Cùng doanh nghiệp vượt bão thuế quan
Cuộc chiến thuế quan không phải là điều mà một quốc gia như Việt Nam có thể kiểm soát, nhưng tác động của nó có thể được giảm nhẹ nếu có chính sách phù hợp và hành động kịp thời. Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua sóng gió hiện nay không chỉ là câu chuyện ứng phó mà để hướng tới sự phát triển bền vững hơn trong một thế giới ngày càng bất định.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp cụ thể. Ảnh: VGP
“Mọi người đều biết thuế quan sẽ đến nhưng không ai nghĩ nó lại tới 46%”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nói trong cuộc họp báo cuối tuần trước. Và vào lúc này, thách thức lớn hơn có lẽ nằm ở chỗ không thể đoán định được tương lai. Vẫn theo lời ông Adam Sitkoff - “hôm nay chúng ta biết mức thuế quan Việt Nam bị áp là bao nhiêu nhưng tuần tới, tháng tới thì không ai biết cả!”.
Ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, chủ động đưa ra giải pháp. Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự với hàng hóa Việt Nam. Đến nay, hàng chục quốc gia đã đề nghị được đàm phán với Mỹ, song theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Việt Nam là một trong những nước có phản ứng sớm nhất và là nước đầu tiên có trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất, đặt nền tảng quan trọng cho quá trình đàm phán song phương tới đây.
Các gói hỗ trợ cần mang tính “đo ni đóng giày” cho từng nhóm đối tượng. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, là tư vấn pháp lý, hỗ trợ chuyển đổi thị trường. Với nông dân, đó là trợ giá đầu vào, mở rộng bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ liên kết chuỗi. Với người tiêu dùng, đó là giữ ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh trong giai đoạn chi phí sinh hoạt có nguy cơ tăng theo tác động vòng xoáy thuế - giá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng liên tục họp để đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp cụ thể. Chiều tối ngày 7-4-2025, khi người dân cả nước đang trong kỳ nghỉ giỗ Tổ, Thủ tướng chủ trì Hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ một số giải pháp. Cụ thể là đề nghị Mỹ hoãn áp thuế ít nhất là 45 ngày để đàm phán, chuẩn bị và chuyển tiếp trạng thái.
Song song đó, tiếp cận và đàm phán với Mỹ để có thỏa thuận song phương, tiến tới cân bằng thương mại bền vững, có lợi cho cả hai bên. Về thuế, thực hiện theo định hướng thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục mua thêm các mặt hàng Mỹ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu, kể cả các mặt hàng liên quan an ninh - quốc phòng; thúc đẩy giao hàng sớm với các hợp đồng thương mại máy bay; xử lý tốt các vấn đề liên quan chính sách tiền tệ...
Trên thực tế, trong suốt những tháng qua, Chính phủ đã nỗ lực cân bằng thương mại với Mỹ, thể hiện ở việc chủ động điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng từ Mỹ như khí hóa lỏng, ethanol, ô tô, nông sản, trái cây, gỗ; đẩy nhanh tiến độ mua máy bay Boeing; tăng tốc triển khai các dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), ký kết các hợp đồng mua sắm thiết bị, nguyên liệu và dịch vụ cho các dự án này...
Dù thuế suất bao nhiêu là chuyện còn nằm trên bàn đàm phán, song phản ứng nhanh nhạy, chủ động của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã giúp củng cố, neo giữ niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào tương lai, cũng như tiếp thêm “năng lượng” để cả nền kinh tế vượt qua thử thách. Mặt khác, giả sử mức thuế cuối cùng có thể thấp hơn tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, thì kịch bản nào đi chăng nữa, 10%, hay 20-25% vẫn là mức khá cao và chắc chắn sẽ tác động mạnh tới xuất khẩu của nước ta trong trung và dài hạn. Bởi vậy, bên cạnh tiến hành đàm phán thì xây dựng các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp rất cấp thiết lúc này, nhất là với những lĩnh vực dự báo chịu tác động trực tiếp và nặng nề trước chính sách thuế quan, đang tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, điện tử...
Trong cuộc họp chiều tối 7-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể là mở rộng gói tín dụng ưu đãi cho thủy - hải sản và nghiên cứu các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực, mặt hàng khác; tiếp tục giãn nợ, giảm lãi suất cho vay với các mặt hàng có thể chịu tác động bởi chính sách thuế của Mỹ. Cùng với đó, hoãn, giãn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thuế giá trị gia tăng theo hướng giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về giảm thuế, trước mắt là thuế giá trị gia tăng.
Định hướng và ban hành chính sách là một chuyện, triển khai đến các doanh nghiệp, các lĩnh vực là một hành trình khác. Tốc độ, sự minh bạch và đồng bộ trong thực thi sẽ quyết định hiệu quả cuối cùng. Chính phủ đã ra giải pháp, phần việc còn lại nằm ở các bộ, ngành, địa phương - nơi chính sách cần được cụ thể hóa bằng những hành động thực tế: thủ tục nhanh hơn, tiếp cận dễ hơn và hỗ trợ thiết thực hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và chuẩn bị thêm nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp hơn nữa - không chỉ cho doanh nghiệp mà cả người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế trong xã hội. Bởi các tác động từ cuộc chiến thuế quan không dừng lại ở nhà máy hay container hàng hóa, mà sẽ lan sâu vào đời sống người lao động, người tiêu dùng, nông dân và các cộng đồng địa phương phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Các gói hỗ trợ cần mang tính “đo ni đóng giày” cho từng nhóm đối tượng. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, là tư vấn pháp lý, hỗ trợ chuyển đổi thị trường. Với nông dân, đó là trợ giá đầu vào, mở rộng bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ liên kết chuỗi. Với người tiêu dùng, đó là giữ ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh trong giai đoạn chi phí sinh hoạt có nguy cơ tăng theo tác động vòng xoáy thuế - giá.
Không quốc gia nào miễn nhiễm với sóng gió toàn cầu. Chính phủ cũng không thể gánh vác tất cả khó khăn thay cho doanh nghiệp hay người dân. Trước thách thức, điều quan trọng nhất là sự đồng lòng: Chính phủ hành động quyết liệt, các bộ, ngành triển khai nhanh chóng, doanh nghiệp nỗ lực thích ứng, và người dân tin tưởng, chia sẻ. Chỉ khi cả hệ thống cùng chuyển động, mỗi người cố gắng làm tốt phần việc của mình, chúng ta mới có thể biến thách thức thành cơ hội, giữ vững ổn định kinh tế và từng bước khẳng định vị thế vững chắc trong một thế giới đầy biến động.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cung-doanh-nghiep-vuot-bao-thue-quan/