Cùng hành động để giảm tác động của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu làm trái đất ngày càng nóng và đối mặt với nhiều nguy cơ về thiên tai (lũ lụt, hạn hán, bão lớn), dịch bệnh; thiếu nước sạch, thiếu lương thực... Hậu quả của biến đổi khí hậu rất nặng nề, tác động đến mọi mặt của đời sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Phần lớn nguyên nhân của biến đổi khí hậu là do con người gây ra như: tăng phát thải khí nhà kính (do khí thải từ hoạt động sản xuất, khí thải phương tiện giao thông…), nạn phá rừng…
Tại Đồng Nai, sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa bên cạnh việc mang lại những lợi ích về kinh tế thì một mặt nào đó cũng ít nhiều có tác động tiêu cực đến khí hậu, môi trường sống. Tại đô thị đông dân, phát triển công nghiệp như thành phố Biên Hòa, nhiệt độ trong cao điểm nắng nóng như hiện nay luôn đứng đầu cả nước. Một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng từ khí thải tỏa ra từ hoạt động công nghiệp, khí thải từ các phương tiện giao thông vốn luôn đông đúc…
Trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gần 80 chương trình, dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể như: chương trình phát triển nông nghiệp bền vững; kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; dự án kiểm soát khí thải các phương tiện giao thông cơ giới; kế hoạch hành động giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng; nghiên cứu, xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái…
Thực hiện kế hoạch này, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai thực hiện mô hình kinh tế xanh, đô thị xanh, nông thôn mới xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến phòng, chống biến đổi khí hậu đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi trong việc tham gia phòng, chống biến đổi khí hậu.
Trước hết, cần cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp cùng hành động; cần chủ động hơn nữa trong phòng, chống thiên tai, hạn hán, ngập lụt, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững để cùng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.