ý của ông Nguyễn Thành Huy, nguyên phụ trách Thương vụ Việt Nam ở Thái Lan, nếu DN Việt tìm được những điểm chạm, mang trong đó giá trị vùng miền (dân tộc) chính là điểm nhấn, điểm khác biệt, tạo thành giá trị sinh thái, thì họ sẽ gắn kết được với chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, các DN Việt cần đưa ẩm thực trong nước ra thế giới bằng công nghệ, chế biến sâu. Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), nhấn mạnh để XK bánh mì thành công, đưa vào tiêu thụ tại các khách sạn 5 sao ở Nhật Bản hay Singapore thì công ty phải liên tục cải tiến để cho ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng quốc tế.

Bên cạnh triển vọng về mặt XK, trong báo cáo cập nhật mới nhất về ngành hàng F&B, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định xu hướng tăng trưởng tiếp tục được củng cố.

Theo đó, doanh thu của các DN ở ngành hàng này được dẫn dắt bởi sản lượng khi giá bán được kỳ vọng vẫn ổn định trong năm nay. Phục hồi kinh tế, cùng với việc giảm áp lực của hiệu ứng “cảm giá đắt đỏ” của người tiêu dùng, đã quen với mặt bằng giá mới, sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ ở ngành hàng F&B tăng trưởng ở tốc độ cao so với năm 2023. Ngoài ra, lợi ích của giảm chi phí đầu vào sẽ được kéo dài trong năm 2024 (nhờ xu hướng giảm giá cả hàng hóa nông nghiệp) cũng giúp cho các DN có tăng trưởng tốt về lợi nhuận.

Cố gắng không ngừng đổi mới

Chính vì vậy mà có không ít DN nội địa hàng đầu trong ngành hàng F&B đang đặt ra chỉ tiêu cao về doanh thu và lợi nhuận cho năm 2024 này. Đơn cử như CTCP tập đoàn Kido (KDC) trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên 2024 vào ngày 19/6 sắp tới, đã đặt ra kế hoạch doanh thu năm nay đạt 13.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 50% và 148% so với kết quả 2023.

Để thiết lập mục tiêu trên, như với ngành kem, ông Trần Lệ Nguyên, Chủ tịch HĐQT của KDC, cho biết sẽ tập trung mở rộng thị trường, kênh phân phối, tiếp cận các đối tượng khách hàng mới, gia tăng khoảng cách thị phần với các đối thủ, mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu ngành hàng. Điều này được thực hiện bằng những chiến lược cụ thể.

Còn trong đánh giá mới đây về Top 10 DN sáng tạo và kinh doanh hiệu quả năm 2024 trong ngành hàng F&B, CTCP nghiên cứu kinh doanh Việt Nam (Viet Research) cho rằng F&B là một lĩnh vực màu mỡ gắn liền với các nhu cầu cốt lõi nhất của con người mà thị trường luôn có sự cạnh tranh gay gắt so với các ngành khác.

“Do đó, để tồn tại và có được chỗ đứng trên thị trường, các DN sản xuất kinh doanh thực phẩm, đồ uống luôn phải cố gắng không ngừng đổi mới, sáng tạo, cách tân để nắm bắt xu hướng phát triển của ngành và tạo ra lợi thế trước các đối thủ khác”, phía Viet Research nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ DN hàng đầu trong ngành F&B, ông Kao Siêu Lực cũng thừa nhận đổi mới sáng tạo là yếu tố cực kỳ quan trọng với ngành hàng này. Để tăng sức cạnh tranh thì bản thân công ty đầu tư nhiều vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), phải liên tục cải tiến để cho ra những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Nên nhắc thêm, trong khảo sát mới đây của Viet Research với các DN F&B trong Top 10 DN Đổi mới Sáng tạo ngành F&B, đã chỉ ra 3 động lực quan trọng nhất đối với hoạt động đổi mới sáng tạo của DN trong 3 năm gần đây nhất. Thứ nhất là những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Thứ hai là sự thay đổi các yếu tố trong thị trường như nhân khẩu học, kinh tế vĩ mô…. Thứ ba là áp lực đến từ các đối thủ cạnh tranh.

Cũng trong khảo sát này, các DN F&B cho biết hai hình thức đổi mới sáng tạo chủ yếu trong DN hiện tại và trong ít nhất 3 năm tới là tập trung vào đổi mới sản phẩm, dịch vụ và đổi mới phương thức và chiến lược truyền thông, marketing.

Xét chung, để củng cố xu hướng tăng trưởng trong năm nay ở ngành hàng F&B đang cần các DN Việt nắm bắt tốt các cơ hội, lợi thế trên thị trường XK và có những chiến lược cụ thể hơn trên thị trường nội địa. Đặc biệt là phát triển nhiều sản phẩm mới phù hợp xu hướng thưởng thức của người tiêu dùng, tái định vị thương hiệu, cải tiến chất lượng, mẫu mã. Bên cạnh đó, các DN cần tập trung cho đổi mới sáng tạo, đầu tư cải tiến máy móc hiện đại phục vụ tối đa việc sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cung-co-xu-huong-tang-truong-cho-doanh-nghiep-nganh-hang-f-b-1100191.html