Cùng hành động để phát triển đô thị bền vững

Trục đô thị bắc - nam ở phía tây hứa hẹn tạo ra những thay đổi cho vùng nông thôn miền núi của tỉnh. Ảnh: BẠCH VÂN

Chương trình hành động 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt Chương trình hành động 19) đang tạo động lực cho các đô thị của tỉnh phát triển đúng hướng.

Phù hợp với điều kiện mới

Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/ 2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210/2016/ UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị (gọi là Nghị quyết 26) có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, đang tạo nên những thay đổi căn bản trong tiêu chí đánh giá xếp loại đô thị. Điều này khiến hơn 1 năm qua, các đô thị của tỉnh gần như “giậm chân tại chỗ” với các tiêu chí hoàn thành. Nhiều địa phương lúng túng vì có thể khó về đích đúng mục tiêu ban đầu. Chính Chương trình hành động 19 một lần nữa khẳng định sự thống nhất trong định hướng theo mục tiêu ban đầu, giúp các địa phương đồng bộ cơ chế, tiếp tục chuẩn hóa số liệu.

Đồng chí Huỳnh Lữ Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất định hướng đến năm 2025, Tuy Hòa phấn đấu đạt đô thị loại I. Thành phố lấy năm 2023 là năm chuẩn hóa số liệu theo phạm vi phát triển đô thị trên cơ sở các quyết định, nghị quyết, đề án… Đó là Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch nâng loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết 26 cùng Chương trình hành động 04 của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng, nâng cấp TP Tuy Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2025 và đề án Công nhận TP Tuy Hòa và khu vực phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Bên cạnh TP Tuy Hòa, các đô thị còn lại của tỉnh vẫn bám sát mục tiêu của Tỉnh ủy trong xây dựng và phát triển đô thị. Đó là đến năm 2025, TX Sông Cầu lên đô thị loại II, huyện Tuy An lên đô thị loại IV. Điều này được cụ thể bằng các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gồm Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 18/8/2021 về lãnh đạo, xây dựng phát triển TX Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh, Nghị quyết 12 về lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện Tuy An thành thị xã. Theo ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, hiện địa phương ban hành Chương trình hành động 20-CTr/ HU ngày 17/9/2021 của Huyện ủy về lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện Tuy An thành thị xã vào năm 2025 phù hợp với Chương trình hành động 19.

Đẩy nhanh đô thị hóa

Hiện toàn tỉnh có 9 đô thị, đến năm 2025 phấn đấu tăng lên 14 đô thị và 2030 là 18 đô thị, tương ứng với tỉ lệ đô thị hóa đạt 38,5%, tăng lên mức tối thiểu 45% năm 2025 và 50% năm 2030. Đô thị hóa giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ. Để thực hiện, trong Chương trình hành động 19 đã xây dựng, phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo 3 trục chính là trục đô thị ven biển, trục đô thị đông - tây và trục đô thị bắc - nam ở phía tây. Trên các trục đô thị này, ngoài đô thị hiện hữu sẽ hình thành các đô thị mới. Điển hình, trục đô thị đông - tây hình thành thêm 2 đô thị loại V gồm Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) và Ea Ly (huyện Sông Hinh); trục đô thị bắc - nam ở phía tây có thêm đô thị Sơn Long (huyện Sơn Hòa), Xuân Phước (huyện Đồng Xuân)…

Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, quốc lộ 19C đang tạo ra những thay đổi tích cực cho đời sống người dân vùng miền núi huyện Đồng Xuân. Xuân Phước từ một xã nghèo từng bước thay đổi tiến tới xã nông thôn mới. Nếu được nâng loại đô thị, cơ sở hạ tầng được đầu tư sẽ tạo điều kiện để xã tăng kết nối vùng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Theo đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chương trình hành động 19 hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, kết nối với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và bền vững, chất lượng sống tại đô thị ở mức cao. Trong xây dựng, phát triển hệ thống đô thị của tỉnh vẫn chú trọng đầu tư xây dựng các đô thị trung bình và nhỏ có vai trò là đô thị trung tâm thuộc huyện, đô thị chuyên ngành tại các vùng đô thị hóa cơ bản, vùng ven biển, trung du và miền núi, đảm bảo việc phân bổ hợp lý hệ thống đô thị giữa các vùng, giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Đến năm 2045, toàn tỉnh phấn đấu đạt tỉ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có khả năng chống chịu, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường…

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng,

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/291183/cung-hanh-dong-de-phat-trien-do-thi-ben-vung.html