Cùng hành động để hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới

Những năm gần đây, nước ta luôn nằm trong nhóm đầu các quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái; song phụ nữ và trẻ em gái vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu BĐG, các ngành, các cấp đã và đang phối hợp hành động bằng nhiều giải pháp.

NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ BĐG

BĐG hiện đang là một trong những vấn đề cần sự quan tâm của toàn xã hội bởi sự tiến bộ và công bằng xã hội chỉ có thể đạt được khi người phụ nữ được sát cánh cùng nam giới tham gia mọi hoạt động xã hội cũng như được hưởng mọi thành quả của tiến bộ xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ về quyền lợi của phụ nữ còn nhiều hạn chế. Công tác truyền thông tới người dân còn hạn hẹp, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tăng cường truyền thông về BĐG.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở Tiền Giang” do Chính phủ Úc tài trợ (gọi tắt là Dự án UN Women) Đặng Thị Ngọc Điệp cho rằng: Để năng cao nhận thức về BĐG, Dự án UN Women đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục, thông tin đại chúng một cách hiệu quả để khuyến khích, thay đổi hành vi, thái độ về các vấn đề BĐG trong các cơ quan, tổ chức và xã hội. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐG, về luật pháp, chính sách đối với phụ nữ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời phát triển các hoạt động trợ giúp pháp lý, trợ giúp nạn nhân nhằm giảm thiểu các tổn hại đối với phụ nữ.

Theo đó, Ban quản lý Dự án UN Women đã tổ chức các buổi truyền thông tại các cụm, khu vực trên địa bàn huyện. Đại biểu là phụ nữ, nam giới, các cặp vợ chồng được các tuyên truyền viên tuyên truyền các nội dung, kiến thức về BĐG, định kiến giới; các thông điệp tuyên truyền hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới như: Thực hiện BĐG là tiêu chí của tiến bộ, văn minh; hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11); BĐG là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương; chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em; im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại; xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng…

Với những thông điệp mạnh mẽ là không khoan nhượng với tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ, Dự án UN Women do Chính phủ Úc tài trợ được triển khai thực hiện tại tỉnh Tiền Giang nhằm hướng tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Sẽ không có BĐG nếu không có sự nhập cuộc, tham gia, hưởng ứng của các tổ chức, tập thể, cá nhân trong xã hội, nhất là vai trò tiên phong của nam giới, người chồng, người cha trong gia đình.

Tham gia, chia sẻ tại buổi truyền thông, anh Nguyễn Văn Tiền (xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Trong quan hệ vợ chồng thì rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau; nếu chẳng may có bất hòa, cả hai cần gạt bỏ cái tôi của mình, biết lắng nghe và trao đổi vấn đề cùng nhau, vợ nói - chồng nghe, chồng nói - vợ nghe. Tuy nhiên, các chị em phụ nữ là người vợ cũng cần biết chọn thời điểm nhắc nhở chồng, hãy tôn trọng các mối quan hệ xã hội, bạn bè, công việc của chồng. Ví dụ, nếu chồng có lỡ nhậu say về thì đừng vội trách móc, hãy đợi lúc tỉnh táo mà góp ý nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương nhau, gây xúc phạm hay thách thức, tránh “châm dầu vào lửa”; những chuyện nhỏ nhặt, không đáng thì cho qua, không nên làm mất hòa khí gia đình”.

Tại các buổi truyền thông còn lồng ghép các tiểu phẩm ngắn, giúp buổi truyền thông thêm sinh động, hấp dẫn. Các tiểu phẩm nói về sự thiên vị, trọng nam khinh nữ, sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái của người cha trong gia đình. Người con gái ngoan hiền, hiếu thảo, học giỏi nhưng người cha không cho đi học tiếp; còn người con trai ăn chơi, đua đòi nhưng được người cha nuông chiều, thương yêu. Cuối cùng, người cha đã nhận ra sai lầm của mình, con nào cũng là con, thương yêu và đối xử công bằng như nhau. Người cha đã đồng ý cho con gái tiếp tục đi học, người mẹ cũng đã mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong các quyết định trong gia đình.

MÔ HÌNH “ĐỊA CHỈ TIN CẬY TẠI CỘNG ĐỒNG”

Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” (ĐCTCTCĐ) được đặt tại các trụ sở ấp, khu phố (nơi thường xuyên có người trực và có khả năng bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực). Hoạt động của mô hình là tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực, bảo đảm an toàn cho nạn nhân và bí mật thông tin về người báo tin và nạn nhân. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, khi đến đây, nạn nhân được chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa; đồng thời được tuyên truyền nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trao thiết bị cho mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”.

Có thể nói, những năm qua, mô hình hoạt động đúng với ý nghĩa tên gọi và đã tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị bạo lực tạm lánh, động viên tinh thần, hướng dẫn chị em các kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ vay vốn sản xuất, giới thiệu việc làm. Nhờ phát huy vai trò của các thành viên là những người có uy tín ở địa phương nên nhiều ĐCTCTCĐ đã trở thành cầu nối hàn gắn những rạn nứt trong mâu thuẫn gia đình, xóm, ấp, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Riêng các đối tượng bạo lực gia đình sau khi được tuyên truyền, giải thích thì hầu hết đã dần chuyển biến nhận thức thay đổi hành vi, rất ít trường hợp tái phạm...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình cũng gặp một số khó khăn nhất định về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, tư tưởng, tâm lý người dân còn e dè... Khắc phục những khó khăn trên và tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã triển khai Dự án UN Women hỗ trợ trang thiết bị cho 3 mô hình ĐCTCCĐ ở xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây), xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo) và xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước). Mỗi địa chỉ được hỗ trợ 50 triệu đồng để trang bị giường, tủ, máy lọc nước và các vật dung sinh hoạt cần thiết…, tổng trị giá gần 150 triệu đồng. Đây là những vật dụng giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình có điều kiện sinh hoạt, ổn định tư tưởng trong thời gian tạm lánh.

Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây Trần Thị Hồng Gấm cho biết: Qua gần 6 năm triển khai hoạt động ĐCTCCĐ, đã hòa giải 15 vụ việc có liên quan đến bạo lực gia đình, các mâu thuẫn trong gia đình; tư vấn, trợ giúp cho 15 chị em gặp các vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Những chị em phụ nữ khi gặp các vấn đề sẽ được tư vấn, cung cấp số điện thoại để liên lạc khi cần thiết. Nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, nhiều cặp vợ chồng đã được hàn gắn, thuận hòa, từ đó chị em ngày càng tin tưởng, phấn khởi và tích cực tham gia vào các phong trào và hoạt động của hội và tham gia vào các mô hình tổ hợp tác sản xuất, tổ góp vốn xoay vòng để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc....

Hãy tôn trọng tất cả phụ nữ và trẻ em, lắng nghe ý kiến của họ, hãy lên tiếng và tìm kiếm, hoặc cung cấp sự hỗ trợ khi bạn chứng kiến bạo lực trẻ em và phụ nữ, cùng lan tỏa các thông điệp đến nhiều người hơn. Bình đẳng sẽ mang lại hạnh phúc cho cả hai giới. Bình đẳng sẽ mang lại hạnh phúc cho gia đình và tiến bộ xã hội.

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202311/cung-hanh-dong-de-hien-thuc-hoa-muc-tieu-binh-dang-gioi-997043/